Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối nạn tảo hôn và đông con ở một vùng quê

21:29, 24/05/2014
Mặc dù đã có sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, nhưng thôn 4, xã Ea M’Doal (huyện M’Drak) đã và đang trở thành "điểm nóng" về nạn tảo hôn và đông con. Tình trạng này đã khiến cho nhiều gia đình ở đây quẩn quanh mãi trong cái đói, cái nghèo.
 
Gia đình chị Chấu Thị Chứ có 13 người, thuộc 3 thế hệ sống trong căn nhà chỉ rộng khoảng chừng 60m 2. Chị Chứ tâm sự: Chị cũng như bao cô gái Mông khác, được cha mẹ gả chồng khi vẫn còn là cô bé chưa tròn 13 tuổi. Bất đắc dĩ chị trở thành “cái máy đẻ” của nhà chồng. Lấy chồng được 24 năm chị sinh 8 đứa con: 3 trai, 5 gái. Đứa con út năm nay đã hơn 6 tuổi nhưng vẫn như đứa bé 1 tuổi, đặt đâu ngồi đấy. Số phận của 3 người con đầu của chị cũng lần lượt đi theo vết xe đổ của cha mẹ chúng, lấy vợ, gả chồng khi tuổi đời còn quá trẻ chưa qua hết ngưỡng cửa 14 tuổi. Những đứa trẻ còn lại cũng không sáng sủa gì hơn khi chỉ mới hết lớp 2, lớp 3 chúng đã phải bỏ học giữa chừng để phụ cha mẹ lên nương, lên rẫy kiếm cái ăn.

Cũng có hoàn cảnh tương tự chị Chứ, chị Giàng Thị Xá  lấy chồng từ năm 15 tuổi, đến 30 tuổi chị đã là bà mẹ của 7 đứa con (1 trai, 6 gái), đứa đầu 14 tuổi, đứa út chưa đầy 7 tháng tuổi. Cả nhà 9 khẩu chỉ trông chờ vào 3 sào lúa và 7 sào sắn với một nhân công chính là anh Vàng Seo Xà (chồng chị Xá). Về phần chị từ ngày lấy chồng công việc chính của chị là sinh nở và nuôi con. Trong 15 năm 7 đứa con nối nhau ra đời với quan niệm “phải có con trai để nối dõi” đã vắt kiệt thời gian, sinh lực của người mẹ trẻ. Cả gia đình cứ bữa no, bữa đói  sống qua ngày…

Chị Chấu Thị Chứ bên những đứa con  và cháu.
Chị Chấu Thị Chứ bên những đứa con và cháu.

Được biết, thôn 4 là thôn đặc biệt khó khăn của xã Ea M’Doal với 108 hộ, 658 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 50%; trình độ dân trí thấp, các hủ tục lạc hậu còn tồn tại, tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng còn nhiều… đã làm cho nạn tảo hôn, sinh con nhiều, sinh con dày gia tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ từ Ban Dân số - Kế hoạch hoá gia đình xã Ea M’Doal, trong hơn 5 năm qua, trung bình hằng năm tại thôn 4 có từ 10-11 cặp vợ chồng kết hôn thì có đến 5-6 cặp tảo hôn. Hầu hết các truờng hợp kết hôn tuổi vị thành niên đều tổ chức lén lút không thông qua chính quyền cơ sở vì vậy rất khó năm bắt về con số thống kê. Những bé gái người dân tộc Mông cứ vào độ tuổi 14-15 đã đi lấy chồng, rồi phải sớm gánh vác trọng trách làm vợ và thiên chức làm mẹ. Hệ lụy của những đám cưới vợ - chồng đang tuổi tới trường "ăn chưa no, lo chưa tới" là gia đình đói nghèo, con cái sinh ra còi cọc. Bố mẹ chưa trưởng thành nên ý thức và kinh nghiệm chăm sóc con cái cũng vì thế mà rất hạn chế. Vấn đề về chất lượng dân số bị đe dọa, đói nghèo, chậm phát triển sẽ tiếp tục duy trì nếu tình trạng tảo hôn không được ngăn chặn và đẩy lùi.

Trước tình trạng trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Ban Dân số xã kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể từ xã đến thôn thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân kết hôn đúng độ tuổi pháp luật quy định, thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, quan niệm hôn nhân “tự nhiên” vẫn thịnh hành đã gây không ít khó khăn trong quá trình tuyên truyền vận động của cán bộ dân số.

Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng tảo hôn, sinh con nhiều và sinh con dày tại thôn 4, xã Ea M’Doal đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành; phải có những biện pháp tích cực trong việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, có như vậy nạn tảo hôn mới thực sự được đẩy lùi.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.