Multimedia Đọc Báo in

Trạm y tế xã Ea Phê: Nỗ lực đưa y học cổ truyền vào khám chữa bệnh cho người dân

08:14, 20/04/2014

Những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng tây y, công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở Trạm y tế xã Ea Phê (huyện Krông Pak) cũng được đẩy mạnh, góp phần đáng kể vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trong xã.

Từng biết đến nhiều cây thuốc nam từ thủa nhỏ, khi mỗi lần đau ốm luôn được mẹ dùng cây cỏ quanh vườn nhà làm thuốc chữa bệnh, sau này lại bén duyên với nghề y, tiếp cận với nhiều bài thuốc đông y đơn giản mà công hiệu, y sĩ Bùi Văn Việt, Trạm trưởng Trạm y tế xã Ea Phê càng hiểu rõ hơn tác dụng to lớn của cây thuốc nam đối với sức khỏe con người. Vì thế anh luôn tâm niệm một điều phải làm cho người dân trong vùng hiểu về giá trị của cây thuốc và sử dụng nó để chữa bệnh, bởi đây là phương pháp chữa bệnh dễ thực hiện mà hiệu quả cũng không kém gì thuốc tây và đặc biệt chi phí lại rẻ hơn nhiều - một yếu tố rất phù hợp với kinh tế của nhiều gia đình trong vùng. Nghĩ là làm, để có cây thuốc giới thiệu cho người dân, anh đã cùng với các nhân viên của trạm xây dựng vườn thuốc nam mẫu trên một phần diện tích sân rộng phía trước trạm với hơn 70 cây thuốc các loại, trong đó có những cây thuốc đặc trưng ở địa phương. Việc duy trì được vườn thuốc mẫu tươi tốt quanh năm chính là cơ sở để Trạm y tế xã Ea Phê đưa y học cổ truyền đến với người dân thông qua tuyên truyền, giới thiệu cây thuốc và tác dụng chữa bệnh của mỗi loại cây. “Mưa dầm thấm lâu”, bằng nhiều biện pháp như: hướng dẫn về cây thuốc nam cho người bệnh đến khám chữa bệnh tại trạm; tuyên truyền qua đội ngũ các cộng tác viên y học cổ truyền trong cộng đồng, thậm chí tuyên truyền qua những người bệnh đã được chữa khỏi bằng phương pháp y học cổ truyền…, dần dần các cán bộ, nhân viên của trạm đã khiến người dân tin tưởng vào phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền, từ đó, việc tìm hiểu, trồng và bảo tồn cây thuốc đã được nhân rộng trên địa bàn. Đến nay, ngoài vườn thuốc nam mẫu của trạm, cả xã còn hình thành 6 vườn thuốc nhỏ tại các cụm thôn, buôn. Không những thế, nhiều gia đình trong vùng còn trồng những cụm cây thuốc cần thiết ngay trong vườn nhà để chữa các bệnh thông thường theo phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn, điều trị tại chỗ”. Và cũng nhờ vậy, các bài thuốc đông y dần dần được ứng dụng rộng rãi trong nhân dân.

Dù đang là mùa khô nhưng vườn thuốc nam của Trạm y tế xã Ea Phê  vẫn xanh tốt với hơn 70 loại cây thuốc.
Dù đang là mùa khô nhưng vườn thuốc nam của Trạm y tế xã Ea Phê vẫn xanh tốt với hơn 70 loại cây thuốc.
Song song với việc xây dựng vườn thuốc mẫu, cung cấp kiến thức cơ bản về cây thuốc cho người dân, Trạm y tế xã Ea Phê còn nỗ lực xây dựng Phòng chẩn trị y học cổ truyền nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bằng đông y của nhân dân trên địa bàn. Mặc dù trong định biên không có nhân lực về y học cổ truyền, nhưng trạm đã mạnh dạn hợp đồng với lương y (nay là y sĩ y học cổ truyền) để đưa phòng chẩn trị đi vào hoạt động và đã điều trị thành công nhiều ca bệnh, qua đó khẳng định khả năng chuyên môn của phòng chẩn trị và củng cố thêm lòng tin của nhân dân với y học cổ truyền. Nhờ vậy, những năm gần đây số người đến khám và điều trị bằng y học cổ truyền ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 2013 trạm tiếp nhận hơn 2.500 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền, gần 3.800 lượt bệnh nhân khám và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Y sĩ Bùi Văn Việt bộc bạch: có được thành công như ngày hôm nay thật khó hình dung những ngày đầu xây dựng phòng chẩn trị y học cổ truyền từ con số không tròn trĩnh, không có thuốc, không có con người và cũng chẳng có bệnh nhân. Đến bây giờ, nhu cầu khám, chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền đang được nhiều người mắc các bệnh mãn tính, như: viêm khớp, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, tai biến liệt nửa người… trên địa bàn lựa chọn để điều trị. Mặc dù tốn nhiều thời gian nhưng với hiệu quả không thua kém gì so với điều trị tây y, lại ít tác dụng phụ, chi phí điều trị thấp nên phương pháp điều trị này ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Có lẽ, đó là điều mà anh em trong trạm chúng tôi thấy vui nhất”.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Trạm là nhân lực y học cổ truyền không có trong định biên nên việc duy trì hoạt động này cũng có những hạn chế nhất định. Y sĩ y học cổ truyền Hoàng Thị Bích Ly, người ký hợp đồng làm công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền với Trạm tâm sự: “Tôi làm việc tại trạm cũng đã gần 4 năm rồi nhưng chỉ là nhân viên hợp đồng, thu nhập phụ thuộc vào lượng bệnh đến khám và điều trị theo y học cổ truyền, ngoài ra không được hưởng bất cứ một chế độ nào khác nên lương mỗi tháng không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cho bản thân. Về lâu dài, nếu không được vào biên chế để có sự ổn định trong công việc chắc tôi cũng phải tìm cho mình một nơi khác phù hợp hơn để làm việc…”. Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành chức năng cần có một chính sách cụ thể hơn để giúp Trạm y tế xã Ea Phê cũng như nhiều trạm y tế khác trên địa bàn duy trì được hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền phục vụ nhân dân.

Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc