Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở câu chuyện về những mảnh đời

14:23, 05/05/2014

“Con ước ba không uống rượu say, không đánh mẹ, ba mẹ không cãi nhau nữa…”, “Con ước cả 3 anh em đều được đi học…”, “Con ước sẽ kiếm được nhiều tiền để mở quán cà phê, không phải đi bán vé số như thế này nữa…” là những điều ước giản dị từ trong phút giây thành tâm nhất của các trẻ em cá biệt - những đứa trẻ mà khi nhắc đến, người ta thường hay sử dụng những từ như: “khó bảo”, “chẳng sợ ai”, “chuyện gì cũng dám làm” hay “cần cảnh giác”…  đã khiến cho chúng tôi, những người tổ chức chương trình “Kết nối yêu thương” - một chương trình giáo dục, cảm hóa, tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên cá biệt, trẻ em lang thang trên địa bàn tỉnh Dak Lak - rơi nước mắt và cảm thấy trăn trở vì những mảng vỡ của một vài số phận xung quanh… Nhân đọc bài viết “Gia đình là nền tảng giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên” của tác giả Xuân Giang trên Báo Dak Lak số ra ngày 27-4-2014, tôi lại nghĩ về những đứa trẻ ấy, về những gia đình phó mặc con cái cho số phận với quan niệm “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.

Đó là câu chuyện của cậu bé Nguyễn Văn H, sinh năm 1995, ở huyện Cư Kuin. Em bỏ nhà lên Buôn Ma Thuột để làm nghề đánh giày được 7 năm. H sống với mẹ và người cha dượng, không được đi học, không nhận được sự quan tâm của cha mẹ vì “mẹ em đi làm thuê, từ sáng sớm đến tối mới về”, còn “ba suốt ngày uống rượu, say xỉn, đánh mẹ, đánh cả em nữa”. Lấy ghế đá trên các hoa viên, thậm chí là các nghĩa trang làm chỗ ngủ khi đêm xuống, khi được hỏi về tương lai của mình, H bảo em cũng chưa biết, để đến khi làm được giấy chứng minh nhân dân rồi tính, vì theo H thì “có giấy chứng minh nhân dân thì làm việc gì cũng được”. Còn đây là câu chuyện của V.T.T.H – một cô gái rất trẻ làm nghề “bán hoa”: “Ba mẹ em mất hết rồi. Mẹ bị bệnh tim, ba thì chơi xì ke, mẹ biết được nên đau tim mà mất, rồi đến lượt ba. 4 anh chị em vào trại trẻ mồ côi. Anh cả nghỉ học trước, rồi đến tụi em. Anh của em bây giờ đi làm phụ hồ, đứa em gái mới mất, còn thằng em thì “đi trại”, nghe nói vì tội đâm người ta. Em cũng mới sinh con được khoảng hơn tháng, ban ngày thì em trông con, chồng đi làm, tối về thì anh ấy trông con để em “đi làm”. Mỗi lần “đi khách” được khoảng 130.000 đồng, nhưng phải bao tiền phòng mất 50.000 đồng. Em cũng không biết mình làm nghề này đến khi nào nữa, cuộc sống mà, tới đâu thì nó tới thôi…”

Và còn nhiều câu chuyện về cuộc sống của những bạn trẻ đang hằng ngày sống lay lắt với đủ thứ nghề mà chẳng biết tương lai mình sẽ trôi về đâu; rất nhiều trong số các bạn trẻ ấy liệu sau này có đủ nghị lực để vươn lên, để trở thành công dân tốt hay sẽ cứ chìm trong cuộc sống tối tăm, cùng quẫn, không lối thoát? Những bạn trẻ ấy, lẽ ra đã có thể có một cuộc sống khác tốt hơn nếu họ có xuất phát điểm tốt hơn, có một gia đình hòa thuận với tình yêu thương của ba mẹ. Mỗi câu chuyện là một bài học cho các bậc làm cha mẹ, bài học về sự cám dỗ và cả trách nhiệm của mỗi chúng ta với cuộc sống này.

                                                                                              Nguyễn Miêu


Ý kiến bạn đọc