Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo về ngôn ngữ giao tiếp của một bộ phận giới trẻ hiện nay

08:12, 20/04/2014
Cùng với sự phát triển, tiến bộ của xã hội và sự du nhập của văn hóa phương Tây, các bạn trẻ đang suy nghĩ và hành động thoáng hơn, thoải mái hơn.
 
Điều đáng nói là sự “thoáng” ấy còn được thể hiện ngay trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của một bộ phận giới trẻ. Hệ quả là sự trong sáng của tiếng Việt đang dần bị một bộ phận giới trẻ làm méo mó, biến dạng bằng cách sử dụng những từ ngữ thiếu văn hóa, những câu nói tục tĩu, những lời chửi tục, nói thề hay pha trộn giữa các ngôn ngữ với nhau, tự sáng tạo các ký hiệu kỳ quặc và truyền nhau cùng sử dụng.

Việc chửi tục, nói bậy, sử dụng ngôn từ khiếm nhã khiến một số bạn trẻ tự biến mình thành những người thiếu văn hóa. Họ có thể chửi tục, nói thề mọi lúc, mọi nơi và cho đó là sành điệu, phong cách và thể hiện cá tính của mình. Không ít các bạn trẻ có những phát ngôn khiến người lớn, những người bên cạnh phải giật mình, e ngại và đỏ mặt vì sự thô tục, thiếu văn hóa. Không chỉ sử dụng trong khi giao tiếp hằng ngày mà trên nhiều blog, trang Facebook, diễn đàn… các câu chửi tục, nói thề, những lời lẽ thiếu văn hóa cũng được các bạn trẻ viết lên, thậm chí nhiều bạn trẻ còn chửi ông bà, cha mẹ, những người thân và cả bạn bè của mình một cách công khai, thể hiện đạo đức, lối sống đang xuống cấp trầm trọng.

 Bên cạnh đó, việc sử dụng ngôn ngữ khó hiểu, những ký hiệu toán học, ký hiệu riêng, sử dụng con số thay cho chữ được các bạn trẻ sử dụng để giao tiếp với nhau hằng ngày thông qua tin nhắn điện thoại hay viết trên các trang cá nhân, các trang mạng xã hội nhằm mục đích thể hiện sự “sáng tạo”, “Teen”, sành điệu, gọn nhẹ và hơn hết đó là tránh sự kiểm soát của người lớn. Ví dụ như: “Hum nj la 14-2 đéy pà kon ạ, đư pợn neo đwc tưng hoa kua? Ko 1 fan tưng hoa jo min nen thay zui zui” (Hôm nay là 14 – 2 đó bà con ạ, đã bạn nào được tặng hoa chưa? Có 1 người hâm mộ tặng hoa cho mình nên thấy vui vui); “Th3 l4 k4u h3m pik ro4j, hjhj” (Thế là cậu không biết rồi, hihi)... Các câu từ này không còn là ngôn ngữ mà nó trở thành những tập hợp ký hiệu mà nhiều người lớn nhìn vào có thể dịch không ra, không hiểu khiến cho các bạn trẻ thích thú. Tuy nhiên, các bạn trẻ không thể lường trước những tác hại mà chúng mang lại: việc sử dụng lâu ngày các ký hiệu này có thể dẫn đến những thói quen khó bỏ, ảnh hưởng đến việc học tập, công việc khi sử dụng ngôn ngữ viết.

Nhiều thanh thiếu nhi còn rất thích thú với việc pha trộn ngôn ngữ tây – ta lẫn lộn. Ví dụ như: “Siêu sao” – Superstar; “Vụ bê bối” – Scandal; “Phong cách” – Style; “Thực đơn” – Menu; “Lối ra” - Exit… Không ít bạn trẻ còn “sáng tạo” hơn rất nhiều khi sử dụng pha trộn và ghép từ giữa ngôn ngữ tây và ta, như: “No stars where” = “Không sao đâu”; “Ugly tiger” = “Xấu hổ”; “Scandal của superstar” = “Vụ bê bối của các ngôi sao”… Những từ ngữ này ngày càng trở nên thông dụng, được nhiều bạn trẻ ưa chuộng, sử dụng rộng rãi và hậu quả là đang làm mất dần đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Xu hướng phát triển của xã hội, sự đổi mới, sự hội nhập, ảnh hưởng của các trào lưu, sự phát triển của Internet… cùng với sự nhạy bén của lứa tuổi, muốn thể hiện mình, muốn khám phá, muốn khẳng định bản thân… tất cả đang cuốn các bạn trẻ thay đổi ngôn ngữ giao tiếp của mình theo chiều hướng tiêu cực, theo ý thức của cá nhân. Việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt đang là nhiệm vụ cấp bách không chỉ của một tổ chức, cá nhân nào mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Nguyễn Mai


Ý kiến bạn đọc