Khi vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy
Bằng uy tín, trách nhiệm, sự nhiệt tình, năng nổ của mình, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò “cầu nối” ý Đảng - lòng dân, góp phần vào sự ổn định, phát triển của buôn làng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Toàn tỉnh hiện có 1,8 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm tỷ lệ trên 33%, sống xen ghép ở 184 xã, phường, thị trấn. Tuy điều kiện kinh tế - xã hội của 608 buôn ĐBDTTS ngày càng phát triển, đời sống bà con được cải thiện rõ rệt, nhưng tỷ lệ hộ DTTS nghèo vẫn còn cao, chiếm trên 61% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (tính theo thời điểm năm 2013). Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh luôn ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng vùng ĐBDTTS phát triển toàn diện, ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một trong những giải pháp đó là việc triển khai thực hiện Quyết định 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong ĐBDTTS. Năm 2013, trên cơ sở kết quả bình xét, đề nghị của các địa phương, UBND tỉnh đã có quyết định số 1103/QĐ-UBND công nhận chính thức 999 người có uy tín trong ĐBDTTS. Kể từ khi được công nhận danh hiệu nói trên, những người có uy tín đã ra sức phát huy vai trò “đầu tàu” tại buôn làng, trở thành những tấm gương tích cực trong việc chấp hành cũng như tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Người có uy tín trong ĐBDTTS đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển ổn định của buôn làng. Trong ảnh: Ông Y Siu Byă, Trưởng buôn M’Duk thăm hỏi, nắm bắt tình hình đời sống người dân trong buôn. |
Gần 10 năm làm Trưởng buôn M’Duk (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) và Chủ tịch Hội đồng già làng phường, có nhiều đóng góp cho buôn làng, ông Y Siu Byă được bà con tín nhiệm bầu chọn là người có uy tín. Buôn M’Duk có 906 hộ với 3.000 khẩu, gồm 12 dân tộc sinh sống trên địa bàn rộng 674 ha (bằng ½ diện tích toàn phường). Để tập hợp bà con cùng xây dựng mối đại đoàn kết, gắn bó vì sự phát triển chung của buôn đòi hỏi sự nỗ lực của cấp ủy, ban tự quản, nhất là vai trò của người đứng đầu buôn. Xác định rõ điều đó, trong các công việc chung của buôn, ông Y Siu luôn gương mẫu đi đầu từ đóng góp các khoản thuế, phí, ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ phòng chống lũ lụt đến công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình văn hóa… Để kịp thời nắm bắt tình hình đời sống bà con, ông cùng cấp ủy, ban tự quản và các đoàn thể duy trì đều đặn họp giao ban hằng tháng với nhóm trưởng 25 nhóm liên gia, cùng trao đổi những khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề ra cách giải quyết. Đối với những vụ việc phức tạp, ông cùng các thành viên của Hội đồng già làng tổ chức họp riêng nhóm liên gia để tuyên truyền và trực tiếp vận động từng đối tượng cá biệt nên tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao. Nhờ vậy, cứ mỗi khi trong buôn xảy ra tình trạng xích mích, tranh cãi, thanh niên rượu chè bê tha... nhờ tiếng nói và uy tín của già Y Siu, nhiều vụ việc đã được giải quyết một cách tốt đẹp, thấu đáo. Trong phát triển kinh tế, ông chú trọng khuyến khích bà con áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sử dụng các giống mới, gieo trồng đúng lịch thời vụ, phát triển chăn nuôi tăng thu nhập; đồng thời vận động các mạnh thường quân, các tổ chức tôn giáo tặng quà và hỗ trợ làm 4 căn nhà cho hộ nghèo trong buôn. Nhờ vậy, đời sống của bà con buôn M’Duk ngày càng ổn định, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và các khoản đóng góp đều hoàn thành vượt chỉ tiêu, số hộ nghèo giảm qua từng năm và hiện chỉ còn 71 hộ; buôn giữ vững danh hiệu buôn văn hóa 3 năm liền (2011-2013).
Ông Y Siu Byă chỉ là một trong số 999 tấm gương người có uy tín trong ĐBDTTS của tỉnh. Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, tuy những người có uy tín đã được bầu chọn thuộc nhiều thành phần, dân tộc khác nhau, nhưng bằng chính trách nhiệm, lòng nhiệt tình, sự am hiểu phong tục tập quán bản địa và sự tín nhiệm của cộng đồng dân cư, họ đã trở thành chỗ dựa tinh thần khá vững chắc đối với đồng bào. Không chỉ là những tuyên truyền viên đắc lực trong việc chuyển tải hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư, họ còn tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thời gian qua, người có uy tín đã tích cực phối hợp với cấp ủy, ban tự quản vận động nhân dân thực hiện, chấp hành những quy ước, hương ước của thôn, buôn. Nhờ đó, nhiều hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, bà con đã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, áp dụng các biện pháp trong việc kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, người có uy tín cũng đã cung cấp cho cơ quan chức năng nhiều nguồn tin liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại thôn, buôn và tham gia có hiệu quả trong công tác bảo vệ, giữ vững ổn định tình hình an ninh biên giới.
Có thể nói, thông qua việc phát huy vai trò của người có uy tín trong ĐBDTTS đã tạo ra được những “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với người dân. Những đóng góp thiết thực của họ đã góp phần không nhỏ trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết, triển khai và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của buôn làng.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc