Multimedia Đọc Báo in

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo: Hành trình duy trì sự sống đầy nhọc nhằn

14:51, 06/04/2014

Những bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải sống chung với máy móc suốt cuộc đời và gắn bó với bệnh viện như một ngôi nhà thứ hai. Với họ, duy trì sự sống là một hành trình đầy nhọc nhằn…

Suốt 5 năm nay, đều đặn một tuần hai lần, bà H’Riệp Ông (49 tuổi), trú tại xã Dak Liêng (huyện Lak) phải bắt xe buýt đi gần 80km đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện lọc máu nhân tạo. Trước đó, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa có máy chạy thận nhân tạo, bà H’Riệp phải đến tận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để điều trị. Nhà nghèo lại đông con, kinh tế chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nước, bình thường đã khó khăn, thiếu thốn, nay cộng thêm những khoản phí chữa bệnh đã khiến gia đình bà luôn trong tình trạng túng bấn. Sau khi chuyển về Dak Lak điều trị, được Bảo hiểm Y tế chi trả một phần, bà H’Riệp chỉ phải bỏ ra thêm 500.000 đồng mỗi tháng song khoản tiền này vẫn là một gánh nặng không nhỏ đối với những người không còn khả năng lao động như bà. Ông Phạm Đình Tự (hơn 70 tuổi), ở xã Dlei Ya (huyện Krông Năng) cũng đã phải chạy thận nhân tạo hơn hai năm nay. Vì tuổi cao, sức yếu, lại ở cách xa trung tâm tỉnh, nên hằng tuần ông phải nhờ các con thay phiên chở đến bệnh viện để lọc máu định kỳ. Việc chạy thận phải duy trì thường xuyên, không được gián đoạn nên dù trời mưa hay nắng, gió hay bão, ông Tự vẫn phải đến bệnh viện chạy thận để duy trì sự sống.
 
Bà H’Riệp Ông đang được lọc máu định kỳ tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bà H’Riệp Ông đang được lọc máu định kỳ tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hầu hết bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều thuộc diện hộ nghèo ở các huyện chuyển tuyến lên. Không còn khả năng lao động bình thường, lại phải điều trị suốt đời với những khoản chi phí cố định, bệnh nhân nào cũng có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Thị Thủy Tiên, khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Muốn kéo dài sự sống, bệnh nhân suy thận phải được lọc máu máu từ 2-3 lần/tuần. Chi phí cho mỗi lần lọc máu khoảng 500.000 đồng. Rất may là các bệnh nhân chạy thận đều có thẻ Bảo hiểm Y tế nên gánh nặng về kinh tế đã bớt đi rất nhiều; song do phải điều trị lâu năm nên đối với những gia đình nghèo thì đây vẫn là một khoản tiền không nhỏ”.

Hiện tại Phòng chạy thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức tích cực và chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 13 máy chạy thận, đang thực hiện điều trị cho 80 bệnh nhân. Mặc dù số lượng máy chạy thận đã tăng từ 8 máy năm 2012 lên 13 máy năm 2013 nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Các y, bác sĩ ở đây cho biết: con số bệnh nhân suy thận cần được điều trị lên tới hơn 200 người nhưng bệnh viện hiện chỉ có thể phục vụ cho 1/3 trong số đó. Những bệnh nhân còn lại sẽ phải chuyển đến các bệnh viện tuyến trên để điều trị. Điều này khiến cho người bệnh gặp phải rất nhiều khó khăn, ngay cả với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Với chi phí gần chục triệu đồng mỗi tháng cho việc chạy thận ở các bệnh viện tuyến trên, nhiều người bệnh đã phải “đầu hàng”, đành bỏ dở việc điều trị dù biết rằng cuộc sống sẽ chẳng kéo dài được lâu…

Thu Huế - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.