Multimedia Đọc Báo in

Những khoảng trống trong công tác y tế dự phòng: Cần giải quyết vấn đề từ gốc (Kỳ III)

10:31, 10/11/2013

Kỳ cuối: Cần giải quyết vấn đề từ gốc

Việc ngành Y tế tập trung đầu tư cho hệ thống điều trị để giảm thiểu tình trạng quá tải bệnh viện có thể xem mới chỉ giải quyết được “phần ngọn”, còn phần gốc của vấn đề là phải đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, tức là giúp người dân phòng ngừa bệnh tật cũng hết sức quan trọng.

Gốc bền thì cây mới vững

Trong một báo cáo mới đây của Bộ Y tế cho thấy, cùng một lúc Việt Nam đang phải đối phó với gánh nặng “kép” về bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Sự xuất hiện khó lường của một số bệnh dịch lây nhiễm (cúm A/H5N1, tay chân miệng, sốt xuất huyết...) trong những năm qua là nguyên nhân gia tăng dồn dập bệnh nhân theo từng thời điểm nhất định, gây nên tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, đái tháo đường...) cũng gia tăng đến mức báo động, ước tính trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 350.000 ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm, trong đó tử vong do bệnh tim mạch là 70.000 ca, ung thư 66.000 ca, đái tháo đường 13.000 ca... Nguyên nhân được xác định là liên quan nhiều đến lối sống, ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng bất hợp lý (dư thừa chất béo, đạm), môi trường ô nhiễm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nếu phòng và điều trị sớm thì 90% ca bệnh có thể điều trị bằng phương pháp không phải dùng thuốc, tức là chỉ cần hướng dẫn người bệnh điều trị thông qua các liệu pháp tâm lý và duy trì thói quen tốt. Với chức năng của mình, hệ thống YTDP không những giúp người dân phòng ngừa bệnh tật một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giảm được khoản chi phí rất lớn cho cả cá nhân và xã hội trong điều trị. Nhưng trên thực tế của tỉnh, trong số 15 Trung tâm Y tế tuyến huyện hiện vẫn còn quá nửa số đơn vị đang chịu cảnh “ăn nhờ, ở đậu”, thiếu thốn đủ đường từ nhân lực, trang thiết bị đến kinh phí nên khó có thể làm tốt được nhiệm vụ của mình! Xin được mượn lời của bác sĩ Trần Ngọc Việt gửi đến cơ quan chức năng: “Chúng tôi không mong một cơ ngơi to lớn mà chỉ cần có được “mái nhà riêng” giống như 1 trạm y tế, với hội trường khoảng 100 chỗ ngồi, đồng thời được bảo đảm điều kiện về trang thiết bị để triển khai các dịch vụ cận lâm sàng phục vụ công tác dự phòng”. Bởi YTDP có “bền gốc” thì mới góp phần giải quyết được tận gốc tình trạng quá tải của bệnh viện.

Cán bộ YTDP TP. Buôn Ma Thuột phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết cho các khu dân cư trên địa bàn.
Cán bộ YTDP TP. Buôn Ma Thuột phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết cho các khu dân cư trên địa bàn.

Phải đầu tư đồng bộ

Để phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh phải hoạch định, dự báo đúng và trúng trên cơ sở hệ thống YTDP phải đủ mạnh. Tuy nhiên, đứng trước những “lỗ hổng” lớn của mạng lưới YTDP bấy lâu nay, đòi hỏi ngành Y tế tỉnh cần có sự sắp xếp, bố trí hợp lý và có chính sách đầu tư thích hợp, đồng bộ. Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, nếu chỉ đầu tư đơn lẻ từng phần thì rất khó để phát triển mạng lưới YTDP có đủ khả năng giám sát, khống chế các dịch bệnh. Trước hết cần có nguồn nhân lực, chuyên sâu, có trình độ cho từng loại bệnh, cùng với việc đáp ứng được nguồn kinh phí cho hoạt động chuyên môn và nghiên cứu. Bởi thực tiễn lại đòi hỏi phải có nghiên cứu sâu để đưa ra chiến lược, tình hình diễn biến và chu kỳ của từng loại bệnh, từ đó đề ra các giải pháp phòng chống phù hợp. Ngoài ra cần phải có sự tham gia của cộng đồng và truyền thông đại chúng nhằm hướng cộng đồng tích cực phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với sự nỗ lực của ngành Y tế, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, trong đó tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho các trung tâm y tế tuyến huyện. Về lâu dài, các ngành chức năng cần có chiến lược toàn diện, phát triển nguồn nhân lực, chú trọng chăm lo, tạo điều kiện cho cán bộ YTDP học tập nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động YTDP theo hướng phát triển hệ thống dịch vụ có thu phí để tăng thêm thu nhập cho cán bộ YTDP để họ yên tâm gắn bó với công việc.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.