Những ân tình kết nghĩa keo sơn
Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển sản xuất, những hủ tục lạc hậu bị xóa bỏ, nếp sống mới văn minh đang dần hình thành ở nhiều buôn làng… là những dấu ấn từ hoạt động kết nghĩa giữa các tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh với các thôn buôn. Chính từ những ân tình kết nghĩa ấy đã góp phần vào sự đổi thay của buôn làng hôm nay.
Gắn bó tình quân dân
Gắn bó với buôn Drăng Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn từ rất sớm, bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có nhiều cách làm hiệu quả giúp người dân vùng biên xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Những việc làm đó không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng an ninh vững chắc mà còn thắt chặt tình quân dân nơi một xã vùng 3. Thượng tá Phạm Hữu Chiến, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Drăng Phôk là buôn nghèo của xã vùng 3, vừa là buôn kết nghĩa của khối cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vừa là buôn được đơn vị bộ đội biên phòng đứng chân trên địa bàn là Đồn Biên phòng 743 giúp đỡ. Là buôn hình thành ngay trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn nên trong những năm qua, áp lực đời sống kinh tế của buôn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh rừng. Để giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 743 đã phối hợp với chính quyền địa phương nơi đây xây dựng cánh đồng lúa nước khoảng trên 10 ha với đầy đủ hệ thống thủy lợi, dẫn nước về tận cánh đồng và tổ chức thêm cả mô hình trình diễn để bà con theo đó học tập canh tác lúa nước, góp phần hạn chế nạn phá rừng làm nương rẫy.
Hình ảnh người thầy giáo mang quân hàm xanh đã trở thành quen thuộc với bà con vùng biên. - Ảnh minh họa |
Cùng với việc chăm lo đến đời sống kinh tế, mang khoa học kỹ thuật về tận buôn làng, đơn vị còn chăm lo đến đời sống xã hội. Một trạm y tế quân dân y kết hợp đã được xây dựng vào năm 2008, với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Từ khi có trạm y tế, việc chăm sóc sức khỏe của người dân đã cải thiện rõ rệt. Hình ảnh những người lính quân y giờ đây đã trở nên quen thuộc với bà con trong buôn mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Là buôn của xã vùng biên, bà con nơi đây còn đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt triền miên vào mỗi mùa khô. Từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của UBMTTQVN tỉnh, đơn vị xây dựng cho buôn được 2 giếng khoan cùng hệ thống dẫn nước về từng hộ gia đình. Hiện nay, được sự tài trợ của một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, đơn vị đang triển khai xây dựng thêm một giếng khoan nữa, trị giá 250 triệu đồng, dự kiến khi đi vào hoạt động (khoảng quý I -2014) sẽ bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho 100% hộ dân trong buôn. Về Drăng Phôk hôm nay sẽ cảm nhận được nhiều đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm và đời sống của người dân. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, là minh chứng và cũng là dấu ấn của tình cảm quân dân gắn bó keo sơn.
Buôn làng khởi sắc
Về buôn Phơng, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar hôm nay ai cũng cảm thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay của buôn làng với những nếp nhà mới, những vườn cà phê xanh mướt, quả chín nặng trĩu cành. Sự thay da đổi thịt ấy có sự góp phần của Ban Tôn giáo tỉnh với những hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần thông qua hoạt động kết nghĩa trong 9 năm qua. Anh Y Đứt H’wing, trưởng buôn cho biết : Công tác kết nghĩa đã góp phần làm thay đổi một bước căn bản trong quá trình phát triển của buôn. Việc tuyên truyền, vận động bà con trong buôn thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã làm thay đổi cả trong suy nghĩ và ý thức chấp hành luật pháp cũng như tinh thần tích cực tham gia lao động sản xuất để nâng cao đời sống người dân. Vì vậy tình hình an ninh chính trị trong buôn được giữ vững, nhân dân phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, cùng nhau xây dựng buôn phát triển. Trình độ dân trí cũng được nâng lên một bước, nhận thức về chăm lo việc học hành của con em đã có những thay đổi; trong năm học vừa qua 100% con em trong độ tuổi đi học được đến trường, số học sinh bỏ học giảm so với trước. Công tác xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo hạnh phúc gia đình, mỗi gia đình chỉ sinh từ 1-2 con được bà con quan tâm; đồng thời từng bước xóa bỏ những phong tục lạc hậu, giữ gìn vệ sinh môi trường trong sinh hoạt…
Đại diện Ban Tôn giáo tỉnh tặng quà buôn kết nghĩa dịp Tết Nguyên đán. |
Chị Nguyễn Thị Thu Thúy, Phó phòng Tổng hợp - Hành chính Ban Tôn giáo tỉnh cho biết : là buôn đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế khó khăn nên sau khi kết nghĩa, tập thể lãnh đạo Ban Tôn giáo tỉnh đã lập chương trình, kế hoạch theo dõi công tác kết nghĩa ; trực tiếp thành lập tổ tuyên truyền, vận động, gồm các đồng chí có kinh nghiệm thường xuyên xuống cơ sở, theo dõi và nắm bắt tình hình buôn kết nghĩa. Các đồng chí được phân công phối hợp với chi bộ, ban tự quản, đoàn thể và mặt trận của buôn cũng như chính quyền xã Ea Tul hướng dẫn vận động bà con phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đoàn kết giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Trên tinh thần trách nhiệm được phân công, đơn vị đã nhanh chóng tiếp cận với nhân dân trong buôn nắm tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và có những biện pháp động viên giúp đỡ bà con trong buôn vươn lên làm chủ đời sống. Có thể nói công tác kết nghĩa đã góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, tinh thần đoàn kết gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ công chức ở các cơ quan đơn vị; tạo được mối quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết giữa các cơ quan đơn vị cấp tỉnh và huyện với cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở; giữa cán bộ công chức với cán bộ và nhân dân buôn kết nghĩa.
Già Y Krông Kră Janh, buôn Tăng Juk, xã Krông Nô không giấu niềm vui trước những đổi thay của buôn mình: “Đồng bào mình biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm! Đảng và Nhà nước đã xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm... đem văn minh, sự no ấm, cuộc sống đủ đầy đến cho buôn làng. Nhờ cán bộ của tỉnh, huyện xuống tận thôn buôn giúp bà trồng lúa, nuôi bò mà đời sống của bà con được cải thiện hơn trước. Rồi lại xây trường học cho lũ trẻ con trong buôn, xây nhà tình nghĩa cho người nghèo, vì vậy bà con mình quý và xem những người của đơn vị kết nghĩa như người của buôn làng”.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Dak Lak - một trong những doanh nghiệp tổ chức khá thường xuyên các hoạt động về nguồn, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động xã hội khác vì cộng đồng. Từ năm 2004, sau khi kết nghĩa với buôn Tăng Juk, đơn vị đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động xã hội tại buôn: hỗ trợ xây trường học, xây nhà tình nghĩa, tặng quà mỗi dịp lễ, tết… Chỉ tính riêng trong năm 2006, tổng số tiền mà đơn vị đã làm công tác xã hội trên 123 triệu đồng. Năm 2010, đơn vị đã hỗ trợ làm hệ thống nước tự chảy và lắp đặt 4 bồn nước 2.000 lít đặt tại các vị trí thuận lợi cho sinh hoạt của bà con trong buôn, trị giá 65 triệu đồng. Ngoài ra, bình quân mỗi năm, đơn vị tổ chức thăm tặng quà trong dịp lễ Tết Nguyên đán với tổng trị giá khoảng 20 triệu đồng… Ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương cho biết: ngoài việc hỗ trợ về mặt vật chất, Ngân hàng cũng đã tổ chức khá thường xuyên các hoạt động về nguồn và giao lưu văn hóa văn nghệ với buôn kết nghĩa. Cùng với các hỗ trợ về vật chất, các hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc thắt chặt tình đoàn kết, góp phần giúp người dân nơi đây ổn định đời sống, yên tâm lao động sản xuất.
Đến các buôn làng hôm nay, chứng kiến những đổi thay kỳ diệu trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số mới thấy được nỗ lực dồn sức cho bộ mặt nông thôn miền núi, cho vùng sâu, vùng xa của chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh. Đó cũng là minh chứng hùng hồn trên hành trình thực hiện nhiệm vụ mà Đảng ta đã đề ra: mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Sau 9 năm thực hiện công tác kết nghĩa, đã có 176 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 1.087 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học cấp huyện kết nghĩa với buôn đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS); có 545 thôn, tổ dân phố người Kinh kết nghĩa với 313 buôn ĐBDTTS; 448 chi hội phụ nữ thôn người Kinh kết nghĩa với 248 chi hội phụ nữ buôn ĐBDTTS; 336 chi hội nông dân thôn người Kinh kết nghĩa với 228 buôn ĐBDTTS; 286 chi hội CCB thôn người Kinh kết nghĩa với 196 chi hội CCB buôn ĐBDTS; 301 chi đoàn thanh niên thôn người Kinh kết nghĩa với 196 chi đoàn thanh niên buôn ĐBDTTS; 228 ban công tác mặt trận thôn người Kinh kết nghĩa với 128 thôn, buôn ĐBDTTS và 5.568 hộ gia đình người Kinh kết nghĩa với 5.568 gia đình ĐBDTTS.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc