Multimedia Đọc Báo in

Nhà giáo về hưu làm giàu từ trồng măng tre

09:35, 22/11/2013
Năm 1996, do hoàn cảnh gia đình, thầy giáo Phạm Bá Sơn vào Dak Lak lập nghiệp, tiếp tục sự nghiệp “trồng người”. Công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành rồi Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (huyện Cư Kuin), đến năm 2009 thì ông về nghỉ hưu theo chế độ, sinh sống tại thôn 6, xã Ea Ning (huyện Cư Kuin).

Về hưu, nhà giáo Phạm Bá Sơn vẫn say mê với công tác xã hội, hiện là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ huyện Cư Kuin, Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn 6, rồi Trưởng Ban khuyến học thôn…

Mô hình trồng tre lấy măng của ông Sơn hằng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Mô hình trồng tre lấy măng của ông Sơn hằng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Không chỉ từng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, say mê công tác xã hội, nhà giáo Phạm Bá Sơn còn là một điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương với mô hình trồng tre lấy măng. Với đồng lương giáo viên ít ỏi, cuộc sống khó khăn, với ý chí quyết nghèo nhưng vốn liếng lại chẳng nhiều, ông đã vay mượn tiền mua 3 sào đất ở xã Ea Ning để canh tác. Nhưng đất xấu, toàn đá sỏi, không trồng được cây gì cả, ông mua 600 m3 đất nơi khác đổ vào với hy vọng trồng được cây gì đó để cải thiện đời sống. Trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng khác nhau nhưng đều thất bại, đến năm 2001, qua tìm hiểu trên báo đài, ông Sơn đã mạnh dạn lặn lội xuống Đồng Nai mua giống măng tre Mạnh Tông (Đài Loan) về trồng.

Và rồi “vùng đá sỏi đã đẻ ra tiền”, chỉ một năm sau, vườn tre lấy măng của ông đã cho thu. Do giống tre to nên một cây măng khi thu hoạch đã nặng tới 10-15 kg, mỗi năm vườn tre Mạnh Tông của ông Sơn cho thu hoạch trên 3 tấn măng tươi, với giá từ 7 - 10 nghìn đồng/kg măng, gia đình ông thu được 30 triệu đồng. Để nâng cao thành phẩm, ông còn đầu tư xây dựng lò sấy măng khô, mỗi năm bán ra thị trường từ 1,5 - 2 tạ măng khô và thu về hơn 10 triệu đồng/năm nữa. Không chỉ vậy, hằng năm ông Sơn còn bán ra thị trường trên 300 cây tre già với giá 60.000 đồng/cây để phục vụ nhu cầu làm nhà, làm công trình phụ của người dân. Gia đình ông cũng là địa chỉ cung cấp 2-3 nghìn cây giống tre lấy măng cho người dân trong và ngoài huyện. Như vậy, với mô hình trồng tre lấy măng mỗi năm mang lại cho gia đình nhà giáo này trên 100 triệu đồng.

Ông Sơn chia sẻ: Trồng tre lấy măng hợp với đất xấu, đất bạc màu, ít tốn công chăm sóc nhưng  hiệu quả kinh tế đem lại khá cao. Tre cho măng quanh năm, sản phẩm măng tre được nhiều người ưa chuộng bởi đây được coi là sản phẩm rau sạch không sử dụng các chất bảo vệ thực vật… Để trồng tre lấy măng hiệu quả, nên trồng với mật độ  từ 5- 6 m/ bụi, bón phân 2 lần/năm, mỗi lần bón khoảng 15kg phân urê kết hợp với 10kg phân DAP và bón vào đầu mùa mưa…

Bá Thăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.