Multimedia Đọc Báo in

Vững vàng hậu phương!

08:26, 27/01/2014

Cứ mỗi khi nhắc đến hình ảnh những người lính  nơi biên giới, hải đảo đang ngày đêm chắc tay súng, canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lại nghĩ về bóng dáng hậu phương của họ với muôn vàn cảm phục, sẻ chia. Trong tôi, dường như hậu phương người lính vùng biên lúc nào cũng hiện lên một cách lặng lẽ, âm thầm chịu đựng, hy sinh những hạnh phúc riêng tư để các anh yên tâm làm tròn nhiệm vụ với quê hương, đất nước…

Gia đình Thượng tá Nguyễn Thế Vĩnh trong lễ kỷ niệm 20 năm ngày cưới.
Gia đình Thượng tá Nguyễn Thế Vĩnh trong lễ kỷ niệm 20 năm ngày cưới.

“Làm vợ lính biên phòng nhiều thiệt thòi lắm, cứ như… Hòn Vọng Phu mòn mỏi đợi chồng về!”, chị Lê Thị Quỳnh Nga (vợ Thượng tá Nguyễn Thế Vĩnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh) thổ lộ chân tình. Không thiệt thòi sao được, lấy nhau đến nay vừa tròn 20 năm, song đã có một nửa quãng thời gian ấy vợ Bắc, chồng Nam. Ngày mới ra trường, cô sinh viên Bưu chính viễn thông trẻ trung, xinh đẹp Lê Thị Quỳnh Nga được phân công về bưu điện gần Đồn Biên phòng Sầm Sơn (Thanh Hóa), nơi anh lính trẻ mang quân hàm xanh Nguyễn Thế Vĩnh đang công tác. Hai trái tim như tìm được sự đồng cảm, cùng nhịp đập, họ nhanh chóng đến với nhau, nên vợ thành chồng vào năm 1993. Năm 2004 khi cô con gái đầu là Nguyễn Thị Kim Ngân bước vào lớp 4, còn cậu con trai thứ 2 Nguyễn Ngọc Nhất vừa chập chững biết đi thì anh chuyển vào Dak Lak công tác. Giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu được sức mạnh, động lực nào giúp tôi vượt qua được chuỗi ngày ấy, có lẽ đó chính là tình yêu, là những lời động viên từ những cánh thư anh gửi về; hay cũng có thể đó là niềm tự hào kiêu hãnh khi có chồng là lính biên phòng đang làm nhiệm vụ thiêng liêng, canh giữ biên cương Tổ quốc!”, chị trải lòng. Nghe chị tâm sự, tôi ngẫm ấy là chị khiêm tốn tự nhận thế, chứ mọi người đều cho rằng chính cái đức tính chịu thương chịu khó, cái phẩm chất đảm đang, thủy chung của người phụ nữ Việt đã giúp chị vượt qua tất cả để làm tròn thiên chức của một người mẹ, chu toàn bổn phận của người vợ.

Và nói như Thượng tá Nguyễn Thế Vĩnh thì: “Tôi may mắn, hạnh phúc khi có một hậu phương vững chắc, một người vợ hiền đảm đang, thủy chung luôn hiểu, cảm thông công việc của chồng, sẵn sàng hy sinh những hạnh phúc riêng tư, cam chịu nhiều thiệt thòi để toàn tâm, toàn ý lo cho chồng, cho con. Đó chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để tôi yên tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”. Và hơn 10 năm xa cách, dường như khoảng cách về địa lý chưa bao giờ làm phai nhạt tình cảm sắt son vợ chồng của anh chị, như lời bài hát mà chị vẫn rất tâm đắc: “Em ở hậu phương, anh nơi tiền tuyến/Chúng ta cách xa rồi nhưng tình đâu có chia phôi”, để rồi chị vẫn ngày đêm lặng lẽ chu toàn bổn phận của một người mẹ, người vợ hiền, thay chồng chăm lo, dạy dỗ các con. Hiện cô con gái lớn Lê Thị Kim Ngân đã vào đại học; còn cậu con trai cũng đã học lớp 8 với thành tích 8 năm liền là học sinh giỏi. 

Niềm hạnh phúc của gia đình Thượng úy  Phạm Văn Lâm trong một lần anh về phép
Niềm hạnh phúc của gia đình Thượng úy Phạm Văn Lâm trong một lần anh về phép.

“Làm vợ lính biên phòng dẫu biết sẽ chịu nhiều thiệt thòi, khi ngôi nhà luôn trống trải, thiếu vắng người đàn ông trụ cột, mọi việc nặng nhẹ đều phải một tay người phụ nữ cáng đáng, lo toan, hay đến cả những ngày lễ, tết, khi người người, nhà nhà sum họp vui vầy bên nhau thì bóng chồng, bóng cha vẫn biền biệt. Thế nhưng em không khi nào than vãn hay trách móc anh ấy một lời vì khi đồng ý lấy anh, mình đã chấp  nhận điều đó rồi”, chị Nguyễn Thị Mai Anh, vợ Thượng úy Phan Văn Lâm (Đội vận động quần chúng Bộ đội Biên phòng tỉnh) tâm sự. Quê anh chị ở Thái Bình, lấy nhau năm 2003, đôi vợ chồng son ở với nhau tròn một năm, khi đứa con gái đầu vừa một tháng tuổi thì Phan Văn Lâm được phân công vào biên giới Dak Lak làm nhiệm vụ. Ngày tiễn chồng, chị chỉ biết nhắn nhủ anh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trên giao sớm về thăm hai mẹ con. Nói vậy chứ tận đáy lòng chị biết rằng ngày ấy còn xa vời... Chị kể: “Ngày anh mới đi, không hiểu con bé thiếu hơi bố hay sao, cứ đau ốm liên miên, một tháng là vài lần đi bác sĩ. Nhiều đêm thức trắng chăm con, tôi không kìm được nước mắt, thầm ước giờ này có chồng bên cạnh…”. Chị tâm sự giọng bình thản mà sao tôi nghe nhói lòng, dường như cái ước mơ rất đỗi đời thường, như là một điều tất yếu của bao người vợ khác là luôn được gần gũi chồng, được nương tựa vào một bờ vai vững chắc, được sẻ chia những ngọt bùi đắng cay trong cuộc sống sao nghe xa vời đối với những người vợ lính biên phòng đến thế! Năm Thượng úy Phan Văn Lâm mới vào Tây Nguyên làm nhiệm vụ, do tính chất, yêu cầu công việc nên ròng rã nhiều tháng anh không về thăm nhà được. Ấy thế mà bằng một sức mạnh, bằng một niềm tin, tình yêu mãnh liệt của người vợ, chị đã vượt qua tất cả, thay chồng chăm lo, dạy dỗ con lớn ngoan. Thấm thoắt, cô con gái lớn đã lên 10 tuổi, cậu con trai cũng đã lên hai. “Cưới nhau đã hơn 10 năm, nhưng tính ra thời gian vợ chồng gần nhau chỉ bằng… tuổi đứa con trai. Thiệt thòi là vậy, song nếu thời gian có quay trở lại, cho tôi một sự chọn lựa khác, tôi vẫn yêu màu áo lính biên phòng thôi!”, chị cười bảo. Hẳn khi nghe những dòng tâm sự ấy, nơi biên cương người lính biên phòng Phan Văn Lâm sẽ ấm lòng lắm. Anh biết, dẫu xa xôi cách trở, nhưng mỗi bước chân anh trên đường tuần tra biên giới luôn có ánh mắt người vợ hiền ở quê nhà dõi trông theo…

Thảo Nhi


Ý kiến bạn đọc