Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng mất vệ sinh thức ăn đường phố (Kỳ I)

13:53, 26/05/2014

Trong thời buổi công nghiệp hóa, sự phát triển nhanh chóng của loại hình kinh doanh thực phẩm thức ăn đường phố là một nhu cầu tất yếu của xã hội, bởi nó không chỉ đem lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng mà còn là nét văn hóa ẩm thực của từng vùng miền. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện này là những mối nguy hại về sức khỏe của người sử dụng nói riêng và cộng đồng nói chung từ việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Kỳ I: Ẩn họa khôn lường  từ thức ăn đường phố

Hiện nay, đa số người kinh doanh thức ăn đường phố vẫn xem nhẹ vấn đề VSATTP, chưa tuân thủ đúng quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, kéo theo loại hình ẩm thực tiện lợi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Tạm bợ, mất vệ sinh

Dạo một vòng quanh khu vực bán hàng ăn sẵn ở chợ Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột), điều dễ nhận thấy là hầu như hàng quán nào cũng không thực hiện đúng quy định về VSATTP. Tại quầy bán bánh cuốn, mọi công đoạn từ việc tráng bánh, cuốn bánh, lấy bánh, rau cho khách, dọn chén, đĩa… đều được chị chủ quán thực hiện bằng tay trần. Thậm chí, cũng bàn tay dính đầy dầu mỡ đang cuốn bánh, chị chủ quán sẵn sàng cầm tiền khách đưa hoặc thối lại tiếp tục tráng, cuốn bánh. Khay bánh cuốn mới “ra lò” cùng tô nhân bánh thay vì để trong tủ kính tránh bụi bặm thì chúng lại được đặt hớ hênh trên mặt bàn, giữa đường qua lối lại, không một vật che đậy. Lý giải về việc thức ăn không cần để trong tủ kính, chị bán hàng cho rằng: “quán nhỏ, bánh làm ra đến đâu bán hết đến đó nên không để trong tủ kính mà bày ra như vậy cho tiện”. Với quán bán bún, phở, hủ tiếu bên cạnh, vấn đề ATVSTP cũng không khá hơn là bao. Toàn bộ thức ăn như: bún, phở, hủ tiếu, xương, thịt, giò… đã nấu chín đều để phơi giữa gió, bụi. Do khách đông, để kịp phục vụ, chiếc khăn dùng để lau bát, đũa sạch được chủ quán tiện tay lau luôn mặt bàn. Đã vậy, hàng chục chiếc tô, đĩa cùng với đũa, thìa khi khách hàng dùng xong chỉ được xử lý qua hai thùng nước “chuyên dụng”: một thùng để rửa và một thùng để tráng… Thêm vào đó, khi hết rau sống, bà chủ chỉ việc cầm rổ sang hàng rau là có ngay rau bào sẵn mang về bỏ ra đĩa phục vụ khách, chẳng cần rửa lại. Khách hàng nào có ý kiến, bà chủ giải thích ngay: “Rau này bào xong người ta rửa sẵn rồi, nếu cứ rửa đi rửa lại rau dập nhìn mất ngon ngay!”.

Tuy đem lại tiện lợi cho người tiêu dùng nhưng các quầy hàng kinh doanh ăn uống đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.                   Ảnh: Hoàng Gia
Tuy đem lại tiện lợi cho người tiêu dùng nhưng các quầy hàng kinh doanh ăn uống đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Hoàng Gia

Không chỉ tập trung ở các chợ trên địa bàn, hầu như con đường nào của TP. Buôn Ma Thuột cũng có sự hiện diện của thức ăn đường phố, từ những quán ăn bình dân trên vỉa hè đến những xe hàng ăn di động. Mục sở thị một quán bún nằm trên vỉa hè trên đường Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột), chúng tôi không khỏi rùng mình bởi sự mất vệ sinh ở đây: quán nằm ngay cạnh rãnh nước thải đen ngòm; thực phẩm chín bày tràn lan trên bàn, “vô tư” hứng gió, bụi và khói xe chạy trên đường; tô, chén khách dùng xong bày la liệt trên lề đường và cạnh đó là những chậu nước rửa bát đã ngả màu “lờ lờ nước hến”; đặc biệt, cả chủ quán lẫn người chạy bàn vẫn điềm nhiên dùng tay trần bốc bún, rau cho thực khách…

Người bán thiếu kiến thức, thực khách thì “dễ dãi”

Điều kiện vệ sinh kém là điều dễ nhận thấy ở hầu hết những nơi kinh doanh thức ăn đường phố, song một vấn đề đáng quan tâm hơn là “lỗ hổng” kiến thức VSATTP của những người kinh doanh loại hình này. Theo Điều 8, Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý thức ăn đường phố quy định: “Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn về VSATTP và có giấy xác nhận; phải được khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe; người mắc các bệnh truyền nhiễm không được tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm; nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có đủ nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh…”. Tuy nhiên, có lẽ không có cơ sở, điểm bán thức ăn đường phố nào trên địa bàn bảo đảm đúng quy định. Thậm chí, khi được hỏi về các quy định này, nhiều chủ quán còn tỏ ra “ngơ ngác”. Chủ một hàng bún trên đường Lý Thường Kiệt (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Những quy định đó giành cho các nhà hàng, quán ăn lớn thực hiện, chứ ngồi trên vỉa hè bán nồi bún cho mọi người ăn sáng như tôi thì tính làm gì”.

Chuối chiên, bột chiên  bày bán trên  đường phố không được che đậy, bao gói.
Chuối chiên, bột chiên bày bán trên đường phố không được che đậy, bao gói.

Trong khi ý thức của người kinh doanh còn hạn chế thì người tiêu dùng lại tỏ ra “dễ dãi”, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sao cho an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Chị Quyên ở phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột cho biết): “Buổi trưa, tôi và đồng nghiệp thường rủ nhau đi ăn cơm tấm ở quán vỉa hè trên đường Lê Thánh Tông, vừa gần cơ quan mà giá cả cũng hợp túi tiền. Ăn ở đó thấy cũng ngon, nhưng thỉnh thoảng cũng thấy lo vì không biết người ta làm có hợp vệ sinh không?!”. Còn chị Phương ở Phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) lại cho rằng: “Nếu đòi hỏi hợp vệ sinh thì chỉ có ở nhà tự chế biến, chứ đã đi ăn ở hàng, quán bên ngoài, nhất là quán ăn vỉa hè thì chỉ cần hợp khẩu vị của mình là được, còn vấn đề vệ sinh thì phải chấp nhận “khuất mắt, cho qua”.

Có thể thấy, chuyện ngộ độc do ăn thức ăn đường phố nhiễm khuẩn không còn là nguy cơ, mà trên thực tế đã thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, do mức độ ngộ độc thường ít nghiêm trọng và chủ yếu những ca lẻ tẻ, nên người dân chưa thấy tác hại của nó đối với sức khỏe.

(Còn nữa)

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc