Multimedia Đọc Báo in

Công tác bảo đảm An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ: Vẫn còn nhiều "lỗ hổng" (Kỳ II)

09:22, 17/05/2014

Kỳ II: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Chủ sử dụng lao động chưa thực sự “mặn mà” với công tác bảo đảm An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN), trong khi ý thức của người lao động còn hạn chế, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn lao động đã tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn. Và đối tượng chịu thiệt thòi trực tiếp không ai khác chính là doanh nghiệp và người lao động.

Ý thức tự giác kém

Hằng năm, vào đợt cao điểm diễn ra Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN, các bộ, ngành, địa phương đều tập trung chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về ATVSLĐ và các chế độ bảo hộ lao động. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc, nhằm góp phần thay đổi nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp và người lao động dường như vẫn đứng ngoài cuộc.

Mặc dù đã được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân nhưng nhiều công nhân Công ty Cổ phần Chế biến gỗ cao su Dak Lak không sử dụng đầy đủ trong quá trình làm việc.
Mặc dù đã được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân nhưng nhiều công nhân Công ty Cổ phần Chế biến gỗ cao su Dak Lak không sử dụng đầy đủ trong quá trình làm việc.

Có mặt tại khu vực sản xuất của Công ty Cổ phần chế biến gỗ cao su Dak Lak (xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar), chúng tôi nhận thấy môi trường làm việc ở đây có nhiều tiếng ồn, rung và khá nhiều bụi. Mặc dù vậy, nhiều công nhân vẫn không đeo bao tay, khẩu trang và nút tai chống ồn, một số thì đi cả dép lê trong khi làm việc. Khi được hỏi về việc sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc, chị N.T.T, công nhân tổ bào thuộc khu tinh chế gỗ cho hay: Hằng năm, Công ty đều trang bị bảo hộ lao động gồm quần áo, giày, mũ, khẩu trang, găng tay cho công nhân nhưng một số người cảm thấy gò bó, khó chịu khi sử dụng nên đã… cất ở nhà. Riêng nút tai chồng ồn cũng đã được cấp, nhưng không ai đeo vì rất lùng bùng, vướng và nóng. Để chống ồn, nhiều công nhân đã dùng bông nhét vào 2 bên tai, một số khác thì cứ để vậy, lâu ngày thành quen. Dẫu biết như thế sẽ không bảo vệ được sức khỏe và dễ gây ra các bệnh nghề nghiệp, nhưng miễn là tiện lợi, dễ chịu trong khi làm việc. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, Công ty có 5 loại máy móc, thiết bị gồm 1 nồi hơi, 2 xe nâng, 2 bình chứa khí nén, có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, nhưng đều có chung một tờ hướng dẫn về quy trình vận hành và dường như vừa mới được niêm yết nhằm đối phó với Đoàn kiểm tra. Những công nhân trực tiếp làm việc với các loại máy móc, thiết bị này đều không đeo thẻ an toàn lao động. Lý giải những vẫn đề trên, bà Vũ Hoài Thân, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: những lao động làm việc ở nơi có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đều đã được tập huấn và cấp thẻ, nhưng công ty không phát cho họ đeo khi làm việc vì sợ công nhân làm mất. Còn về vấn đề sử dụng bảo hộ lao động, công ty cũng đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng việc chấp hành như thế nào còn tùy thuộc vào ý thức của người lao động, thực sự, công ty chưa có chế tài xử phạt.

Công ty TNHH Một thành viên Hải My (khối 2, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) được thành lập từ năm 2008, hiện có 32 lao động làm việc thường xuyên, nhưng những năm qua, công ty hầu như không trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân, tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không đo đạc môi trường tại nơi làm việc, không kiểm định máy móc, thiết bị… Ông Cao Ngọc Hải, Giám đốc Công ty cho hay: mấy năm nay, việc sản xuất, kinh doanh gạch gặp nhiều khó khăn, để tồn tại và có việc làm cho người lao động đã khó, nói gì đến kinh phí triển khai các quy định trên. Hơn nữa, số công nhân làm việc ở đây thường xuyên biến động, lại được trả lương theo sản phẩm nên nếu muốn bảo vệ sức khỏe thì họ phải tự trang bị bảo hộ lao động tùy theo vị trí công việc(?!).

Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Đăkpri (thôn Đồi Cầy, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) – đơn vị được đánh giá triển khai khá đầy đủ các quy định về công tác bảo đảm ATVSLĐ-PCCN, nhưng vẫn còn một số tồn tại như:  chưa tổ chức huấn luyện an toàn lao động theo định kỳ hằng năm; thẻ an toàn lao động lại được cất giữ trong tủ hồ sơ vì sợ công nhân làm mất, chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. “Công ty có 19 lao động và đều đã được mua thẻ BHYT. Xưa nay chúng tôi cứ nghĩ là đã cấp thẻ BHYT rồi thì ai có nhu cầu sẽ tự đi khám, Công ty không cần tổ chức khám nữa”, Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Cộng Hòa giải thích.

Hậu quả khôn lường

Có thể nói, chính ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm ATVSLĐ-PCCN của cả chủ sử dụng lao động và người lao động chưa cao, vẫn còn tình trạng “làm cho có” nên việc xảy ra tai nạn lao động và cháy nổ là điều khó tránh khỏi.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH: năm 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ tại nạn lao động làm 4 người chết, 6 người bị thương nặng. Nhưng đây mới chỉ là báo cáo của 32 doanh nghiệp gửi về Sở. Còn trong năm 2013, số doanh nghiệp gửi báo cáo về Sở tăng lên 92 đơn vị thì số vụ tai nạn lao động cũng theo đó tăng lên 27 vụ, làm 6 người chết, 12 người bị thương nặng. Anh Nguyễn Tấn Huy, chuyên viên Phòng Lao động – tiền lương và việc làm, Sở LĐTBXH cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp, hằng năm Sở đều gửi công văn đến 500 doanh nghiệp yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện ATVSLĐ-PCCN nhưng rất ít doanh nghiệp chấp hành. Vì vậy, con số thực về các vụ tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn gây ra chấn thương, làm mất một phần cơ thể trên thực tế sẽ chênh lệch lớn so với thống kê, báo cáo của Sở. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó trưởng Phòng Lao động – tiền lương và việc làm, Sở LĐTBXH (Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh), nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động là do người sử dụng lao động không quan tâm đến công tác huấn luyện về an toàn lao động, không có quy trình, biện pháp an toàn lao động, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ, đúng chủng loại cho người lao động, các máy móc, thiết bị không bảo đảm an toàn… Về phía người lao động chủ yếu vi phạm các quy trình, biện pháp an toàn, không sử dụng các trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân, do chủ sử dụng vi phạm quy định về an toàn lao động...

Bên cạnh số vụ tai nạn lao động gia tăng thì tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng diễn biến phức tạp. Theo số liệu báo cáo của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh: năm 2013 toàn tỉnh xảy ra 44 vụ cháy, làm 1 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 3,8 tỷ đồng và 65,2 ha rừng. Và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ cháy, làm 1 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính 14,23 tỷ đồng và 10,7 ha mía, 6,6 ha keo trồng 4 năm tuổi. Cháy đã xảy ra ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, nhưng địa bàn nhiều nhất là TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea H’leo, M’Drak, Ea Kar và thị xã Buôn Hồ. Khu vực xảy ra cháy là nhà dân, cơ quan, doanh nghiệp, khu thương mại… Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống điện, sơ suất trong sử dụng lửa… Có thể thấy, khi các vụ tai nạn lao động và cháy nổ xảy ra, đối tượng gánh chịu hậu quả không ai khác mà chính là doanh nghiệp và người lao động, nhưng cũng để lại gánh nặng không nhỏ cho xã hội. Vì vậy, việc phòng ngừa và hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động và cháy nổ đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.