Multimedia Đọc Báo in

Những "hạt nhân đoàn kết" ở cơ sở

13:20, 22/02/2014
Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới ở huyện Cư Kuin đã được nhân dân hưởng ứng tích cực và đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Qua đó, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, những cán bộ làm công tác Mặt trận đã góp phần tích cực vận động nhân dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc…

Những năm gần đây, thôn 3, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) thật khang trang, trù phú với những con đường trải bê tông thẳng tắp, những vườn cà phê tươi tốt. Sự đổi thay bộ mặt nông thôn ở đây có sự góp sức không nhỏ của ông Trần Quốc Chương, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn. Gần 3 năm tham gia công tác Mặt trận, ông Chương không nề hà khó khăn, luôn gần gũi, sâu sát và nhiệt tình vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng tích cực các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận và chính quyền địa phương. Nhờ sự vận động của ông, người dân trong thôn đã hăng hái hiến đất, đồng thời đóng góp 814 triệu đồng để bê tông hóa 13 nhánh đường trong thôn (chiều dài gần 2 km) nhằm đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn. Để giúp bà con có vốn phát triển sản xuất, ông Chương còn vận động hội viên các đoàn thể trong thôn như Chi hội phụ nữ, Chi hội cựu chiến binh xây dựng nguồn quỹ với số tiền hằng trăm triệu đồng giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Cũng nhờ sự nhiệt tình của ông Trưởng Ban công tác Mặt trận trong việc vận động người dân thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, thôn 3 hiện có tới 220/247 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 89%.

Với vai trò Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Ea Bhôk (huyện Cư Kuin), ông Nguyễn Hồng Sâm luôn xác định công tác Mặt trận rất quan trọng trong xây dựng mối đại đoàn kết. Để làm tốt vai trò của mình, ông luôn bám sát nhiệm vụ chính trị theo sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động tham mưu cho cấp ủy xây dựng kế hoạch triển khai các phong trào, các cuộc vận động đến nhân dân; vận động nhân dân thi đua phát triển sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự. Nhờ vậy, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội xã Ea Bhôk đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Năm 2013, tổng giá trị sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đạt gần 235 tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành thương mại – dịch vụ đạt 87 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 165 tỷ đồng. Xã cũng huy động được nguồn vốn gần 213 triệu đồng xây dựng nông thôn mới; nhờ đó đã đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là phong trào làm đường giao thông nông thôn với 14 tuyến đường dài 15,5km với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp ngày công, vật liệu trị giá 569 triệu đồng.

Những cán bộ làm công tác Mặt trận như ông Chương, ông Sâm thực sự là những “bông hoa” trong “vườn hoa nghìn việc tốt”, góp phần tô thắm thêm truyền thống đoàn kết của dân tộc.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.