Multimedia Đọc Báo in

Đầu tư trang thiết bị y tế tuyến cơ sở: Mải chạy theo chuẩn

12:39, 15/03/2014

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, thời gian qua ngành Y tế đã có sự đầu tư lớn về trang thiết bị, dụng cụ y tế cho các trạm y tế (TYT) trên địa bàn. Tuy nhiên, việc đầu tư mới chỉ chú trọng theo chuẩn danh mục của Bộ Y tế mà chưa xem xét đến yếu tố nhân lực, năng lực chuyên môn của cơ sở...

Giữa năm 2013, Trung tâm Y tế huyện Krông Buk tiếp nhận đầu tư trang thiết bị, dụng cụ y tế đối với 3 trạm y tế trên địa bàn, trong đó có nhiều máy móc hiện đại như máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm sinh hóa… Nếu nhìn dưới góc độ phát triển chung của xã hội thì sự đầu tư này được xem là cơ hội để tăng cường năng lực cho các trạm y tế, từng bước tạo điều kiện để người dân địa phương tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay tại tuyến đầu. Song nhìn từ góc độ nguồn nhân lực lại có rất nhiều bất cập, bởi trên thực tế, cả 3 trạm nhận trang thiết bị y tế trong đợt này đều không có nhân lực để khai thác sử dụng. Chính vì vậy, ngay việc vận hành nghiệm thu những máy móc này ở các trạm cũng phải nhờ đến sự can thiệp từ các kỹ thuật viên của Trung tâm. Bác sĩ Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm y tế huyện cho biết: “Ngoài những dụng cụ thông thường, cán bộ nhân viên các trạm đều không sử dụng được máy móc mới cấp, bắt buộc Trung tâm phải cắt cử nhân viên luân phiên xuống hỗ trợ các trạm vận hành máy trong thời gian chạy nghiệm thu hoặc khi bệnh nhân có nhu cầu. Do vậy, về lâu dài, để các trạm tự vận hành được thì đòi hỏi phải thực hiện ngay việc đào tạo cán bộ. Hiện tại mỗi trạm y tế xã biên chế 7-8 người nhưng phải đảm nhận rất nhiều việc, từ khám chữa bệnh, phụ trách các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án cho đến làm sổ sách báo cáo nên việc đưa cán bộ đi tập huấn chuyên môn dù rất cần thiết song vẫn phải cân nhắc sao cho phù hợp…”. Có lẽ chuyện trang thiết bị y tế ở tuyến cơ sở “nhàn rỗi” trong khi người bệnh lại rất cần nhưng vẫn phải lên tuyến trên điều trị không chỉ là chuyện riêng của ngành y tế Krông Buk, mà còn xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Nhiều giải pháp tạm thời đã được các địa phương áp dụng để những máy móc ấy được đưa vào sử dụng như: tăng cường cán bộ của trung tâm y tế huyện về “cầm tay chỉ việc” cho tuyến xã, tập huấn ngắn hạn để cung cấp kiến thức cơ bản cho các trạm… Nhưng dù cách này hay cách khác thì cũng mới đạt được mục đích… đưa máy vào vận hành, còn mục tiêu chính là khai thác công năng của máy móc phục vụ chẩn đoán điều trị bệnh cho người dân một cách hiệu quả thì chưa được tính đến.

Siêu âm cho người bệnh tại Trạm y tế xã Ea Ngai (huyện Krông Buk) -  một trong số ít những đơn vị khai thác hiệu quả trang thiết bị được đầu tư.
Siêu âm cho người bệnh tại Trạm y tế xã Ea Ngai (huyện Krông Buk) - một trong số ít những đơn vị khai thác hiệu quả trang thiết bị được đầu tư.

Rõ ràng, mục đích ngành Y tế đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại cho các trạm y tế là nhằm tạo điều kiện phát triển chuyên môn cho y tế cơ sở, đáp ứng một phần nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, rút ngắn khoảng cách vùng miền, qua đó góp phần giảm tải cho tuyến trên. Song trên thực tế, việc trang bị này vẫn còn những điểm chưa hợp lý, bởi không phải trạm y tế nào cũng có thể sử dụng được các thiết bị cấp về. Y sĩ Bùi Thị Phượng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Pơng Drang, một trong 3 trạm được tiếp nhận trang thiết bị của huyện Krông Buk cho biết: “Trong năm vừa qua, Trạm được đầu tư máy điện tim, máy xét nghiệm sinh hóa, máy hút đờm dãi, ghế nha và các bộ tiểu phẫu. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có các bộ tiểu phẫu là được sử dụng vào khám chữa bệnh, máy điện tim thì mới ứng dụng để nhân viên thực hành, còn các máy móc khác thì vẫn chưa vận hành vì… chưa có nhân lực. Được biết thời gian tới, những trạm được cấp máy móc sẽ được cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu, song cái khó hiện nay là nhân lực của trạm ít, trong khi mỗi cán bộ, y bác sĩ phải phụ trách vài chương trình mục tiêu quốc gia, rồi còn các hoạt động chuyên môn khác, nếu không được tăng thêm định biên, chúng tôi cũng không biết lấy người ở đâu để cử đi học”. Còn bác sĩ Nguyễn Thị Hiền, Trạm trưởng Trạm y tế xã Ea Pin (huyện M’Drak) cho hay: “Trạm được đầu tư máy siêu âm nhưng khai thác còn hạn chế lắm, vì trên thực tế nhân lực của trạm mới chỉ được tập huấn ngắn hạn tại Trung tâm y tế huyện chứ chưa được đào tạo bài bản nên thiếu tự tin trong chẩn đoán. Vì lẽ đó, mặc dù trạm có máy móc nhưng khi người bệnh có nhu cầu, chúng tôi vẫn giới thiệu lên tuyến trên để thực hiện”.

Thiết nghĩ, bảo đảm cung cấp trang thiết bị, dụng cụ y tế theo chuẩn danh mục của Bộ Y tế cho y tế cơ sở để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị là cần thiết. Tuy nhiên, việc đầu tư ồ ạt, chưa xem xét đến yếu tố con người dẫn đến tình trạng máy móc không được đưa vào sử dụng vô hình chung đã gây lãng phí, trong khi là khi nguồn kinh phí để thực hiện chủ trương này của ngành còn hạn hẹp.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.