Trọn một chữ "tâm" với nghề
Dù công tác ở bệnh viện tuyến đầu của tỉnh hay làm việc ở tận vùng sâu vùng xa, thì ngày ngày những người thầy thuốc vẫn luôn coi việc cứu chữa người bệnh là nhiệm vụ của mình mà không cầu lợi, kể công. Với họ, hạnh phúc chỉ đơn giản là được thấy bệnh nhân bình phục.
Hết lòng với công tác y tế vùng sâu
Về M’Drak, chúng tôi được gặp và trò chuyện với bác sĩ Ngô Quang Vinh, Trưởng Khoa Ngoại - Sản, Bệnh viện Đa khoa M’Drak, người đã có 18 năm sống, gắn bó với bà con các dân tộc nơi đây.
Lúc đầu về với vùng đất còn đầy rẫy những khó khăn ấy, anh luôn nghĩ “mình là sinh viên mới ra trường cũng cần phải trải qua thời gian tập sự, thử thách để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề rồi sẽ xin chuyển về nơi thuận tiện hơn”. Thế nhưng, trong quá trình công tác tại bệnh viện, được chứng kiến những vất vả của người dân khi phải lặn lội đường sá xa xôi từ các xã vùng sâu, vùng xa ra bệnh viện huyện khám chữa bệnh, rồi lời cảm ơn mộc mạc nhưng chân chất của những người bệnh nghèo khi được bác sĩ cứu chữa thành công, anh cũng chẳng rõ mình quyết định gắn bó với nơi này từ khi nào. Thấm thoắt đã 18 năm bám trụ và gắn bó với công tác y tế vùng sâu, dẫu điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, song anh vẫn luôn tự động viên để vượt qua khó khăn, vừa làm việc vừa rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn với tâm niệm “Rèn luyện để giữ được tấm lòng, chữ tâm trong sáng với nghề là điều quan trọng nhất, có như vậy thì ngay cả khi “sóng to, gió lớn” cũng sẽ vẫn tự tin vượt qua...”. Sự phấn đấu bền bỉ, lâu dài của anh đã gặt hái thành công, góp phần giúp công tác y tế ở địa phương có những tiến bộ vượt bậc. Anh chia sẻ: “Ngày về nhận công tác, cả Khoa Ngoại-Sản chỉ có 4 bác sĩ, nữ hộ sinh, công việc chủ yếu là khám, điều trị các bệnh đơn giản, đỡ đẻ thông thường, những trường hợp bệnh nặng hoặc cần can thiệp bằng phẫu thuật đều được chuyển lên tuyến trên. Cho đến năm 1998, Khoa bắt đầu thực hiện phẫu thuật triệt sản. Dần dần, khi nhân lực cũng như trình độ chuyên môn của anh em được nâng cao, chúng tôi đã thực hiện được nhiều phẫu thuật khác như: mổ thủng dạ dày, cắt ruột thừa, thai ngoài tử cung vỡ, kết hợp xương, mổ đẻ… Và đến thời điểm này, các trường hợp cấp cứu đều đã được xử trí ngay tại bệnh viện”. Không chỉ dừng lại ở việc mạnh dạn triển khai các kỹ thuật mới phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong vùng, ở cương vị của một trưởng khoa, bác sĩ Vinh còn chú trọng đến vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận bằng việc thường xuyên hướng dẫn các bác sĩ trẻ những kinh nghiệm khám, điều trị nhiều mặt bệnh và truyền đạt các kinh nghiệm lâm sàng sẵn có. Nhờ vậy, thời gian qua, anh và tập thể y bác sĩ trong khoa luôn hoàn thành tốt công việc được giao.
Bác sĩ Ngô Quang Vinh kiểm tra sức khỏe sản phụ và trẻ sau sinh mổ. |
Câu chuyện giữa chúng tôi bị đứt quãng bởi bác sĩ Vinh có cuộc điện thoại gọi đến từ người thân. Nhân đó, chúng tôi hỏi anh về chuyện gia đình. Thoáng chút tư lự rồi anh mỉm cười kể: “Gia đình có 4 người, 2 vợ chồng và 2 cô con gái, nhưng hiện tại mỗi người đang ở một nơi. “Bà xã” tôi đang ở tại TP.Vinh để coi sóc nhà cửa. 2 “công chúa” cũng chọn theo nghề y, cô chị đang theo học bác sĩ nội trú năm thứ 2 tại Đại học Y Hà Nội, còn cô em theo học tại Đại học Y Huế, còn tôi hiện vẫn “cư ngụ” tại nhà tập thể của bệnh viện. Cũng đã có đôi ba lần “bà xã” và các con đề cập với tôi chuyện chuyển công tác về ngoài ấy để gia đình sum họp, nhưng người dân ở đây vẫn cần đến tôi lắm, đi sao đành…”. Chuyện về gia đình mình được anh gói gọn trong vài câu ngắn ngủi, nhưng đã giúp chúng tôi cảm nhận được sự hy sinh và tấm lòng người thầy thuốc dành cho người dân vùng đất khó. Và sự khâm phục ấy lại được nhân lên bội phần khi chúng tôi được nghe bác sĩ Nguyễn Quang Thừa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa M’Drak nhận xét: “Bác sĩ Vinh là một trong những bác sĩ có tay nghề chuyên môn giỏi của bệnh viện. Đã có nhiều lời mời về làm việc ở các bệnh viện tư nhân cả trong và ngoài tỉnh với điều kiện thuận lợi hơn và mức lương cũng cao gấp vài lần so với thu nhập hiện tại, song anh đều từ chối và quyết định ở lại công tác tại bệnh viện chúng tôi, đem khả năng trình độ của mình phục vụ nhân dân địa phương”.
Bác sĩ Tiến quan sát khu vực cấp cứu qua hệ thống camera tại phòng làm việc. |
Vững vàng nơi “đầu sóng, ngọn gió”
“Bố Tiến” - đó là từ đầy trìu mến mà nhiều y bác sĩ trẻ ở khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh dành tặng cho người Trưởng khoa - bác sĩ chuyên khoa I Ngô Văn Tiến, bậc tiền bối đáng kính của mình. Với họ, ngoài mối quan hệ lãnh đạo và nhân viên, bác sĩ Tiến còn như người cha dìu dắt họ trưởng thành hơn trong nghề nghiệp.
Làm công tác lãnh đạo ở một khoa được xem là nơi “đầu sóng, ngọn gió”, “cửa ngõ” của Bệnh viện, bác sĩ Tiến luôn ý thức được trách nhiệm của mình với khoa, với người bệnh. Chính vì vậy, trong công tác chỉ đạo, ngày ngày bác sĩ Tiến vẫn luôn nhắc nhở y bác sĩ trong khoa phải tập trung cao độ cho công việc, bởi theo ông làm công tác cấp cứu không ai có thể lường trước những sự cố rất dễ xảy ra, chỉ cần một chút lơ là, chủ quan của người thầy thuốc đã có thể gây nên những tai biến nguy hiểm cho người bệnh. Còn trong hoạt động chuyên môn, ông vẫn tích cực, nỗ lực học hỏi, rèn luyện nâng cao tay nghề để có thể tham gia cùng y bác sĩ trong khoa xử lý, điều trị những ca bệnh khó, bệnh nặng. Dẫu đã có thâm niên làm công tác cấp cứu, nhưng bác sĩ Tiến luôn quan niệm nếu người thầy thuốc không thường xuyên trau dồi kiến thức, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn thì khó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc người bệnh. Và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ ngành Y: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ ở các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào đó là nhiệm vụ vẻ vang” được ông xem là kim chỉ nam để rèn luyện mình cả về y đức lẫn chuyên môn. Đó không chỉ là việc hết sức coi trọng sinh mạng của người bệnh mà còn thể hiện qua cả thái độ ứng xử, giao tiếp hằng ngày với đồng nghiệp và bệnh nhân. Dưới sự điều hành một cách hợp lý khoa học của ông, Khoa Cấp cứu luôn là một trong những đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không xảy ra hiện tượng bệnh nhân và thân nhân người bệnh phàn nàn về thái độ ứng xử của thầy thuốc. “Phải luôn đặt mình vào vị trí của bệnh nhân, khi bệnh nhân đã tìm đến, người thầy thuốc không bao giờ được phép từ chối, cũng không để người bệnh phải chờ đợi”, đó là phương châm làm việc của bác sĩ Tiến và cũng là điều mà ông hay nói với những người kế cận của mình.
Cách làm việc khoa học, có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó, ngại khổ của bác sĩ Tiến không chỉ có ảnh hưởng đối với đội ngũ thầy thuốc trẻ trong khoa mà còn là gương sáng để cô con gái thứ 2 của ông - bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo “dấn thân” vào nơi “đầu sóng, ngọn gió”. Kể cho chúng tôi nghe về cô con gái, đồng nghiệp trẻ của mình, giọng ông đầy tự hào: “Hình như nó cũng có chút bướng bỉnh giống tôi thì phải. Ngày nó mới về nhận công tác, tôi đã hướng cho nó về làm ở Khoa Nội, tuy cũng phải làm việc với cường độ cao nhưng dù sao vẫn ít áp lực hơn so với khoa Cấp cứu. Vậy mà nó không chịu, dứt khoát đòi về làm việc ở Khoa Cấp cứu bằng được với lý do “mới vào nghề được làm việc ở Khoa Cấp cứu sẽ tiếp cận với nhiều loại bệnh là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề”. Trong câu chuyện với ông sau đó, tôi mới vỡ lẽ vì sao con gái ông không sợ vất vả khi “đòi” về làm việc ở khoa Cấp cứu, là bởi từ nhỏ cô được lớn lên trong gia đình có cả bố mẹ đều là y bác sĩ, đã quá quen với những bữa cơm thiếu vắng thành viên trong gia đình do bố mẹ còn bận trực ở bệnh viện, được cảm nhận những ưu tư của bố khi không giúp được người bệnh “chiến thắng” bệnh tật...
Khánh Duy
Ý kiến bạn đọc