Multimedia Đọc Báo in

Những cánh chim không mỏi!

08:29, 06/02/2014

Họ-những chiến sĩ thuộc Phòng cảnh sát Truy nã tội phạm (PC 52 Công an tỉnh) thường được mọi người ví như “những cánh chim không mỏi”, bởi đặc thù công việc luôn phải di chuyển liên tục, nay đây mai đó không lúc nào ngơi nghỉ để lần tìm theo dấu vết những đối tượng bị truy nã, đưa chúng ra trước ánh sáng pháp luật…

Lưới trời lồng lộng… 

Đó là cách nói ví von của Thượng tá Lương Văn Lục, Phó trưởng Phòng PC 52 khi khẳng định tất cả những đối tượng chạy trốn lệnh truy nã, trước sau gì cũng sẽ bị bắt, có chăng chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn. Anh dẫn chứng một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra cách đây vừa tròn 20 năm, tại huyện Ea Kar đúng vào đêm giao thừa, gây rúng động dư luận một thời. Đó là vào năm 1994, khi đất trời chuẩn bị giao hòa, trong lúc gia đình ông Hà Đạt Đảng chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên thì bất ngờ có một nhóm người xông vào nhà, dùng súng bắn chết tại chỗ vợ chồng ông cùng cô con gái Hà Thị Thu Hà, cướp đi nhiều tài sản giá trị. Sau đó một số đối tượng tham gia vụ án đã bị bắt, riêng đối tượng cầm đầu Quách Văn Sáu (còn gọi là Quách Văn Thành) bỏ trốn, bị cơ quan điều tra ra quyết định truy nã đặc biệt. Hạ quyết tâm bằng mọi giá phải bắt được tên tướng cướp nguy hiểm này, các trinh sát Phòng PC 52 xây dựng chuyên án đặc biệt, lên kế hoạch, chia ra nhiều mũi, lần tìm theo những dấu vết mong manh đối tượng để lại. Ròng rã hàng chục năm trời, các trinh sát đã truy tìm từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến đồng bằng, dường như không một địa bàn nào trên bản đồ Tổ quốc mà đối tượng có khả năng ẩn náu các anh lại chưa đặt chân đến. Cuộc tầm nã đối tượng Quách Văn Sáu nhiều khi tưởng chừng rơi vào bế tắc, khi những thông tin về hắn ngày càng trở nên mơ hồ, một phần bởi sự ranh mãnh của đối tượng, một phần bởi sự bất hợp tác của gia đình. Không nản chí, các trinh sát kiên trì, nhẫn nại dõi theo sát sao mọi biến động của tất cả người thân trong gia đình, dòng họ mà đối tượng có khả năng liên lạc. Trong đó, gia đình người anh và người em của hắn là Quách Sĩ Ngại, Quách Văn Bảy nằm dưới chân đèo Phượng Hoàng, thuộc địa phận xã Ninh Thượng (Ninh Hòa -  Khánh Hòa) luôn nằm trong “tầm ngắm” của các trinh sát. Sự kiên nhẫn của các anh cũng được đền đáp khi sau gần 20 năm mai danh ẩn tích, hóa thân dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, ngỡ tội ác của mình đã bị dấu ấn thời gian vùi lấp, các cơ quan chức năng đã lãng quên, vào một ngày cuối năm Quách Văn Thành xuất hiện tại nhà anh trai liền bị các trinh sát phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh bạn ập vào bắt giữ, trong sự ngỡ ngàng, thảng thốt đến tột cùng của tên tướng cướp khét tiếng một thời. 

Thay mặt cán bộ, chiến sĩ đơn vị, Đại tá Văn Ngọc Thi, Trưởng phòng PC 52 CA Dak Lak (thứ 2 từ trái sang) giao lưu,  chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị điển hình tiên tiến trong cảnh sát truy nã tội phạm toàn quốc vừa được tổ chức.
Thay mặt cán bộ, chiến sĩ đơn vị, Đại tá Văn Ngọc Thi, Trưởng phòng PC 52 CA Dak Lak (thứ 2 từ trái sang) giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị điển hình tiên tiến trong cảnh sát truy nã tội phạm toàn quốc vừa được tổ chức.

Một trường hợp lẩn trốn khác, cũng có thời gian truy nã trường kỳ, các trinh sát phải đổ biết bao mồ hôi, công sức để bắt được đối tượng. Đó là Đặng Quang Tài, đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt, với tội danh giết người vào năm 2004, trong chuyên án mang bí số TX 93. Ròng rã 10 năm, hành trình truy bắt đối tượng Đặng Quang Tài cực kỳ gian nan. Chuyên án phân công trinh sát phối hợp chặt chẽ với công an quản lý địa bàn, nơi thường trú của đối tượng; tổ chức lực lượng đi đến các địa bàn thành phố Hồ  Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, về tận Nghệ An, nơi đối tượng có các mối quan hệ để lần tìm manh mối, mà nói theo Thượng tá Lương Văn Lục, đó là “Chiến thuật trinh sát liên hoàn”, tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ, chiến thuật nghiệp vụ, trinh sát xác minh, trinh sát ngoại tuyến… Cuối cùng, sau 10 năm lẩn trốn, đối tượng cũng đã bị các trinh sát bắt tra tay vào còng, khi đang ẩn mình dưới vỏ bọc là một lao động chân chất tại Đồng Nai… 

Nhìn vào mốc thời gian của 2 vụ án, dõi theo bước chân các chiến sĩ trinh sát lần theo dấu vết đối tượng, không hề ngơi nghỉ, kéo dài từ tháng này qua năm khác, mới có thể thấy được sự bền bỉ, dẻo dai tiềm tàng trong mỗi chiến sĩ. Thật cảm phục sự kiên trì, dũng cảm của các anh trong hành trình bảo vệ công lý, đưa kẻ phạm tội ra trừng trị trước pháp luật, góp phần xoa dịu nỗi đau cho gia đình nạn nhân.

Cái tâm của nghề!

Vẫn biết nhiệm vụ của các chiến sĩ truy nã tội phạm là bằng mọi giá phải đưa kẻ chạy trốn ra xét xử trước pháp luật, nhưng theo Thượng tá Lương Văn Lục thì “Những đối tượng bị truy nã vẫn là con người, hãy đối xử với họ một cách nhân văn, kể cả với những đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi rất chú trọng tổ chức tuyên truyền để gia đình vận động đưa họ đầu thú, hưởng sự khoan hồng của pháp luật, cho họ có cơ hội để làm lại cuộc đời. Đó mới chính là ý nghĩa nhân đạo cao cả của luật pháp”. Thượng tá Lương Văn Lục kể lại câu chuyện vận động gia đình đối tượng Nguyễn Văn Sơn, kẻ đã gây án, bỏ trốn khỏi địa bàn. Qua xác minh các mối quan hệ, trinh sát nắm bắt được thông tin Sơn xuống TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, lấy vợ tại đó và có một con nhỏ, tuy nhiên chưa xác định được địa chỉ. Sau khi nghiên cứu, phân tích hồ sơ, tính chất mức độ của vụ án, lãnh đạo Phòng PC 52 chỉ đạo trinh sát tìm cách tiếp cận, động viên gia đình Nguyễn Văn Sơn đưa con em ra đầu thú. Thời gian đầu gia đình đối tượng tỏ thái độ không hợp tác, song các cán bộ, chiến sĩ không hề nản lòng, kiên trì giải thích cho họ hiểu chính sách khoan hồng của Nhà nước, nếu kẻ có tội ra đầu thú thì còn có cơ hội giảm nhẹ tội, nếu không buộc các trinh sát phải thực hiện lệnh bắt giữ. Trước thái độ vừa tình cảm, vừa dứt khoát của các chiến sĩ, cuối cùng gia đình đối tượng đã đồng ý đưa con ra đầu thú sau hơn 10 năm lẩn trốn. Đáng nói là Sơn còn được các anh ưu ái, cho đón tết với gia đình, vợ con trước khi ra đầu thú. Hay như chuyện bắt giữ Bùi Thị Nga - đối tượng can tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vụ án xảy ra năm 2008, nhưng mãi đến năm 2013, các trinh sát mới lần tìm ra dấu vết của Bùi Thị Nga. Thiếu tá Nguyễn Sơn Toàn, người trực tiếp thực hiện lệnh truy nã kể: “Qua theo dõi mọi sinh hoạt, các mối quan hệ của đối tượng, chúng tôi biết cha đối tượng bị đau đang đi khám bệnh tại TP. Hồ Chí Minh. Phán đoán đối tượng có khả năng tìm đến thăm hỏi cha nên chúng tôi giả trang theo sát người cha. Quả nhiên, đối tượng xuất hiện tại bệnh viện thăm cha với dáng vẻ tiều tụy”. Trước cảnh đoàn tụ của cha con, các anh tế nhị không tiến hành bắt giữ, mà vẫn bám theo, đến khi đối tượng ra bến xe mới nhẹ nhàng áp sát, dẫn giải. Đối tượng Bùi Thị Nga hoàn toàn không có thái độ phản kháng, trái lại ánh mắt bày tỏ sự biết ơn về cách hành xử của người chiến sĩ trinh sát “thấy quen quen tại Bệnh viện”. Rồi chuyện một trường hợp đối tượng gây tai nạn, làm 2 người chết, xảy ra từ năm… 1982, nhưng cuối cùng các anh vẫn lần tìm ra dấu vết, biết được địa chỉ và vận động gia đình đưa đối tượng ra đầu thú khi ông đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Hay việc các anh phải ẩn mình, mai phục ngoài gió rét, chờ cho đối tượng ăn bữa cơm cuối cùng với gia đình rồi mới bắt giữ trên đường ra bến xe….

Nghe những câu chuyện đối xử nhân tình thế thái, cả đối với can phạm ngay khi tác nghiệp của các anh, chợt nhận ra đằng sau vẻ cương quyết, đằng sau những gương mặt phong trần sương gió ấy là cả một tấm lòng bao dung, đầy tình người, đậm nét nhân văn của các anh đối với những con người đã một thời lầm lỡ.

Thảo Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.