Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ: Ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong khám và điều trị

14:01, 10/06/2014

Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) thị xã Buôn Hồ đã ứng dụng, triển khai nhiều kỹ thuật mới vào khám chữa bệnh, mang lại hiệu quả cao trong điều trị, hạn chế dần việc chuyển viện lên tuyến trên và giúp người bệnh giảm chi phí trong quá trình điều trị.

Bác sĩ Y Sih Mlô Duôn Du, Phó Giám đốc BVĐK thị xã Buôn Hồ cho biết: xác định việc ứng dụng các phương pháp kỹ thuật mới, khó và hiện đại để nâng cao chất lượng khám chữa cho bệnh nhân là việc làm cần thiết và ý nghĩa nên thời gian qua BV đã từng bước hoàn thiện quy trình khám, chữa bệnh bảo đảm tính thuận lợi và hiệu quả; chú trọng cải thiện quy trình và chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đưa phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện vào hoạt động; tổ chức thực hiện đầy đủ các quy chế, quy định chuyên môn, chế độ giao tiếp trong bệnh viện; hoàn chỉnh dần quy trình tại khoa khám bệnh cho hợp lý, giảm bớt thời gian chờ đợi và đi lại nhiều của người bệnh.
 
Không những thế, BV còn khuyến khích đội ngũ y, bác sĩ nghiên cứu các đề tài khoa học, tìm ra các phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Chỉ tính riêng trong năm 2013, cán bộ y bác sĩ của BV đã thực hiện thành công 4 đề tài cấp cơ sở, gồm: “Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ và biến chứng của bệnh đái tháo đường điều trị tại BVĐK thị xã Buôn Hồ”, “Khảo sát thực trạng mũi tiêm an toàn của điều dưỡng tại khoa hồi sức cấp cứu và chống độc BVĐK thị xã Buôn Hồ”, “Khảo sát tình hình điều trị bệnh đái tháo đường type II tại phòng khám ngoại trú BVĐK thị xã Buôn Hồ”, “Tìm hiểu kiến thức thực hành về bệnh đái tháo đường của bệnh nhân đái tháo đường type II được điều trị ngoại trú tại BVĐK thị xã Buôn Hồ”. Và trong năm 2014 thêm 2 đề tài mang tính chất hồi cứu khác tiếp tục được các y bác sĩ đăng ký thực hiện là “Khảo sát tình hình sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị ngoại trú tại BVĐK thị xã Buôn Hồ” và “Đánh giá kết quả điều trị gãy đầu dưới xương quay bằng phương pháp điều trị bảo tồn tại BVĐK thị xã Buôn Hồ”. Thành công của các đề tài này đã giúp cho đội ngũ thầy thuốc của BV nâng cao tay nghề chuyên môn, từ đó ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn.
Một trường hợp gãy xương cẳng chân phức tạp được phẫu thuật  thành công tại khoa Ngoại, BVĐK thị xã Buôn Hồ.
Một trường hợp gãy xương cẳng chân phức tạp được phẫu thuật thành công tại khoa Ngoại, BVĐK thị xã Buôn Hồ.

Bên cạnh việc khuyến khích cán bộ y, bác sĩ tham gia nghiên cứu khoa học, thời gian qua, BV còn chú trọng đến việc ứng dụng kỹ thuật mới, khó vào chẩn đoán, điều trị cho người bệnh ở nhiều lĩnh vực: ngoại, sản, mắt, tai mũi họng, xét nghiệm… Trong các kỹ thuật mới được ứng dụng phải kể đến những kỹ thuật tiêu biểu ở lĩnh vực ngoại chấn thương chỉnh hình. Sau thời gian triển khai, lĩnh vực này được xem là một trong những thế mạnh của bệnh viện. Hiện nay các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đã được thực hiện thường qui tại bệnh viện như: thực hiện đóng đinh xương đùi; kết hợp xương chày bằng đinh Kuntscher; đóng đinh xương cẳng chân; nối động mạch thần kinh… Có thể thấy rằng, việc triển khai được các kỹ thuật mới, khó ở BVĐK thị xã Buôn Hồ đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh trên địa bàn, nhất là đối với bệnh nhân nghèo ít có cơ hội được tiếp cận với các loại dịch vụ y tế cao...  Việc triển khai thực hiện các kỹ thuật này ngay tại địa phương đã tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh trong quá trình điều trị. Chia sẻ về điều này, bác sĩ Trần Đức Dũng, Trưởng khoa Ngoại BV cho biết: “Trước đây, khi tiếp nhận những trường hợp bị đứt động mạch thần kinh hay gãy xương phức tạp, gãy xương hở, gãy nhiều mảnh, chúng tôi đều chuyển người bệnh lên tuyến trên để phẫu thuật điều trị vì vượt quá khả năng xử lý. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thông qua việc cử cán bộ đi đào tạo nâng cao tay nghề và tiếp nhận sự hỗ trợ kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên, chúng tôi đã làm chủ được nhiều kỹ thuật khó trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình. Qua đó, tỷ lệ chuyển tuyến đối với những ca bệnh khó đã giảm nhiều, đặc biệt góp phần làm giảm nguy cơ tử vong của người bệnh trong quá trình chuyển tuyến và giúp người bệnh giảm được chi phí trong quá trình điều trị”. Quả thực, hiệu quả của việc ứng dụng được các kỹ thuật mới, kỹ thuật khó được thể hiện hàng ngày trên thực tế. Đơn cử như trường hợp của chị H’Klu Mlô ở Buôn Tring 4, xã Ea Blang, một bệnh nhân bị tai nạn lao động dẫn đến đứt động mạch chân đã được phẫu thuật và điều trị khỏi ngay tại khoa Ngoại của BV. Chị H’Klu bày tỏ: “Bị tai nạn là điều không ai mong muốn, nhưng may mắn cho tôi là được điều trị ngay tại bệnh viện thị xã gần nhà chứ không phải chuyển lên tỉnh. Khi nhập viện được các bác sĩ phẫu thuật ngay, giảm được các nguy cơ do mất máu nhiều, đỡ tốn kém nhiều thứ, từ chi phí xe cộ, ăn ở cho đến người nhà đi nuôi bệnh”.

Có thể khẳng định, đến thời điểm này, BVĐK thị xã Buôn Hồ đã có những bước chuyển tích cực trong công tác khám chữa bệnh hướng đến mục tiêu là bệnh viện chất lượng, môi trường làm việc thân thiện. Để đạt được mục tiêu này, bệnh viện sẽ không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn; thực hiện hiệu quả các kỹ thuật hiện có và ưu tiên đầu tư thêm các kỹ thuật mới để ngày càng nâng cao chất lượng, xứng đáng với sự tin cậy và kỳ vọng của nhân dân trên địa bàn.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.