Multimedia Đọc Báo in

Những hệ lụy từ di cư tự do

08:39, 02/12/2013

Gần 20 năm qua, những hộ dân di cư tự do ở địa bàn thôn Giang Đông (Ea Dah, huyện Krông Năng) đang phải trải qua những tháng ngày khó khăn, sống trong cảnh không điện, đường, trường, trạm đến nước sinh hoạt và các dịch vụ xã hội. Mặc dù đã được cấp đất, nhà ở ở vùng quy hoạch nhưng hầu hết những hộ này vẫn thờ ơ. Điều này đã và đang tạo nên những hệ lụy đáng buồn.

Thực trạng buồn

Nằm cách trung tâm xã hơn 15 km, nhưng để đến được thôn Giang Đông chúng tôi phải nhờ những cán bộ của xã Ea Dah dẫn đường, và hơn 1giờ đồng hồ đánh vật với bùn đất mới đến nơi. Qua những đoạn đường nhầy nhụa bùn đất, dốc, quanh co như chực chờ hất tung cả người và xe xuống. Đặt chân vào đến thôn, mặc dù chỉ mới 3 giờ chiều nhưng không khí rất yên ắng. Những ngôi nhà tranh tuềnh toàng nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, ảm đạm, hiu hắt.

Thôn Giang Đông có 151 hộ, trên 800 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông các tỉnh miền núi phía Bắc di dân về đây định cư từ những năm 1996 - 1997. Gần 20 năm sinh sống ở đây nhưng cuộc sống người dân vẫn còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Đường đi lại khó khăn, điện, chợ không có, nước thì phải đào giếng ngay cạnh những ngôi mộ… nên cuộc sống nơi đây gần như biệt lập với bên ngoài. Điều kiện sống khó khăn, vất vả; đây lại là đất nằm trên khu vực rừng phòng hộ nên dễ dẫn đến nguy cơ đốt rừng làm nương rẫy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu rừng. Để giải quyết vấn nạn này, năm 2005 gần 100 hộ đồng bào người Mông đã được hỗ trợ xây dựng nhà tái định cư theo Chương trình 134 của Chính phủ với diện tích mỗi căn hơn 24m2. Ngoài ra, mỗi hộ còn được cấp 5 sào đất và hỗ trợ gạo, bò… Tuy nhiên, do điều kiện canh tác, năng suất ở diện tích đất được cấp không cao nên rất ít gia đình chịu đến ở trong những ngôi nhà mới, mà hầu hết quay về nơi ở cũ với những căn nhà tranh, vách nứa lụp xụp. Anh Giàng A Nụ, Trưởng thôn Giang Đông chia sẻ: “Do mỗi hộ dân chỉ được cấp 5 sào đất đồi, trong khi đó gia đình lại có từ 5 đến 7 nhân khẩu nên không đủ để sinh sống. Đất sản xuất ít, thiếu nước tưới và nước sinh hoạt (nhất là mùa khô) nên hầu hết các hộ đều bám đất, rẫy ở trong rừng để ở và canh tác. Mặc khác, xưa nay bà con đồng bào đã quen với lối sống, sinh hoạt gần rừng núi, nhà sàn nên họ không chịu di cư ra khu tái định cư mới”.

Trong khi đó 94 ngôi nhà tái định cư được xây dựng kiên cố, vững chắc lại  chỉ có khoảng 20 nhà là có người sinh sống. Trong đó hầu hết là những căn nhà chủ yếu để con cái đến ở tiện cho việc đi học, còn lại nằm phơi sương, phơi gió. Một điều đáng nói nữa là do đói, nghèo, thiếu hiểu biết nên tình trạng sinh con nhiều và nạn tảo hôn đang là vấn đề “nóng” ở thôn Giang Đông. Nhiều cặp vợ chồng trẻ sinh 5, 7 đứa con dần trở thành điều bình thường. Theo số liệu thống kê của Ban Dân số xã Ea Dah, thôn Giang Đông hiện có 155 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng, trong đó gần 50% có từ 5 con trở lên và hơn 80% sinh con thứ 3 trở lên. Từ quan niệm của người dân nơi đây “sinh nhiều con là nhiều của” đã khiến đời sống của họ ngày càng bấp bênh, tạm bợ. Tình trạng trẻ em còi cọc, suy dinh dưỡng và thất học cũng đang là vấn đề báo động.

Bố mẹ vào rẫy làm ăn, những đứa trẻ này phải tự lo mọi sinh hoạt hằng ngày ở ngôi nhà tái định cư.
Bố mẹ vào rẫy làm ăn, những đứa trẻ này phải tự lo mọi sinh hoạt hằng ngày ở ngôi nhà tái định cư.

Đau đáu sự học ở thôn nghèo

Dường như cái đói, cái nghèo khiến cho những đứa trẻ và các bậc cha mẹ nơi đây không “mặn mà” với con chữ. Chuyện đến trường vẫn là điều xa xỉ với nhiều hộ gia đình. Số học sinh học hết lớp 9 dường như chỉ đếm được trên đầu ngón tay, bởi hầu hết các em chỉ đi học biết cái chữ rồi ở nhà theo bố mẹ đi làm nương rẫy. “Cả thôn chỉ có khoảng 50% trẻ em đi học, nhưng chủ yếu các em học hết lớp 3, lớp 4 rồi nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Hầu hết những đứa trẻ ở thôn được đi học đều phải tự lo mọi sinh hoạt, học tập một mình trong ngôi nhà tái định cư được Nhà nước cấp nằm gần trung tâm xã. Chính vì điều này mà từ trước đến nay cả thôn Giang Đông chỉ có duy nhất một em học đại học” - anh Giàng A Nụ cho biết.

Với những đứa trẻ ở thôn Giang Đông, hành trình đi tìm cái chữ thật gian nan, vất vả. Để đến trường, các em phải vượt hơn 15km đường gập ghềnh đá và bùn lầy. Vì trọ học ở xa nhà, nhiều lúc nhớ cha mẹ, gia đình, các em phải nghỉ học một buổi để đi bộ về nhà. Em Giàng Thị La (Trường Tiểu học Ea Dah) rụt rè cho biết: “Nhà có 6 chị em nhưng chỉ có em và anh trai được đi học. Mỗi tuần muốn về nhà thăm bố mẹ, anh chị và lấy gạo, em phải nghỉ học buổi chiều thứ 6 (vì từ trường về nhà phải đi bộ hết một buổi). Sáng chủ nhật em lại ra trường để thứ 2 đi học lại”. Để hai đứa con út của mình là Cứ A Cu (lớp 3) và Cứ A Biên (lớp 1, Trường Tiểu học Ea Dah) được đi học, anh Cứ A Vàng phải “cử” đứa con gái mới tròn 10 tuổi của mình là Cứ Thị Gianh (đã nghỉ học) ra nhà tái định cư để chăm sóc hai em. Hằng ngày cả 3 chị em đều tự lo nấu ăn, giặt rửa và bảo ban nhau học tập. Cuối tuần lại dắt díu nhau vượt đoạn đường hơn 15km để về nhà lấy “lương thực”.

Nhức nhối tệ nạn ma túy

Không chỉ thiếu ăn, thiếu học, xóm nhỏ ngoài cái vỏ bình yên ấy, những năm trở lại đây “nóng” lên bởi tình trạng nghiện ngập và hệ lụy do tệ nạn ma túy. Một số con nghiện chết vì căn bệnh thế kỷ AIDS, nhiều gia đình khuynh gia bại sản, vợ chồng, con cái chia cắt, tình trạng thiếu đói diễn ra triền miên... Nỗi đau vì người chồng mới mất càng làm cho chị Sùng Thị Nu ghét cay ghét đắng ma túy, thuốc phiện. Kể với chúng tôi, chị bức xúc: “gia đình mình được Nhà nước cấp cho con bò cái để lấy vốn làm ăn, thế nhưng ma túy đã cướp đi cái vốn đó của gia đình. Lúc cơn nghiện lên, không có gì trong nhà để bán, lúa làm chưa đủ ăn, mì, bắp bán chẳng đáng giá bao nhiêu, vậy là gã (chồng) đã đem con bò đi bán để thỏa cơn nghiện. Giờ đây, chồng chẳng còn, con bò cũng đã bị bán, mẹ con chị chỉ trông chờ vào hạt lúa, quả bắp ở những vụ mùa tới.” Còn trường hợp chị Sùng Thị Sinh có chồng nghiện cũng bán hết gia sản, nhà cửa theo làn khói  “nàng tiên nâu”. Chị kể: chiếc xe máy cà tàng của gia đình chẳng đáng là bao, nhưng từ khi chồng bán đi thì cả nhà như người cụt chân, muốn đi mua cái gì ngoài trung tâm xã cũng phải nhờ hàng xóm, hoặc mượn xe người khác. Anh Sùng A Thọ, công an viên xã Ea Dah cho biết, có thời điểm toàn thôn ghi nhận 21 người nghiện ma túy, cuộc sống của người dân nơi đây bị xáo trộn bởi tệ nạn này đem đến. Các con nghiện lợi dụng địa bàn cách trở, cô lập với bên ngoài và cả sự kém hiểu biết của những người xung quanh nên ngang nhiên hút chích ngay tại nhà mình hoặc ở rẫy bắp, rẫy sắn. Mỗi lần có lực lượng chức năng đến kiểm tra thì tất cả chạy vào rừng lẩn trốn, chờ đến xế chiều mới quay về nhà. Theo thống kê của công an xã, đến nay số lượng người nghiện hút có giảm (còn lại 9 người), nhưng giảm chủ yếu do chết hoặc di chuyển đến nơi khác chứ không phải các con nghiện đã cai được thuốc.

Trước thực trạng đó, các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ tập quán canh tác dựa vào rừng, nói không với tệ nạn ma túy, chăm lo đời sống, việc học cho con cái... Tuy nhiên, hiệu quả chẳng được là bao. Cái nghèo, cái đói vẫn đang len lỏi trong từng mái nhà tạm bợ, khiến ai mỗi lần đến đâu cũng mang theo một nỗi trăn trở, băn khoăn cho tương lai của những người dân xóm nhỏ nơi heo hút này.

Hoàng Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.