Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ Buôn Ma Thuột hướng về biển đảo

08:05, 24/05/2014
Hơn nửa tháng nay, việc Trung Quốc đặt hạ trái phép giàn khoan HD 981 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc vùng biển đặc quyền Việt Nam đang khiến biển Đông dậy sóng.
 
Thông tin về hành động này cũng đã tạo nên một “đợt sóng” với sức mạnh lớn hơn rất nhiều, đó là lòng yêu nước, tình cảm hướng về biển đảo quê hương trong trái tim của hàng triệu con người.
 
Đoàn viên, thanh niên TP. Buôn Ma Thuột thể hiện tiếng nói  hướng về biển đảo
Đoàn viên, thanh niên TP. Buôn Ma Thuột thể hiện tiếng nói hướng về biển đảo.

Cũng như đồng bào cả nước, tuổi trẻ TP. Buôn Ma Thuột cũng đang hướng về các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và những ngư dân đang can trường bám biển nơi đầu sóng ngọn gió. Theo đó, ngày 19-5, Thành Đoàn Buôn Ma Thuột đã tổ chức buổi mittinh "Tuổi trẻ TP. Buôn Ma Thuột chung sức bảo vệ chủ quyền biển - đảo Việt Nam” để các bạn trẻ thể hiện sự đồng lòng, trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng Luật pháp quốc tế; Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và tuyên bố của các bên về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) và rút ngay giàn khoan HD 981 ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tại buổi mittinh, ban tổ chức đã trao 23 triệu đồng từ nguồn đóng góp của các đoàn viên, thanh niên thành phố cho Quỹ “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông”, do Báo Tuổi trẻ phát động. Nguyễn Thanh Long, đoàn viên phường Tân Tiến chia sẻ: từ khi biết thông tin Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên biển Đông, em muốn thể hiện sự chia sẻ của mình đối với biển đảo quê hương và ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước.

Bên cạnh đó, tuổi trẻ Dak Lak cũng tích cực hưởng ứng chiến dịch nhắn tin “Chung sức vì biển đảo quê hương” do Bộ Thông tin – Truyền thông, Hội Chữ thập đỏ, Đài Truyền hình Việt Nam, báo Tuổi Trẻ, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Cổng nhân đạo Quốc gia phát động. Với tin nhắn “BD”, gửi 1409 (giá trị 18.000 đồng), mỗi bạn trẻ đã thể hiện sự sẻ chia với những người đang ngày đêm công tác, sản xuất trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần giúp họ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quê hương. Trần Thị Tuyết, sinh viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tây Nguyên, sau khi biết có chiến dịch nhắn tin “Chung sức vì biển đảo quê hương”, em đã gửi tin nhắn và vận động bạn bè cùng hưởng ứng, bởi đây tuy là việc làm nhỏ nhưng mọi người muốn gửi tấm lòng sẻ chia của mình đến những người đang ngày đêm không quản khó khăn giữ bình yên biển đảo.

Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Bí thư Thành đoàn Buôn Ma Thuột cho biết: trước diễn biến về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trên biển Đông những ngày qua, thành đoàn kêu gọi các đoàn viên, thanh niên thể hiện tinh thần đoàn kết , khẳng định tình yêu biển đảo phải gắn liền với sự tỉnh táo, khôn khéo, tránh bị lôi kéo, kích động, gây mất trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, các cơ sở đoàn tiếp tục hưởng ứng Quỹ “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông”, đồng thời tiếp tục các phong trào thi đua, ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong học tập, công tác…, đó chính là hành động thiết thực nhất hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.