Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (8-3)

Những bông hoa đẹp giữa đời thường

07:07, 07/03/2014

Thành đạt, tự tin hơn, đảm đang, trung hậu… chính là hình ảnh đẹp của người phụ nữ trong thời kỳ mới. Trên những cương vị khác nhau, bằng những hành động cụ thể, các chị đã tạo nên niềm vui lan tỏa trong cuộc sống …

Người được tuyên dương “Phụ nữ xuất sắc tiêu biểu toàn quốc”

Năm 1998, gia đình chị Lê Thị Sửu rời quê hương Hà Tĩnh đến lập nghiệp tại vùng đất hẻo lánh thuộc thôn 14, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) với hy vọng cuộc sống bớt khó khăn.

Mua được 7 sào đất trống từ chút tiền dành dụm mang theo, vợ chồng chị Sửu quyết định đầu tư trồng cà phê. Chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cà phê, vợ chồng chị đã nỗ lực tự học hỏi, tìm hiểu cách chăm sóc loại cây này qua sách báo để áp dụng vào sản xuất. Thời gian đầu mới trồng cà phê, do không có việc làm ổn định, thu nhập chủ yếu chỉ dựa vài sào đất canh tác, con cái còn nhỏ nên cuộc sống gia đình anh chị gặp rất nhiều khó khăn… Vợ chồng chị đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế của những người đi trước. Năm 2006, chị Sửu bàn với chồng trồng xen canh tiêu trong vườn cà phê vì nhận thấy đây là cách làm được nhiều nông dân áp dụng và cho hiệu quả kinh tế cao. Quả thật, việc trồng xen canh này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống rõ rệt. Hiện nay gia đình chị có 700 trụ tiêu, trong đó có 150 trụ tiêu cho thu hoạch, năng suất đạt từ 5 - 7 kg tiêu/trụ. Các trụ tiêu được trồng xen canh trong vườn cà phê không chỉ nâng cao được hiệu quả trên một đơn vị diện tích mà nó còn có tác dụng che nắng chắn gió, giữ độ ẩm cho đất, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng chính phát triển, vì thế năng suất cà phê của gia đình cũng được cải thiện rõ rệt. Với 700 cây cà phê, bình quân mỗi năm gia đình chị thu được từ 3,5 – 4,4 tấn, năng suất bình quân đạt từ 5 – 6,2 kg cà phê/cây, cao hơn nhiều so với các hộ dân trên địa bàn xã... Ngoài trồng trọt, vợ chồng chị Sửu còn nấu rượu, tận dụng bã hèm nuôi gà với quy mô từ 300 – 400 con. Chưa hết, gia đình chị còn làm thêm nghề ươm giống bầu tiêu, mang lại nguồn thu nhập 20 triệu đồng/năm… Với tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, kinh tế gia đình chị Sửu ngày càng khá giả.

Chị Lê Thị Sửu đang thu hoạch hồ tiêu.
Chị Lê Thị Sửu đang thu hoạch hồ tiêu.

Mặc dù đã có của ăn của để nhưng với bản tính cần cù chịu khó, chị Sửu vẫn duy trì việc đi làm công kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Năm 2002, chị và một số thành viên khác trong Chi hội phụ nữ thôn 14, xã Ea Kết đã thành lập tổ “phụ nữ làm công”. Từ 10 thành viên lúc đầu, đến nay tổ đã tăng lên 45 thành viên. Nhờ làm việc có trách nhiệm và với giá cả phải chăng nên tổ làm công của chị Sửu thường xuyên tìm được việc làm là những công việc dài ngày với số lượng nhân công lớn. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình hội viên thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định.    

Vất vả, bận rộn với việc làm kinh tế nhưng chị Sửu luôn dành thời gian chăm sóc nuôi dạy các con, tạo mọi điều kiện và thời gian để các con học bài. Nhờ vậy, cả 4 người con của chị đều chăm ngoan, học giỏi. Ba người con đầu của chị đều đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định.

Những nỗ lực trong phát triển kinh tế, chăm lo con cái học hành và tham gia công tác xã hội, nhiều năm qua chị Sửu thường xuyên được Hội Phụ nữ các cấp biểu dương khen thưởng, đặc biệt năm 2013 chị được vinh dự nhận danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc tiêu biểu toàn quốc” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng.

Bông hoa đẹp của ngành Y

Không chỉ là người có tay nghề chuyên môn vững vàng trong bệnh viện bởi thực hiện được nhiều yêu cầu chuyên môn cần kỹ thuật cao, kỹ thuật khó trong cấp cứu và điều trị bệnh nhi, thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn được biết đến là một phụ nữ đảm đang trong gia đình, bởi năm 2013 vừa qua gia đình chị được tôn vinh là 1 trong 10 gia đình tiêu biểu của ngành Y tế tỉnh Dak Lak.
Bác sĩ Minh chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng điều trị tại bệnh viện.
Bác sĩ Minh chăm sóc trẻ sinh non tháng điều trị tại bệnh viện.

Là Trưởng khoa tại một khoa có lưu lượng bệnh nhân lớn nhất bệnh viện, công việc thường ngày rất vất vả, bận rộn nhưng chị vẫn đến từng phòng bệnh kiểm tra, theo dõi tình hình tiến triển của người bệnh, nhắc nhở người nhà bệnh nhân chăm sóc người bệnh, đồng thời tư vấn về dinh dưỡng cho phụ huynh để giúp con em có sức khỏe tốt. Trong hoạt động chuyên môn, chị không ngừng tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào hoạt động chăm sóc, điều trị cho trẻ nhỏ như: kỹ thuật nuôi dưỡng sơ sinh non tháng, kỹ thuật thay máu cho trẻ vàng da nhân do bất đồng nhóm máu mẹ con, sử dụng CPAP… nhằm rút ngắn khoảng cách về trình độ khoa học kỹ thuật với tuyến trên, tạo điều kiện cho các bé không may mắc bệnh từ lúc lọt lòng được điều trị ngay tại địa phương. Chia sẻ về công việc điều trị, chăm sóc trẻ em của mình, chị cho biết: “Làm ở khoa nhi rất vất vả và nhiều áp lực. Có những hôm chúng tôi phải thức trắng đêm để theo dõi và thay máu cho trẻ bị vàng da do bất đồng nhóm máu mẹ con. Tuy có mệt mỏi nhưng thấy trẻ có dấu hiệu, phản ứng tốt, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để quyết tâm điều trị cho các bé thật hiệu quả. Hiện nay, tôi đang phát triển chuyên môn theo hướng điều trị chuyên sâu các bệnh mãn tính. Dự kiến trong năm nay, khoa Nhi tổng hợp sẽ triển khai áp dụng kỹ thuật thải sắt cho trẻ mắc bệnh thalassemia (hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh)...”.

Công việc chuyên môn chiếm phần lớn quỹ thời gian trong ngày, nhưng không vì thế mà bác sĩ Minh lơ là với tổ ấm của mình, nhất là khi 2 cậu con trai đang “tuổi ăn, tuổi lớn”. Chị kể: “Dù công việc có bận đến đâu, mỗi tối tôi đều giành thời gian kiểm tra cậu con trai lớn (13 tuổi) học bài, rồi nghe con nói chuyện về bạn bè và những gì con nhận định về cuộc sống… Với cậu con trai nhỏ (6 tuổi), tôi luôn lắng nghe con nói chuyện và giải thích những điều bé thắc mắc. Rồi, trước giờ đi ngủ hằng đêm, tôi đều kể chuyện cổ tích cho con nghe. Những ngày nghỉ cuối tuần, tôi lại làm những món ăn hơi mất thời gian một chút như đổ bánh xèo, nấu bún riêu… để cả nhà cùng sum họp và thưởng thức…”.

Có lẽ, với chị mỗi giây phút ấy đều là những giây phút hạnh phúc của chị bởi chị được gắn bó với công việc mình yêu thích và được ở bên cạnh những người mình thương yêu nhất.

 Dạy học bằng cả tấm lòng

Vượt qua trên 80 giáo viên bộ môn Toán đến từ 52 trường THPT và 13 trung tâm GDTX trong tỉnh, cô giáo Võ Thị Hồng Đa (Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Krông Ana) xuất sắc đoạt giải Nhì Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc THPT, GDTX cấp tỉnh năm học 2013-2014. Niềm vui vẫn còn đong đầy sau gần nửa tháng được vinh danh, cô khiêm tốn chia sẻ: “Mục tiêu của mình khi tham dự Hội thi là được công nhận giáo viên dạy giỏi, còn thành tích xuất sắc thì không dám nghĩ tới bởi so với nhiều đồng nghiệp, mình ít tuổi đời, tuổi nghề, lại công tác ở một trường học còn nhiều khó khăn”. Đây là lần thứ 2 cô Đa tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Ở lần thi trước cách đây 4 năm (tổ chức năm học 2010-2011), không đoạt giải. Nhưng cô không nản lòng mà vẫn đặt ra cho mình mục tiêu phải trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Điều này không vì “bệnh thành tích” mà là động lực để phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới giáo dục. Bởi theo cô, nếu bằng lòng với hiện tại đồng nghĩa với việc mình đang đi thụt lùi, mà điều này khó chấp nhận với những “kỹ sư tâm hồn”.

Đều đặn mỗi buổi chiều, cô Đa dạy phụ đạo cho học sinh lớp 12 để chuẩn bị thi tốt nghiệp.
Đều đặn mỗi buổi chiều, cô Đa dạy phụ đạo cho học sinh lớp 12 để chuẩn bị thi tốt nghiệp.
Câu chuyện của cô Đa “níu chân” tôi đến thăm Trường THPT Phạm Văn Đồng và đã được nghe nhiều câu chuyện thú vị về cô giáo trẻ dạy bộ môn Toán này. Có lẽ điều đặc biệt nhất của cô là cách tiếp cận với học trò: cá tính, sôi nổi, hài hước nhưng cũng rất tâm lý. Các tiết học của cô Đa không chỉ gói gọn trong bài học về những con số, những phương trình, hằng đẳng thức khô khan mà còn là những câu chuyện thú vị về cuộc sống, về những trải nghiệm của bản thân. Chính những ví dụ sinh động này mà học trò không cảm thấy “ngán” môn Toán. Cô Đa tự nhận mình không giỏi bằng nhiều đồng nghiệp, nhưng bù lại rất “say” công việc và sẵn lòng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp, học sinh khi cần thiết. Ngày càng có nhiều học trò tìm đến cô Đa, Tổ trưởng tổ bộ môn Toán - Lý - Tin học Trường THPT Phạm Văn Đồng để chuyện trò, nhờ giảng lại bài, định hướng chọn ngành nghề tương lai… Dẫu bận rộn với công việc chuyên môn, cáng đáng việc chăm sóc, nuôi dạy con khi chồng công tác xa, nhưng cô Đa luôn tự nhủ đó là hạnh phúc lớn nhất đối với mỗi nhà giáo khi học trò đặt trọn niềm tin yêu.

Một phụ  nữ Êđê vượt khó và năng động

Chị H’Chinh Êban (SN 1969, ở buôn Kram, xã Ea Tiêu, Cư Kuin) là chị cả trong gia đình có 5 người em, cha mẹ lần lượt qua đời khi chị còn rất nhỏ. Không thể kể hết những vất vả mà chị đã trải qua khi phải thay cha mẹ nuôi các em ăn học. Năm 2009, được Hội Phụ nữ xã quan tâm, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi dành cho phụ nữ nghèo, chị đầu tư vào nuôi heo, nuôi bò và chăm sóc vườn cà phê. Từ đó kinh tế gia đình chị dần ổn định: trong nhà đàn heo đã hơn chục con, mỗi năm thu về trên 1 tấn cà phê nhân. Cứ thế, chị dần tích góp mua thêm đất vườn, cần mẫn, tảo tần lo cho các em ăn học thành đạt. Đến nay các em của chị đều thành đạt, công tác trong lực lượng vũ trang, ngành y tế, giáo dục.
Chị H’Chinh Êban chăm sóc sức khỏe cho bà con trong buôn.
Chị H’Chinh Êban chăm sóc sức khỏe cho bà con trong buôn.

Trong những ngày tháng thay cha mẹ chăm sóc các em, chị vừa chăm lo phát triển kinh tế, vừa tham gia học lớp điều dưỡng tại Trường Trung cấp y tế tỉnh. Khi cuộc sống các em ổn định, năm 2000 chị quyết định mở dịch vụ y tế về chăm sóc sức khỏe tại nhà; riêng đối với người nghèo trong buôn chị khám chữa bệnh, tư vấn miễn phí. Ngoài mở dịch vụ y tế chị vẫn duy trì phát triển kinh tế chăm sóc 3 ha cà phê, 2 sào ruộng, nuôi 9 con heo thịt, 3 con heo nái… Mỗi năm tổng thu nhập của chị được gần 400 triệu đồng.

Ngoài phát triển kinh tế, chị còn là người phụ nữ mẫu mực trong giáo dục con cái. Hai đứa con của chị (1 trai, 1 gái) luôn chăm ngoan, học giỏi, vâng lời cha mẹ. Bản thân và gia đình chị luôn chấp hành tốt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều năm liền gia đình chị đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; chị nhiều lần được tham dự hội nghị biểu dương các nhân tố điển hình về phát triển kinh tế các cấp. Chị tâm sự: “Để có được như ngày hôm nay, bản thân mình luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời mình cũng tích cực tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên đề để tiếp thu những cái hay, từ đó áp dụng vào cuộc sống, phát triển kinh tế của gia đình…”.

Với tấm lòng “thương người như thể thương thân”, chị thường xuyên giúp đỡ những gia đình khó khăn, tạo việc làm cho chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình; tích cực đóng góp, ủng hộ cho các phong trào hoạt động của địa phương như: đóng góp Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ bão lụt, hỗ trợ kinh phí cho Hội Phụ nữ cơ sở hoạt động từ 5-10 triệu đồng/năm. Nhiều năm liền chị được bầu chọn là cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… Chị H’Juel Knul, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ buôn Kram nhận xét: “Chị H’Chinh Êban là hội viên tích cực tham gia các phong trào hoạt động Hội. Chị rất năng động trong phát triển kinh tế, giúp hội viên và các gia đình nghèo trong buôn. Ngoài phát triển kinh tế, chị H’Chinh còn khám bệnh cho mọi người trong buôn, chị ấy xứng đáng là tấm gương vượt khó vươn lên để chị em hội viên hội phụ nữ noi theo…”.

Nữ trưởng buôn tận tâm với công việc

Với mong muốn giúp chị em trong buôn thoát khỏi đói nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, từ khi còn làm chi hội phó chi hội phụ nữ, cộng tác viên dân số, cộng tác viên y tế buôn, tổ trưởng tổ vay vốn cho đến nay chị H’Mít Hmok, trưởng buôn H’Drát (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) luôn nỗ lực làm tốt công việc được giao.
Chị H’Mít chăm sóc vườn cà phê của gia đình.
Chị H’Mít chăm sóc vườn cà phê của gia đình.

Nhanh nhẹn, nhiệt tình, biết chữ lại nói thạo tiếng phổ thông, chị không quản ngại đi xuống từng hộ trong buôn nắm bắt tình hình đời sống của người dân, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động những thanh thiếu niên cá biệt, các đối tượng gây rối. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên mọi việc gặp rất nhiều khó khăn. Không ngại khó, ngại khổ, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng sinh hoạt Hội, kỹ năng tuyên truyền, vận động. Buôn H’Drat có 130 hộ, 542 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 83%, số hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều mà nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng quan niệm đẻ nhiều, đẻ dày, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Vì vậy, ngoài việc phân tích, thuyết phục các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chị còn tìm đến các cộng tác viên dân số lâu năm để trao đổi, học hỏi, tìm ra cách thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Trong các buổi sinh hoạt Hội, chị tranh thủ lồng ghép tuyên truyền về công tác dân số. Với cách làm “mưa dầm thấm lâu”, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã nhận thức được lợi ích của việc kế hoạch hóa gia đình, chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và chỉ sinh 2 con.

Bên cạnh đó, tranh thủ những khi rảnh rỗi, chị cùng chồng canh tác 2 ha cà phê, hoa màu, chăn nuôi thêm bò, dê cải thiện cuộc sống, tạo dựng tương lai cho các con và tích lũy kinh nghiệm sản xuất để truyền đạt, hướng dẫn cho bà con áp dụng. Giờ đây, các hộ trong buôn không chỉ biết đến cây lúa, cà phê mà còn phát triển chăn nuôi bò, dê kiếm thêm thu nhập nên số hộ nghèo của buôn chỉ còn 11 hộ. Bận rộn là vậy nhưng chị vẫn sắp xếp mọi việc thật hợp lý để có thể chăm lo chu toàn bữa cơm, giấc ngủ của chồng, con và người mẹ già đã 79 tuổi. Chị Trịnh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ea Kao nhận xét: Bằng sự năng động, nhiệt tình, chịu thương, chịu khó của mình, chị H’Mít không chỉ là một cán bộ cơ sở được người dân yêu mến, tín nhiệm mà còn thực sự xứng đáng với danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Trung Dũng - Kim Oanh - Nguyên Hoa - Mỹ Hằng - Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc