Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa cử của những người khoác blouse trắng

09:40, 26/02/2014

Cùng với nỗ lực nâng cao tay nghề, làm chủ các kỹ thuật cao, nhiều y bác sĩ trong tỉnh còn hướng đến một hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, đó là sự quan tâm, chia sẻ với người bệnh nghèo.

Chung sức cứu bệnh nhân

Đầu tháng 12-2013, khi đang ở nhà cùng cô cháu nội, bà Nguyễn Thị Phú (63 tuổi, trú tại thôn 2, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) bỗng nhiên thấy mệt và khó thở. Vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bác sĩ chẩn đoán bà Phú mắc bệnh rối loạn dẫn truyền trong tim và khẩn trương cấp cứu người bệnh qua cơn nguy kịch tạm thời, sau đó chỉ định chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để được can thiệp bằng kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Tuy nhiên, khi được các bác sĩ cho biết đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là một kỹ thuật cao bệnh viện tỉnh chưa thực hiện được và có chi phí khá tốn kém, gia đình bà Phú đã xin xuất viện vì lý do kinh tế khó khăn không có khả năng chi trả viện phí. Không chỉ riêng trường hợp của bà Phú, trước đó không lâu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã tiếp nhận bệnh nhân Y Krông Niê (68 tuổi, trú tại thôn 8, xã Ea Yông, huyện Krông Pak) vào cấp cứu trong tình trạng tương tự. Và khi được chỉ định lên tuyến trên tiếp tục điều trị can thiệp bằng kỹ thuật cao để duy trì sự sống, gia đình bệnh nhân cũng bỏ điều trị về nhà “chờ chết” do không có tiền.

Nhận thấy trong thời gian ngắn đã có nhiều bệnh nhân bị bệnh rối loạn dẫn truyền trong tim từ chối tiếp tục điều trị gây nguy hiểm đến tính mạng chỉ vì điều kiện kinh tế khó khăn, cuối năm 2013, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã mời các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) lên chuyển giao kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho ê kíp y bác sĩ của khoa Nội tim mạch và trực tiếp phẫu thuật đặt máy cho 2 bệnh nhân Nguyễn Thị Phú và Y Krông Niê. Những tưởng việc thực hiện được kỹ thuật này ngay tại địa phương giúp các gia đình bệnh nhân tiết kiệm được khoản chi phí ăn ở, đi lại, tháo gỡ được phần lớn khó khăn về kinh tế, thế nhưng người bệnh vẫn từ chối điều trị. Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Văn Hùng, Trưởng khoa Nội tim mạch cho biết: “Khi nghe chúng tôi thông báo về việc thực hiện phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn ngay tại bệnh viện, người bệnh và gia đình rất mừng. Nhưng sau khi biết tổng chi phí cho một ca khoảng 70 triệu đồng, một lần nữa các bệnh nhân lại từ chối phẫu thuật vì lý do không có tiền, mặc dù họ có bảo hiểm y tế tự nguyện và chỉ phải đồng chi trả 20%. Là những người thầy thuốc, không thể nhìn người bệnh chết vì không có tiền trong khi bệnh hoàn toàn có thể chữa trị, vì thế chúng tôi đã trực tiếp vận động các nhà hảo tâm và kêu gọi y bác sĩ trong khoa đóng góp được 33 triệu đồng hỗ trợ các bệnh nhân thực hiện phẫu thuật duy trì sự sống…”. Nhờ vậy cả 2 ca phẫu thuật đều thực hiện thành công trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình bệnh nhân. Anh Nguyễn Tùng Sơn, con trai bệnh nhân Nguyễn Thị Phú cảm kích chia sẻ: “Nếu không có sự giúp đỡ tận tình của các y bác sĩ, nhất là bác sĩ Hùng thì cuộc sống của mẹ tôi chỉ biết tính từng ngày. Ân tình ấy gia đình tôi sẽ chẳng bao giờ quên”.

Nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, sản phụ  TrầnThị Thanh đã thoát cơn nguy kịch.
Nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, sản phụ Trần Thị Thanh đã thoát cơn nguy kịch.

Tình nguyện hiến máu cứu người bệnh thoát cơn hiểm nghèo

Nghĩa cử đẹp của những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng không chỉ dừng lại ở việc nỗ lực làm chủ phương pháp chữa bệnh mới, hay quyên góp ủng hộ người bệnh nghèo mà còn có cả sự sẻ chia những giọt máu hồng giúp người bệnh thoát cơn nguy kịch.

Vừa tan ca trực trở về nhà, bác sĩ Nguyễn Văn Đắc, khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh lại nhận được điện thoại từ bệnh viện huy động anh vào ngay vì có bệnh nhân nguy kịch đang cần tiếp máu tươi (máu chưa qua đông lạnh) nhóm A (cùng nhóm máu với bác sĩ Đắc), nhưng gia đình bệnh nhân ở xa còn những người có mặt lại không cùng nhóm máu. Chẳng chút đắn đo, lập tức quay lại bệnh viện. Bệnh nhân cần máu cấp cứu là sản phụ Trần Thị Thanh (31 tuổi, trú tại thôn Tân Bình, xã Ea Knuêc, huyện Krông Pak) bị băng huyết sau sinh kèm theo yếu tố rối loạn đông máu, nếu không được truyền máu tươi sẽ có nguy cơ tử vong. Đứng trước giây phút sinh tử của người bệnh, bác sĩ Đắc và bác sĩ Tiền, kỹ thuật viên Ngoan (2 người có cùng nhóm máu A đang trực ca tại khoa ngày hôm đó) nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết để hiến tặng 3 đơn vị máu cấp cứu người bệnh. Sau khi được truyền máu và được các bác sĩ tận tình cấp cứu, tình trạng của sản phụ Thanh ổn định dần và bình phục. Nhìn con dâu và cháu trai mới lọt lòng mẹ nằm cạnh nhau trong phòng điều trị, bà Văn Thị Lý, mẹ chồng sản phụ Thanh xúc động: “Nhờ có các bác sĩ cứu chữa tận tình và không ngần ngại chia sẻ những giọt máu quý giá cho người bệnh, con dâu tôi mới có thể trở về mái ấm gia đình, còn cháu tôi thì may mắn có mẹ ở bên. Ơn nghĩa ấy gia đình tôi chẳng biết lấy gì để đền đáp…”.

Nhằm chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra trong quá trình tiếp nhận và cấp cứu người bệnh, cán bộ và nhân viên bệnh viện Thiện Hạnh mỗi khi khám sức khỏe định kỳ đều được Bệnh viện kiểm tra, phân loại nhóm máu để khi cần thiết có thể nhanh chóng huy động được nguồn máu cấp cứu bệnh nhân. Chia sẻ về điều này, bác sĩ Lê Văn Thiêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết: “Cùng với khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào vùng khó khăn, quyên góp giúp đỡ bệnh nhân nghèo thì hiến máu cứu bệnh nhân là một trong những hoạt động thiện nguyện thường xuyên của cán bộ nhân viên bệnh viện. Trên thực tế, bệnh viện chỉ lưu trữ máu đông lạnh phục vụ công tác cấp cứu nên khi bệnh nhân cần máu tươi phải huy động cán bộ, nhân viên hiến tặng”.

Những câu chuyện kể trên chỉ là hai trong nhiều nghĩa cử đẹp mà các y bác sĩ tỉnh nhà dành cho những người bệnh trong lúc nguy nan. Sẽ chẳng có bất cứ thứ gì có thể so sánh với tấm lòng nhân ái nơi những con người ấy, bởi họ yêu thương bệnh nhân bằng cả tấm lòng của người thầy thuốc.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc