Chia sẻ để giữ "ngọn lửa" trong gia đình trẻ
Có không ít người thành đạt trong công việc, giữ vị trí cao được nhiều người nể phục nhưng khi trở về nhà, họ lại không thể chia sẻ, tâm sự được với vợ (chồng) về những khó khăn, áp lực trong công việc. Có người thì vì lòng tự trọng quá cao, sợ vợ (chồng) đánh giá mình thấp kém; lại có người nói hay, nói giỏi với người ngoài, nhưng với vợ (chồng) thì lại “không biết nói chuyện gì”, thậm chí lỡ miệng phát ngôn ra lời cộc cằn, thô lỗ. Cũng có người khi tâm sự, chia sẻ với vợ (chồng) thì nhận được sự đáp lại không như mong muốn, đó là thái độ thờ ơ hoặc lại “đổ thêm dầu vào lửa” nên từ đó ngại chia sẻ, tâm sự. Lại có trường hợp chỉ “thể hiện” với xã hội, với quần chúng: ga lăng, lịch sự, chu đáo, giữ hình ảnh “đẹp”… nhưng về nhà thì lộ rõ là một người thiếu trách nhiệm, phó mặc cho vợ (chồng) lo toan cho cuộc sống gia đình, làm việc nhà, chăm sóc con cái, còn bản thân lại vận vào câu tục ngữ “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Thế nên, tình trạng chán vợ (chồng) và nảy sinh tình cảm với đối tác, đồng nghiệp… có nguy cơ lan rộng, khi mà quan niệm về tính chung thủy trong hôn nhân ngày càng “thoáng”. Họ đâu biết rằng, “người ấy” khi về nhà, “nhìn” cũng chán như vợ (chồng) của mình mà thôi.
Biết cách chia sẻ là cả một nghệ thuật. Chia sẻ không có nghĩa là đem tất cả chuyện cơ quan, chuyện công việc về nhà để kể, bình luận về đồng nghiệp, đánh giá về cấp trên, cấp dưới. Chia sẻ không có nghĩa là khi vợ (chồng) đang bận rộn với nhà cửa, con cái, đang gặp vướng mắc việc cơ quan, mình cứ đem chuyện của mình ra để giải tỏa stress. Chia sẻ không có nghĩa là làm thay vai trò của người vợ (chồng) trong gia đình. Nói những gì, nói như thế nào, nói vào khi nào? Làm việc nhà ra sao, ai làm việc gì? Quan tâm, chăm sóc vợ (chồng) như thế nào cho đúng lúc, đúng cách… là cả một quá trình học hỏi, đúc rút kinh nghiệm trên tinh thần cầu thị và lòng chân thành.
Cuộc sống ngày càng nhiều bận rộn, lo toan, thời gian ở nhà và thời gian dành cho gia đình ngày càng ít đi. Thế nhưng, gia đình là điểm tựa vô cùng quan trọng của mỗi người. Lúc thăng tiến, ăn nên làm ra, có rất nhiều bạn bè, chiến hữu xung quanh. Khi đau ốm, lúc hoạn nạn, gia đình ở bên cạnh. Vợ (chồng) ngoài chữ tình, còn có chữ nghĩa song hành. Vậy nên, chúng ta hãy thắp và giữ mãi ngọn lửa để xây dựng một gia đình đầm ấm, nhất là các bạn trẻ, đừng để cuộc hôn nhân nguội lạnh mới lo nhóm lửa.
Nguyễn Miêu
Ý kiến bạn đọc