Những nỗ lực ổn định cuộc sống dân di cư tự do
Bằng nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ Trung ương và một phần của địa phương, trong những năm qua Dak Lak đã triển khai xây dựng nhiều công trình thiết yếu, góp phần ổn định đời sống và hoạt động sản xuất của đồng bào di cư tự do (DCTD).
Kết quả bước đầu
Chỉ tính từ năm 2005 đến hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã có 1.503 hộ, 7.578 nhân khẩu từ 38 tỉnh, thành DCTD đến, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Bắc Giang, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Thái Nguyên… Bình quân mỗi năm có 167 hộ, 842 khẩu DCTD đến, trong đó đồng bào DTTS của các tỉnh phía Bắc đến trong giai đoạn này là 1.437 hộ. Tình trạng dân DCTD đến Dak Lak đã gây xáo trộn, phá vỡ quy hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nhất là việc quy hoạch, sắp xếp, phân bổ lại dân cư trên địa bàn. Ngoài ra, các hộ DCTD đến sống rải rác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng lõi của rừng đặc dụng đã gây khó khăn cho việc lập dự án cho dân DCTD của Dak Lak. Mặc dù phải đối mặt với sức ép của dân DCTD, nhưng thời gian qua tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc tái định cư, ổn định cuộc sống cho đồng bào di cư đến. Theo Quyết định số 2763/QĐ-UBND, ngày 30-12-2013 về việc phê duyệt Dự án rà soát bổ sung quy hoạch bố trí ổn định dân DCTD của tỉnh giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh sẽ rà soát bố trí, ổn định cho 5.479 hộ với 27.351 khẩu, trong đó bố trí tập trung 2.676 hộ, bố trí xen ghép 957 hộ, ổn định tại chỗ 1.846 hộ.
Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường ở vùng dân DCTD của xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) đều được đến trường. |
Đến nay, Dak Lak đã phê duyệt 15 dự án bố trí ổn định cho 5.762 hộ với 25.927 khẩu DCTD, trong đó 11 dự án đã và đang triển khai, gồm: Điều chỉnh quy hoạch bố trí dân DCTD xã Ea Kiết (Cư M’gar); ổn định dân DCTD xã Ea Mdoal, xã Cư Kroa (M’Drak); Quy hoạch bố trí, sắp xếp dân DCTD và thực hiện định canh định cư cho đồng bào DTTS tại các tiểu khu 1407, 1409, 1415, 1388 và xã Krông Nô (Lak); phát triển kinh tế-xã hội xã Cư K’bang, sắp xếp dân cư tại xã Ia Jlơi, bố trí dân tại các tiểu khu 249, 265, 271 thuộc Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh (Ea Súp); quy hoạch sắp xếp ổn định dân DCTD thôn Cư Dhiăt, thôn Ea Nơh Prơng, mở rộng dự án quy hoạch ổn định dân DCTD vùng Ea Lang (Krông Bông). Về cơ bản, các dự án đã thực hiện được một số hạng mục, công trình thiết yếu, một số dự án đã sắp xếp các hộ vào điểm quy hoạch ổn định, với tổng số 1.347 hộ dân bằng 33% so với mục tiêu của 11 dự án, trong đó 847 hộ được bố trí tập trung, 500 hộ ổn định tại chỗ. Trong vùng dự án, nhiều công trình hạ tầng được chú trọng đầu tư, với 224 km đường giao thông nông thôn, 7 cầu nội vùng, 4 cầu tràn, 1 cầu treo, 106 phòng học, 5 công trình nhà mẫu giáo, 6 công trình thủy lợi, 100 giếng nước… Ngoài ra, tỉnh còn triển khai, thực hiện tốt việc cấp đất cho các hộ DCTD, mức bình quân 400 m2/hộ đối với đất ở, 1,32 ha/hộ đối với đất sản xuất. Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhìn chung đời sống của người dân tuy còn khó khăn, song đã có chuyển biến tích cực, 40% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ nghèo được chăm lo khám, chữa bệnh miễn phí, đa số các em trong độ tuổi đi học đều được đến trường.
Còn nhiều nỗi lo
Việc ổn định dân DCTD là vấn đề cấp bách trong chiến lược ổn định và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các cấp từ Trung ương đến chính quyền cơ sở. Trên thực tế, Dak Lak còn nhiều nỗi lo về vấn đề dân DCTD, mà nỗi lo lớn nhất là quỹ đất không còn và nguồn vốn bố trí cho các dự án hạn hẹp. Để thực hiện mục tiêu bố trí, sắp xếp dân DCTD giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020, Dak Lak cần thêm trên 635,7 tỷ đồng, riêng 11 dự án đang triển khai cần bố trí trên 274,6 tỷ đồng, còn lại 4 dự án đã phê duyệt nhưng chưa triển khai cần trên 219,8 tỷ đồng và 2 dự án đã lập nhưng chưa phê duyệt cần tiếp tục được phê duyệt để bố trí ổn định cho 765 hộ, 3.442 khẩu tại huyện Ea Súp và Krông Năng, với kinh phí trên 141,2 tỷ đồng.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa tỉnh và Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT về Chương trình xây dựng nông thôn mới và dân DCTD do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn, UBND tỉnh cũng nêu lên quan điểm của địa phương sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 39/2004/CT-TTg, ngày 12-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan về việc ổn định dân DCTD từ các tỉnh khác đến Dak Lak. Qua đó, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể nắm chắc tình hình dân DCTD đến hoặc đi khỏi địa phương để tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục làm cho mọi người hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước liên quan đến vấn đề DCTD. Đối với việc bố trí đất ở, đất sản xuất, do Dak Lak không còn quỹ đất để bố trí cho các hộ dân di cư ngoài quy hoạch, vì vậy, số dân phát sinh sau khi dự án được phê duyệt, trước mắt, tỉnh sẽ làm việc với các tỉnh, thành có dân đi để phối hợp giải quyết, vận động các hộ dân trở về quê cũ. Đối với các hộ dân DCTD được bố trí, sắp xếp vào vùng dự án, tỉnh sẽ huy động thêm các nguồn lực khác để bảo đảm cho các hộ ổn định đời sống, sản xuất. Tuy nhiên, để giải quyết ổn thỏa vấn đề tái định cư cho dân DCTD, tỉnh kiến nghị với Trung ương cần bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án theo kế hoạch, đồng thời tạo điều kiện cho tỉnh được chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong vùng đã lập dự án do dân DCTD khai phá mà họ đang canh tác, có khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp để giải quyết dứt điểm việc sắp xếp các khu dân cư và bố trí đất sản xuất ổn định lâu dài, đi đôi với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao rừng để bảo vệ quản lý theo quy định.
Thuận Nguyễn-Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc