Multimedia Đọc Báo in

Đoạn đường phụ nữ tự quản với nông thôn mới: Cách làm hiệu quả ở xã Cư Dliê M'nông

08:45, 25/05/2014
Trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar) đã có nhiều giải pháp tích cực trong công tác vệ sinh môi trường, nổi bật là việc xây dựng các đoạn đường phụ nữ tự quản với nông thôn mới.

Cứ vào ngày cuối tuần cuối cùng mỗi tháng, chị em phụ nữ ở thôn Tân Lập, xã Cư Dliê M’nông lại tập trung ra quân thu gom rác thải và phát cỏ hai bên đường trên đoạn đường mà chi hội mình đã đảm nhận phụ trách. Các chị em tự chia thành từng nhóm, không ai bảo ai, mỗi người mỗi việc để vệ sinh làm đẹp tuyến đường. Hoạt động này được Chi hội duy trì thực hiện từ năm 2012 đến nay, đã góp phần thiết thực trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường… Chị Mạc Thị Trang, một hộ dân trong thôn vui vẻ nói: “Trước đây trên tuyến đường này nhiều người thiếu ý thức vứt rác rất bừa bãi. Nhưng từ khi xây dựng mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản với nông thôn mới thì nhà nhà đều dặn dò lẫn nhau, tự nâng cao ý thức. Hằng tháng Chi hội Phụ nữ còn tổ chức phát dọn cỏ hai bên đường, thu gom rác thải, bảo đảm cảnh quan sạch đẹp…”.

Đoạn đường ở thôn  Tân Lập, xã Cư Dliê M'nông  trở nên  sạch đẹp hơn  từ mô hình đoạn đường phụ nữ  tự quản.
Đoạn đường ở thôn Tân Lập, xã Cư Dliê M'nông trở nên sạch đẹp hơn từ mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản.

Mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản với nông thôn mới là một trong những nội dung thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”. Từ năm 2012 đến nay Hội Phụ nữ xã đã xây dựng được 17 mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản với nông thôn mới ở 16/16 chi hội thôn, buôn trên địa bàn; trong đó có một đoạn đường do Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã đảm nhận. Chị Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cư Dliê M’nông cho biết: “Mục đích của việc xây dựng mô hình này nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Khi mới triển khai chỉ có 10 chi hội tham gia; đến nay đã có 100% chi hội đăng ký tham gia xây dựng mô hình. Để phong trào hoạt động có nền nếp, Hội Phụ nữ xã đã chỉ đạo các chi hội xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, gắn với các phần việc của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương; trong đó phụ nữ là hạt nhân, gương mẫu, tuyên truyền, động viên gia đình và nhân dân thực hiện, làm theo. Nhờ vậy, việc tổ chức dọn dẹp vệ sinh khu vực nhà ở, đường sá được duy trì thực hiện đều đặn và thường xuyên. Trung bình mỗi tháng các chi hội ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường một lần; riêng Chi hội Dak Hà Đông và Dak Hà Tây mỗi tuần thực hiện một lần. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản với nông thôn mới, tình hình vệ sinh môi trường trên các tuyến đường đã được cải thiện rõ rệt; nhất là tình trạng xả nước thải, rác thải ra đường đã được hạn chế rất nhiều, bảo đảm cảnh quan sạch, đẹp trên tuyến đường…”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.