Những người đi gieo hạnh phúc
Gian khổ không lùi bước, khó khăn chẳng nản lòng, ngày ngày những bước chân lặng lẽ của họ in dấu ở tất cả các thôn, buôn để đưa chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đến với mọi người…
Khi đấng mày râu làm công tác dân số
19 năm gắn bó với công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, anh Y Khuê Ajun, cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng dân số, giảm trường hợp sinh con thứ 3 trở lên ở địa phương.
Anh Y Khuê cùng cộng tác viên thôn Sơn Lộc 2 tuyên truyền chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình cho chị em trên địa bàn. |
Từng tốt nghiệp trung cấp y sĩ đa khoa, lại học thêm chuyên ngành về sản khoa nên trong quá trình làm công tác chuyên môn tại trạm y tế xã Cư Bao, anh Y Khuê có cơ hội tiếp xúc, tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình. Gần 5 năm công tác tại Trạm y tế xã, anh nhận thấy cuộc sống của người dân trong vùng còn nhiều khó khăn vẫn quen nếp nghĩ “đông con, đông của”. Năm 1990 anh nghỉ công tác tại trạm, tình nguyện tham gia làm cộng tác viên dân số ở buôn Kwăng với mong muốn giúp bà con trong buôn cải thiện cuộc sống bắt đầu từ việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Với những hiểu biết nhất định trong lĩnh vực này, khi đi tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, anh không chỉ thuyết phục bằng cách nói hợp lý hợp tình mà còn sử dụng nhiều hình ảnh trực quan minh họa như tờ rơi, tài liệu hướng dẫn để mọi đối tượng đều có thể tiếp thu. Anh chia sẻ: “Khi đến những địa bàn có nhiều trường hợp sinh con thứ 3, tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của buôn để cùng vận động; việc tuyên truyền phải cụ thể, sinh động, thiết thực, chu đáo thì bà con mới dễ tiếp thu và làm theo hướng dẫn”. Nếu như các cộng tác viên nữ khá dễ dàng khi tiếp xúc với chị em thì anh Y Khuê lại đặc biệt lợi thế trong việc gặp gỡ các ông chồng. Anh cho biết: “Mỗi khi tiếp xúc với các ông chồng, tôi luôn tuyên truyền, tác động để họ cảm thông với sự vất vả mang nặng đẻ đau của vợ. Khi vợ chồng thuận ý và cùng nhau quyết tâm không sinh đẻ nhiều để có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn thì lúc đó họ sẽ tự nguyện sử dụng các biện pháp kế hoạch, thậm chí có gia đình sinh con một bề là trai, trong khi truyền thống của đồng bào lại rất mong con gái nhưng người chồng vẫn tình nguyện đi đình sản”.
Khi tình trạng sinh con thứ 3, thứ 4, thậm chí là thứ 5 ở buôn Kwăng đã giảm dần bền vững, năm 2003, anh Y Khuê lại tham gia làm cán bộ chuyên trách dân số của xã. Trên cơ sở nắm chắc tình hình biến động dân số, anh đã cùng cộng tác viên dân số ở các thôn, buôn xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng người. Bên cạnh đó, anh thường xuống địa bàn “nghe ngóng”, nếu phát hiện có vướng mắc gì thì cùng các cộng tác viên phối hợp giải quyết ngay. Anh cho rằng, làm công tác dân số thì phải khéo léo, chia sẻ những điều tế nhị đúng lúc, đúng cách mới mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, anh Y Khuê vẫn tranh thủ thời gian cùng cộng tác viên đến tận các gia đình vận động, vừa để truyền đạt kinh nghiệm cho cộng tác viên, vừa giúp các cặp vợ chồng hiểu rõ tiện ích của những biện pháp tránh thai hiện đại để từ đó chọn lựa biện pháp phù hợp. Nhờ sự năng nổ, nhiệt tình của anh Y Khuê trong hơn 10 năm qua, những địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nay đã giảm rõ rệt. Chẳng hạn như buôn Kwăng, thôn Sơn Lộc 3 của xã, từng được xem là “điểm nóng” với trung bình mỗi năm có khoảng 15-20 gia đình sinh con thứ 3 trở lên, thì nay tình trạng này chỉ xảy ra ở vài hộ, thậm chí có năm không ghi nhận trường hợp nào. Đặc biệt, những năm gần đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của xã do anh Y Khuê đảm nhiệm luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
50 tuổi vẫn… “vác tù và” dân số
Mới ngày nào còn lạ lẫm, ngại ngùng khi làm quen với công việc của một cộng tác viên dân số, giờ đây ngồi nhẩm tính lại, chị H’Yiu Kpơr, cộng tác viên dân số buôn Kreh A, xã Ea Knuêk, huyện Krông Pak cũng đã có 19 năm gắn bó với nghề.
Chị H’Yiu (bìa phải) tư vấn cho chị em cách sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. |
Bắt tay vào công việc của một cộng tác viên dân số khi chưa có nhiều kiến thức về lĩnh vực này, chị H’Yiu không khỏi có những lo lắng về công việc. Đã vậy, mỗi lần đi tuyên truyền, gặp phải những gia đình còn nặng tư tưởng thích sinh nhiều con còn bị họ xua đuổi, thậm chí mắng nhiếc bằng những lời rất khó nghe khiến chị cũng có lúc nản lòng. Thế nhưng cứ nghĩ đến cảnh những gia đình đông con nheo nhóc, thiếu ăn, trẻ em sinh ra không được chăm sóc đầy đủ, thì chị lại quyết tâm phải làm bằng được công việc mình đã đảm nhận. Xác định phải có lòng nhiệt tình và vốn kiến thức nhất định mới dễ tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, chị H’Yiu đã không ngừng trau dồi nghiệp vụ, học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm của đồng nghiệp. Hằng tháng, chị phối hợp với ban tự quản và các đoàn thể của buôn xây dựng kế hoạch, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề tại nhà cộng đồng để nói về những hậu quả khôn lường của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; tác hại của việc đẻ nhiều, đẻ dày; phân tích về lợi ích của kế hoạch hóa gia đình… rồi động viên những gia đình đông con thực hiện kế hoạch hóa. Không những vậy, tranh thủ vào buổi chiều tối, lúc người dân đi làm về, chị H’Yiu còn “cần mẫn” đến từng hộ gia đình trong buôn để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Biết tin những gia đình có trẻ em bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, hay những phụ nữ trong buôn ốm đau, chị H’Yiu đều kịp thời đến thăm hỏi; đồng thời vận động hội viên chi hội phụ nữ của buôn quyên góp quần áo, sách vở… tạo điều kiện cho các em nhỏ quay lại trường học và giúp phụ nữ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Mỗi lần đến từng gia đình chị H’Yiu cũng không quên khéo léo phân tích và hướng dẫn các cặp vợ chồng cách sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Chẳng quản giờ giấc, cứ khi nào đối tượng có nhu cầu, chị luôn trực tiếp cung cấp các dịch vụ tránh thai. Thậm chí, những trường hợp đăng ký đặt vòng hoặc triệt sản, chị còn tận tình chở họ đến các cơ sở y tế để thực hiện.
“Mưa dầm thấm lâu”, sự nhiệt tình của chị H’Yiu đã tác động tích cực đến ý thức trách nhiệm về sinh đẻ và chăm sóc con cái của các cặp vợ chồng ở buôn Kreh A. Toàn buôn hiện có 158 hộ với 779 nhân khẩu, trong đó có 32 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng và tất cả số chị em này đều đã tình nguyện sử dụng các biện pháp tránh thai, để giữ khoảng cách giữa các lần sinh hợp lý nhằm có điều kiện chăm sóc con cái, hoặc dừng lại ở 2 con. Đặc biệt, đến nay tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống không còn xảy ra. Anh Phan Hùng Nguyên, Phó trưởng Ban Dân số xã Ea Knuêk cho biết: “Nhờ có những người nhiệt tình, tâm huyết như chị H’Yiu mà buôn Kreh A trước đây được xem là buôn khó khăn nhất của xã trong vấn đề dân số, đến nay đã giảm đáng kể tình trạng gia tăng dân số tự nhiên, giảm thiểu tình trạng sinh con thứ 3, góp phần tích cực trong việc ổn định mức sinh của xã Ea Knuêk”.
Kim Thảo
Ý kiến bạn đọc