Cần cảnh giác với nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm
Dak Lak có tên trong danh sách 17 tỉnh, thành có dịch cúm gia cầm H5N1, với tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy trên 10.000 con. Mặc dù tỉnh đã thực hiện kịp thời các biện pháp bao vây dập dịch ngay khi phát hiện, nhưng theo nhận định của ngành thú y tỉnh: thì dịch cúm gia cầm đang có chiều hướng gia tăng, Dak Lak có thể tiếp tục đối mặt với nguy cơ cao về bùng phát dịch vì trên đàn gia cầm đang có lưu hành vi rút cúm A/H5N1, với tỷ lệ 13% ( cao hơn mức trung bình của cả nước).
Nguy cơ bùng phát dịch cao
Theo Chi cục Thú y tỉnh, ngoài 5 ổ dịch cũ, tiếp tục trong các ngày từ 17 đến 20-2-2014, trên địa bàn tỉnh lại phát sinh thêm 3 ổ dịch gia cầm tại các địa bàn: huyện Ea Súp, dịch phát ra trên đàn vịt của hộ ông Hoàng Văn Toàn và Lương Văn Pán (thôn 10, xã Ea Lê), tổng số bị bệnh và tiêu hủy 1.000 con; huyện Buôn Đôn, dịch phát ra trên đàn gà của hộ ông Nguyễn Văn Dậu (buôn Ko Đung A, xã Ea Nuôl), chết và tiêu hủy là 2.699 con gà; huyện Cư Kuin, dịch phát ra trên đàn vịt của hộ ông Nguyễn Đình Trọng (thôn 7, xã Ea Bhôk), phải tiêu hủy 38 con gà và 1.180 con vịt. Như vậy, từ đầu năm 2014 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 6 địa phương là TP. BMT, Buôn Đôn, Krông Pak, Krông Ana, Ea Súp, Cư Kuin, với số gia cầm chết và tiêu hủy 10.546 con (gồm: 118 con ngan, 5.963 con vịt, 4.425 con gà và 40 con chim bồ câu). Riêng các ổ dịch ở xã Ea Uy (huyện Krông Pak) và Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) đến nay đã qua 21 ngày không lây lan và phát sinh thêm…
Trước tình hình trên, khi nhận được thông tin về các ổ dịch nghi cúm gia cầm, Chi cục Thú y chỉ đạo các trạm thú y kiểm tra, nắm bắt tình hình dịch và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, khi có kết luận ổ dịch dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N1, Chi cục sẽ thông báo với Trung tâm y tế dự phòng biết để phối hợp lấy mẫu giám sát vi rút cúm trên người ở các địa điểm có ổ dịch, đồng thời thông báo cho tất cả các địa phương biết để có phương án phòng chống dịch. Mặt khác, sau khi phát hiện ổ dịch, chính quyền địa phương cùng trạm thú y cơ sở tiến hành tiêu hủy toàn bộ, đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và các địa điểm xung quanh, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán vận chuyển gia cầm và sản phẩm từ gia cầm… Nhờ thực hiện nhanh chóng, các biện pháp bao vậy, dập dịch nên các ổ dịch cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Khắc Chuyên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, nguy cơ dịch bùng phát có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì vi rút cúm gia cầm đã xuất hiện nhiều chủng loại mới, trong đó có vi rút H7N9 đã xuất hiện tại Trung Quốc và nguy cơ lan sang Việt Nam rất cao, hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng. Song điều đáng lo ngại nhất là trên đàn gia cầm của tỉnh đã có lưu hành vi rút H5N1. Theo kết quả giám sát dịch cúm gia cầm của Cục Thú y tại địa bàn 4 huyện, thành phố: Lak, Krông Pak, Krông Ana, TP. Buôn Ma Thuột cho thấy 100% số chợ được giám sát đều phát hiện có vi rút cúm gia cầm và 13% số mẫu dương tính với vi rút H5N1. Đây là một tỷ lệ cao so với cả nước, kéo theo nguy cơ cao về bùng phát dịch cúm gia cầm, trong khi đó phần lớn đàn gia cầm được chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún theo hình thức phát triển kinh tế hộ gia đình, người dân chưa quan tâm đến việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, nhất là tiêm phòng vắc-xin cúm A/H5N1, do vậy tỷ lệ tiêm phòng cúm trên đàn gia cấm còn thấp, các ổ dịch xảy ra vừa qua đều trên đàn gia cầm chưa được tiêm vắc-xin. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí phục vụ chống dịch còn hạn chế, kinh phí mua hóa chất tiêu độc khử trùng vẫn chưa được bố trí… cũng gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ cần thực hiện tiêm phòng vắc-xin và vệ sinh chuồng trại đúng cách đề phòng chống dịch cúm. |
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Trong khi virus cúm A/H7N9 vẫn đang rình rập thì ở trong nước, dịch cúm gia cầm H5N1 vẫn đang tiếp tục bùng phát và có nguy cơ lan ra trên diện rộng. Cục Thú y cho biết, tới thời điểm hiện tại, cả nước có 67 ổ dịch tại 17 tỉnh: Dak Lak, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long và Thanh Hóa. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là 61.196 con; số gia cầm tiêu hủy là 84.653 con. Ngoài ra, còn có một số địa phương khác xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan. Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống cúm gia cầm vào ngày 18-2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định: dịch cúm gia cầm H5N1 trong nước chưa lên đến đỉnh, nếu không kiểm soát tốt thì mức độ lây lan dịch còn rất rộng. Vì vậy, với phương châm: “Phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính”, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai minh bạch, cập nhật tình hình dịch bệnh để người dân không hoang mang và tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần làm tốt các giải pháp kỹ thuật một cách đồng bộ, lưu ý đến biện pháp tiêu độc khử trùng để giảm mức độ lưu hành của vi rút và tiêm vắc-xin để phòng bệnh cho đàn gia cầm, đồng thời cần có chính sách phù hợp khuyến khích nhân dân tham gia để không bán chạy, không giấu dịch.
Trước những chỉ đạo của Chính phủ, bộ NN-PTNT, Dak Lak cũng đã vào cuộc quyết liệt để ngăn ngừa dịch cúm phát sinh và lây lan, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi. Tại cuộc họp trực tuyến ngày 18-2, Bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí của địa phương, chính quyền cơ sở thực hiện tuyên truyền tới người chăn nuôi về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm và cách phòng, chống; các chủ trương, chính sách của Chính phủ, của địa phương trong việc tiêm phòng, hỗ trợ người chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy do dịch cúm; Giao cho Sở NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo Chi Cục Thú y đẩy mạnh việc hướng dẫn và cung ứng vắc-xin cúm phù hợp với địa phương, bảo đảm nhu cầu cho người chăn nuôi, thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện và hàng tuần báo cáo cho UBND tỉnh; Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền xã, phường, thị trấn tổ chức lực lượng để triển khai đến tận hộ chăn nuôi về việc bắt buột tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm, tổ chức cam kết với từng hộ chăn nuôi, đặc biệt là nuôi vịt về việc mua vắc-xin cúm tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình. Trong quá trình thực hiện, địa phương nào không triển khai đến người chăn nuôi, để người dân không biết thì khi dịch bệnh xảy ra lãnh đạo địa phương đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Đối với người chăn nuôi không thực hiện cam kết mua vắc-xin về tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình thì khi dịch bệnh xảy ra sẽ không được nhận hỗ trợ của Nhà nước và còn bị phạt theo quy định của pháp luật.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc