Gắn kết để buôn nghèo khởi sắc
Trong những năm qua, công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh được triển khai chặt chẽ, sâu sát từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào và giữ vững an ninh chính trị địa phương.
Cách đây khoảng 10 năm về trước, buôn Sút M’Drang, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) có đến 90% là hộ nghèo; tình hình an ninh, chính trị phức tạp vì những thành phần Fulro lưu vong luôn tìm cách móc, nối xúi giục người dân gây rối, chống phá chính quyền; thanh niên trong buôn cũng bị lôi kéo, không lo làm ăn, chỉ biết tụ tập nhậu nhẹt gây rối. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương kết nghĩa do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, năm 2004, Hội Nông dân tỉnh và Công ty TNHH MTV Cao su nhận kết nghĩa với buôn Sút M’Drang. Từ ngày kết nghĩa, các đơn vị đã cử tổ công tác thường xuyên bám buôn, tổ chức hàng chục đợt phát động quần chúng với gần 3.000 người tham gia. Mỗi dịp lễ, tết các đoàn đều về tặng quà, giao lưu văn nghệ, thể thao với bà con. Song song với đó, các đơn vị cử cán bộ hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, hỗ trợ phân bón, vốn vay chăn nuôi. Nhờ vậy đến nay buôn Sút M’Drang chỉ còn 17 hộ nghèo trong tổng số 157 hộ, hơn 90% gia đình đạt danh hiệu "gia đình văn hóa"…
Nhiều năm trước đây người dân ở buôn Ea Na, xã Ea Na (huyện Krông Ana) thường xuyên bị cái đói, cái nghèo đeo bám bởi đất đai cằn cỗi, tập tục canh tác còn lạc hậu. Năm 2004, Công ty Phân bón Bình Điền nhận kết nghĩa với buôn Ea Na. Để giúp người dân trong buôn thoát nghèo, Công ty đã mời các chuyên gia, nhà khoa học của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đến kiểm tra điều kiện đất đai, con giống, cây trồng… sau đó tổ chức tư vấn, tập huấn khoa học kỹ thuật, cung cấp kiến thức về nông nghiệp, kinh tế nông thôn cho người dân. Cùng với đó, Công ty hỗ trợ bà con mua phân bón theo hình thức trả chậm không tính lãi để đầu tư cải tạo đất, chăm sóc cây trồng. Chỉ tính từ năm 2004-2010, Công ty đã đầu tư gần 500 tấn phân bón, trị giá hơn 3,53 tỷ đồng cho bà con buôn Ea Na. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, Công ty thành lập tổ khuyến nông, chọn những thanh niên là con em đồng bào trong buôn để đài thọ tiền, cử đi đào tạo tại WASI, sau đào tạo thì ký hợp đồng lao động (mức phụ cấp là 2.000.000 đồng/tháng), trở về buôn làm “chuyên gia nông nghiệp” cho bà con. Nhờ đó năng suất các loại cây trồng liên tục tăng cao. Nếu như trước đây năng suất cà phê chỉ đạt khoảng 2 tấn nhân/ha thì đến nay đã tăng đến 4 tấn/ha, sản lượng ngô lai tăng từ 3 tấn lên 4,5 tấn/ ha, cây lúa tăng từ 4 tấn lên 5 tấn/ha… Ông Y Bá Êban, Trưởng buôn Ea Na cho biết: “Từ ngày kết nghĩa, được đầu tư, đời sống người dân trong buôn đổi thay thấy rõ. Trước đây, cả buôn có 120 hộ nghèo/296 hộ nghèo, nay giảm xuống chỉ còn 70 hộ, khá giàu từ 20 hộ tăng lên gần 200 hộ, 100% hộ dân trong buôn đã có xe máy, nhiều hộ còn sắm được cả ô tô…”. Ngoài tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, đơn vị kết nghĩa đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông, điện, khu vui chơi thể thao cho người dân trong buôn trị giá hàng tỷ đồng, góp phần làm cho bộ mặt của buôn Ea Na ngày một đổi thay.
Tuổi trẻ huyện Krông Ana tặng quà các hộ nghèo buôn kết nghĩa. |
Đó là hai trong số rất nhiều buôn trên địa bàn tỉnh đổi thay từ những hoạt động kết nghĩa. Còn nhớ, những năm 2000, tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên khá phức tạp. Các thế lực thù địch bên ngoài cấu kết với Fulro lưu vong lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đổ. Trong khi đó, các tổ chức cơ sở đảng, công tác vận động quần chúng của mặt trận và các đoàn thể ở các buôn đồng bào DTTS chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Để tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác vận động quần chúng, năm 2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương triển khai kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một chủ trương đúng đắn, mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, được đông đảo người dân đồng tình và tích cực hưởng ứng.
Trong quá trình kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với tình cảm gắn bó và trách nhiệm với các buôn kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trong buôn xóa đói, giảm nghèo. Cụ thể như: các cơ quan, đơn vị hướng dẫn đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho đồng bào buôn kết nghĩa; đóng góp và huy động nguồn vốn giúp đồng bào phát triển sản xuất; xây dựng nhà trẻ, phòng học, nhà văn hóa cộng đồng, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, tặng các thiết bị văn hóa… Thông qua hoạt động kết nghĩa, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Một số tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan được đẩy lùi, các sinh hoạt văn hóa vật thể và phi vật thể đã dần được khôi phục và bảo tồn như: lễ cúng lúa mới, đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm…
Bà H’Ngoắt Hmok, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Sau 10 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh đã có 76 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh và Trung ương đứng chân trên địa bàn tổ chức kết nghĩa với 161 buôn đồng bào DTTS. Trong đó có 1.087 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học cấp huyện kết nghĩa với 454 buôn; 545 thôn, tổ dân phố vùng người Kinh kết nghĩa với 313 buôn; 636 chi hội nông dân thôn người Kinh kết nghĩa với 228 buôn; 286 chi hội cựu chiến binh thôn người Kinh kết nghĩa với 196 buôn; 301 tổ chức đoàn thanh niên thôn người Kinh kết nghĩa với 196 chi đoàn thanh niên buôn đồng bào DTTS…
Giờ đây, về các buôn đồng bào DTTS có thể thấy đời sống của bà con đã khởi sắc về mọi mặt. Với sự đoàn kết, gắn bó giữa buôn làng và các đơn vị kết nghĩa đã xây dựng được thế trận phòng thủ vững chắc trong lòng dân, làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc