Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Dạy nghề huyện Ea Kar: Địa chỉ tin cậy của người lao động

13:58, 25/02/2014
Với cách làm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, những năm qua, Trung tâm Dạy nghề (TTDN) huyện Ea Kar đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều lao động nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. 

Cầm tay chỉ việc

Lập gia đình hơn 10 năm, chăm chỉ canh tác 1 sào tiêu và làm thêm nghề tiếp thị hàng hóa nhưng thu nhập cũng chỉ đủ để vợ chồng anh Nguyễn Văn Ruệ ở thôn Đoàn Kết (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) trang trải chi tiêu, nuôi 2 con ăn học. Năm 2012, qua sự giới thiệu của người quen, anh Ruệ đã đến TTDN huyện Ea Kar tìm hiểu thông tin và đăng ký học nghề Sửa chữa xe gắn máy. Sau 6 tháng học nghề, anh Ruệ “dốc” hết vốn liếng và vay mượn thêm để mở tiệm sửa chữa xe gắn máy ngay tại nhà. Anh Ruệ cho biết, ban đầu anh cũng lúng túng khi áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, nhưng mỗi khi “bí” ở một khâu nào đó, anh lại được cán bộ Trung tâm tư vấn qua điện thoại hoặc xuống tận nơi “cầm tay chỉ việc” nên dần dần cũng thành thạo kỹ thuật, tự tin hơn với nghề. Nhờ có nghề nghiệp ổn định với thu nhập bình quân khoảng 150.000 đồng/ngày nên cuộc sống của gia đình anh đỡ khó khăn hơn trước.

Anh Nguyễn Văn Ruệ đã có nguồn thu nhập ổn định hơn sau khi tham gia học nghề  sửa chữa xe máy.
Anh Nguyễn Văn Ruệ đã có nguồn thu nhập ổn định hơn sau khi tham gia học nghề sửa chữa xe máy.

Không chỉ phát triển trồng trọt, gia đình chị Dương Thị Luyến ở thôn Cư An (xã Cư Huê) còn chăn nuôi heo để có thêm thu nhập, nhưng chủ yếu làm theo kinh nghiệm, quy mô nhỏ lẻ, lấy công làm lãi. Năm 2011, khi cán bộ TTDN huyện phối hợp cùng Ban tự quản thôn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân học nghề Chăn nuôi thú ý, chị đã đăng ký tham gia. “Ban đầu, tôi và một số bà con trong thôn rất lưỡng lự vì cho rằng nghề chăn nuôi heo mình làm bao năm nay rồi, có gì đâu mà phải học cho mất thời gian. Sau khi được cán bộ Trung tâm phân tích, chỉ rõ thiệt hơn thì nhiều người đã mạnh dạn đăng ký. Qua 3 tháng học và áp dụng vào thực tiễn, giờ mới thấy đúng là có học có khác”, chị Luyến chia sẻ. Cái khác chị nói đến chính là việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình chọn con giống, chăm sóc, phòng trừ bệnh cho đàn heo và mạnh dạn phát triển đàn lên 6 heo nái, 50 heo thịt. Với những kiến thức đã học, chị chủ động tiêm phòng đầy đủ các bệnh tiêu chảy, tai xanh, tụ huyết trùng; đồng thời, tận dụng thêm bắp, cám gạo, bột cá phối trộn thức ăn tổng hợp nên tiết kiệm chi phí, đàn heo phát triển khỏe mạnh, mỗi năm có lãi khoảng 40 triệu đồng. Đến nay trong thôn đã có 30 hộ phát triển chăn nuôi heo theo hướng này và có thêm nguồn thu nhập ổn định. Theo chị Luyến, có được kết quả này là nhờ cách làm “học đi đôi với hành” của Trung tâm. Mỗi khi học xong từng phần lý thuyết, giáo viên cùng với học viên của lớp luân phiên đến tận nhà từng người tổ chức thực hành, chia nhóm cùng tìm hiểu, phân tích cách phối trộn thức ăn, phối tinh, tiêm phòng bệnh… sau đó đối chiếu kết quả. Những công đoạn chưa thành thạo sẽ được giáo viên trực tiếp hướng dẫn lại nên từng học viên dễ nắm bắt kỹ thuật và nhớ lâu hơn. 

Nhờ tham gia học nghề Chăn nuôi thú y,  chị Dương Thị Luyến đã biết cách phối trộn thức ăn, giảm chi phí đầu tư.
Nhờ tham gia học nghề Chăn nuôi thú y, chị Dương Thị Luyến đã biết cách phối trộn thức ăn, giảm chi phí đầu tư.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Nói về phương thức đào tạo nghề cho nông dân, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trung tâm được thành lập từ năm 2006, chủ yếu dạy các nghề Chăn nuôi thú y, May công nghiệp, Sửa chữa xe gắn máy, Trồng trọt - bảo vệ thực vật. Từ khi thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2010 đến nay, chương trình đào tạo của Trung tâm không những được mở rộng mà còn đi vào chiều sâu, đáp ứng đúng nhu cầu thực tế từng bộ phận nông dân và theo nhu cầu của địa phương. Ngoài những nghề trên, Trung tâm liên kết tổ chức đào tạo thêm nghề Hàn điện, Kỹ thuật điện, May và thiết kế thời trang, Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại”. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, các giáo viên đã tích cực học hỏi, tự nghiên cứu và đổi mới giáo án đào tạo; đồng thời, Trung tâm tăng cường liên kết với các giảng viên trong và ngoài tỉnh đến giảng dạy. Nắm bắt thực tế các học viên có độ tuổi, trình độ khác nhau nên khả năng tiếp thu kiến thức không đồng đều, Trung tâm đã xây dựng phương pháp đào tạo đa dạng để mang lại hiệu quả. Không chỉ dạy lý thuyết, Trung tâm còn trực tiếp xây dựng mô hình, tổ chức thực hành theo từng công đoạn và phân công giáo viên phụ trách địa bàn cụ thể có trách nhiệm hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho đến khi nông dân áp dụng thành công nghề đã học. Trường hợp nông dân không có thời gian học tập trung, Trung tâm xuống tận địa bàn mở lớp. Nhờ vậy, từ năm 2006 đến cuối năm 2013, TTDN huyện Ea Kar đã tổ chức được 67 lớp đào tạo nghề cho 2.053 lao động nông thôn. Sau đào tạo có khoảng 20% học viên tìm được việc làm mới; trên 75% học viên ứng dụng nghề đã học vào thực tế sản xuất của gia đình, mở rộng quy mô trang trại, chuyển đổi cây trồng vật nuôi hiệu quả, ổn định cuộc sống.

Từ khi thành lập đến nay, TTDN huyện Ea Kar đã được đầu tư gần 12 tỷ đồng xây dựng trụ sở làm việc và mua sắm đầy đủ trang thiết bị đào tạo 12 nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Theo Đề án “Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Dak Lak đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt thì đến năm 2015 sẽ nâng cấp TTDN huyện Ea Kar lên Trường Trung cấp nghề, với quy mô tuyển sinh 650 học viên/năm, vốn đầu tư 20 tỷ đồng. Nhưng thực tế, Trung tâm đang rơi vào tình trạng “đỏ mắt’ tìm người học, nhất là các nghề phi nông nghiệp. Chẳng hạn như năm 2013, Trung tâm được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao chỉ tiêu tuyển sinh 3 lớp dạy nghề phi nông nghiệp gồm: Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại và Nấu ăn, nhưng không tổ chức được lớp nào vì không tuyển đủ học viên nên phải trả lại kinh phí cho Sở, còn các thiết bị dạy nghề đành… “đắp chiếu”. Cũng theo ông Sơn thì việc bố trí kinh phí cho dạy nghề thường chậm và chưa phù hợp với nhu cầu từng địa phương đã gây khó khăn cho công tác tuyển sinh và hoạt động của TTDN.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, TTDN huyện Ea Kar mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa, nhất là việc ưu tiên bố trí kinh phí đào tạo nghề phù hợp với thế mạnh của địa phương, bổ sung giáo viên biên chế cho mỗi nghề, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. Và quan trọng hơn là cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.