Tết của sinh viên
Thời buổi kinh tế thị trường, Tết là nỗi lo toan của nhiều người, nhưng với những bạn sinh viên năm nhất, lần đầu xa gia đình đi học Đại học thì Tết còn là niềm mong chờ xen lẫn cả sự hồi hộp, niềm vui đoàn tụ với gia đình, bạn bè dịp đầu xuân năm mới.
Rạo rực Tết
Những người sống xa gia đình thì có lẽ ai cũng mong chờ đến tết để được sum họp với gia đình. Với những ai mới xa quê lần đầu thì tâm trạng “chờ tết” lại càng thêm chộn rộn. Em Nguyễn Thị Mai quê ở Nghệ An, sinh viên năm 1 Trường Đại học Tây Nguyên tâm sự: “Tháng 9 vừa qua, em theo bố vào Dak Lak thuê phòng trọ nhập học. Lần đầu tiên xa nhà, ở một nơi thiếu vắng bóng dáng người thân nên cảm thấy buồn và nhớ nhà. Mới vào học nhưng chỉ mong nhanh đến tết để được về nhà. Còn hơn 1 tháng nữa là tết nhưng gia đình, bạn bè đã nhộn nhịp chuẩn bị đón tết, đứa sắm quần áo mới, đứa duỗi tóc, uốn tóc mới, lâu lâu bạn thân thời cấp 3 lại hỏi thăm khi nào được nghỉ tết rồi kể chuyện ở trường, kỷ niệm về những cái tết quê lại trở về trong ký ức”.
Chia nhau quà quê. |
Vì háo hức một cái tết sum vầy, trọn vẹn với gia đình nên nhiều bạn sinh viên đã chuẩn bị một cách rất… sinh viên là tập trung học để vượt qua chương trình học kỳ I trước tết. Anh Kiều Anh Nhật hiện đang công tác tại huyện Ea Kar chia sẻ, sinh viên rất sợ thi lại, học lại bởi thi trước tết nếu không đạt ra tết tâm lý đâu mà ôn thi nữa nên ngay từ đầu tháng 11, cả nhóm 6 người lên kế hoạch học nhóm. Tương tự, nhiều bạn sinh viên “quán triệt” tư tưởng cho mình là phải hoàn thành chương trình học trước tết thật tốt để thoải mái đón tết vui xuân mà không âu lo vì “ra tết thi lại”. Bạn Trần Thị Thủy, sinh viên năm cuối Trường ĐH Tây Nguyên tâm sự: “Hồi năm đầu, lần đầu xa nhà, dịp cuối năm em cứ lo nghĩ đến chuyện… tết nên không tập trung học bài, phải thi lại 1 môn, tết về đi chơi không vui vẻ thoải mái. Tết xong, ngày mùng 6 đã phải vội vàng trở lại trường để ôn thi lại. Từ đó, những năm học tiếp theo em luôn tập trung học để giành kết quả tốt trước khi về tết”.
Xuân mới, dự định mới
Tết cổ truyền là những ngày lễ quan trọng nhất của người Việt Nam, là thời gian nghỉ ngơi sau một năm vất vả với công việc, học hành. Sau tết, với riêng sinh viên cũng là dịp đặc biệt vì bạn bè xa nhau lâu ngày được gặp lại, chia nhau những món quà tết mang theo từ gia đình. Bạn Lê Thị Minh Nguyệt, cựu sinh viên khoa Sư phạm Trường Đại học Tây Nguyên nhớ lại, tết xong ký túc xá lại rộn ràng hơn vì mọi người tập trung kể chuyện đi chơi tết và những dự định cho năm mới. Đặc biệt, cả phòng chia nhau bánh chưng, bánh tét, và những món quà quê giản dị. Có bạn quê miền Trung thì đem vào mấy miếng kẹo cu đơ, mè xửng, ít bánh bột lọc; các bạn ở Tây Nguyên thì mang theo ít hạt điều hay mấy hộp cà phê. Có bạn, nhà ở gần trường nên mang theo một túi rau để làm lẩu họp mặt phòng sau tết. Cũng như những người đi làm, giới sinh viên vẫn mang “dư vị” tết cho đến hết tháng Giêng rồi mới tập trung vào việc học hành, bài vở.
Tất bật làm thêm sau tết để học hỏi kinh nghiệm, trang trải phí sinh hoạt tăng cao sau tết. |
Với những bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì sau tết ngoài việc học còn phải tìm việc làm thêm để đỡ đần gia đình. Bạn Nguyễn Đình Quế, sinh viên năm 2, khoa Nông Lâm Đại học Tây Nguyên cho biết, nhà nghèo, đông anh chị em nên sau tết em phải kiếm việc làm thêm hai ca/ngày để bù tiền xe đi về và chữa “viêm màng túi” sau tết. Thời điểm sau tết cũng là thời điểm khó khăn cho những bạn sinh viên nghèo khi chi phí sinh hoạt thường tăng cao mà việc làm thêm vừa khó tìm lương cũng thấp hơn. Dự định của Quế là tìm mối dạy kèm hoặc phục vụ ở các quán cà phê để kiếm thêm tiền trang trải chi phí việc học và chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Duyên ở huyện M’Drak nguyên sinh viên khoa Sư phạm Đại học Tây Nguyên gia đình thuộc diện khó khăn nên từ đầu năm thứ nhất em đã đi làm gia sư cho học sinh lớp 10. Nhờ chịu khó, nhiệt tình với gia đình học sinh nên tết năm đó, ngoài tiền lương nhận được em còn được gia đình học sinh lì xì thêm tháng lương không những đủ tiền xe về mà còn có tiền mua quà cho ba mẹ. Ra tết, em thường xin việc làm thêm tại các nhà hàng, quán nhậu để có tiền mua sách vở. Còn anh Trần Văn Trí thì nghỉ tết xong, ngoài việc học, cũng tranh thủ kiếm việc làm thêm để chuẩn bị cho những chuyến du lịch hay dự định kinh doanh nhỏ khi bước vào kỳ nghỉ hè. Thầy Nguyễn Văn Cương, Giám đốc Trung tâm phục vụ Học sinh sinh viên, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, những năm gần đây, số lượng sinh viên ở lại trường ăn tết không nhiều như trước nhưng hằng năm vẫn có một số bạn không có được may mắn về cùng gia đình đón tết. Sau tết, một số em sinh viên thường chểnh mảng việc học nên nhà trường thường xuyên nhắc nhở, động viên các em gác chuyện tết lại để tập trung cho việc học. Nhiều sinh viên của trường đã thành đạt vẫn không thể quên lại những cái tết thời sinh viên và coi đó là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc