Cảm thông và chia sẻ - ngọn nguồn của hạnh phúc bền lâu
Gia đình chị Hồng và anh Chiến ở tổ dân phố 2, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) sống khá hòa thuận, đầm ấm bởi mọi thành viên trong gia đình luôn yêu thương, chia sẻ với nhau mọi công việc chung. Là giáo viên, ngoài thời gian dạy học chính khóa ở trường, chị Hồng còn dạy thêm tại các trung tâm nên công việc tương đối bận rộn. Trong khi đó công việc của anh Chiến không mấy ổn định, đã có thời gian anh “xung phong” ở nhà phụ trách công việc nội trợ, chăm sóc con cái khi việc làm không có. Nhờ có thời gian chú tâm vào công việc, thu nhập của chị Hồng tăng lên; con cái được anh Chiến chăm sóc chu đáo, khỏe mạnh; chất lượng cuộc sống gia đình tốt hơn. Chị Hồng tâm sự: “Là phụ nữ, tôi hiểu công việc nội trợ có rất nhiều việc không tên, nên tôi rất biết ơn khi anh chấp nhận gạt bỏ sự tự ái của đàn ông để chu toàn công việc gia đình. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi kết hôn với anh và càng thêm yêu thương, tôn trọng anh hơn vì nhờ có anh chu toàn việc nhà tôi mới có thể yên tâm làm việc, kiếm thêm thu nhập cho gia đình…”.
Yêu thương, chăm sóc con trẻ là một trong những yếu tố xây dựng gia đình hạnh phúc. |
Có thể nói, trách nhiệm của cả vợ và chồng là xây dựng kinh tế và tổ chức cuộc sống gia đình, vì vậy công sức chăm sóc con cái và các thành viên cũng như tổ chức cuộc sống gia đình phải được đánh giá là ngang bằng với sự đóng góp về kinh tế bởi cả hai yếu tố này đều tạo nên sự ấm no, hạnh phúc của gia đình. Nếu các gia đình có quan niệm đúng đắn về điều này thì sẽ không có sự phân biệt đối xử khi vợ có thu nhập cao hơn, hay chồng có thu nhập cao hơn; ai có quyền hơn ai trong hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của gia đình… mà sẽ có sự chia sẻ, đồng cam cộng khổ và phân công lao động hợp lý, phù hợp với khả năng, điều kiện của từng người. Sự đánh giá theo quan niệm “của chồng, công vợ” cũng tạo nên sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng; khi đó sẽ có sự tôn trọng người bạn đời, cùng nhau chia sẻ những thành quả đạt được.
Bên cạnh đó, trong cuộc sống gia đình, có lúc không tránh khỏi bất đồng quan điểm, khi đó nếu vợ hoặc chồng biết đặt mình vào hoàn cảnh của người kia, suy nghĩ và thông cảm, cùng nhau thẳng thắn trao đổi tìm phương án giải quyết để đi đến thống nhất thì mọi mâu thuẫn, bất đồng sẽ được tháo gỡ và hạnh phúc gia đình sẽ được giữ vững. Còn ngược lại, nếu ai cũng khăng khăng cho là mình đúng, cứ giữ nguyên ý kiến của mình thì sẽ dễ đẩy bất đồng lên cao, mâu thuẫn không được giải quyết, thậm chí dẫn đến tình cảnh “đường ai nấy đi”, phá vỡ tổ ấm gia đình. Với sự cảm thông, yêu thương, chia sẻ, quan tâm chăm sóc, cùng vun đắp, xây dựng gia đình, người vợ sẽ khiến người chồng tự hào và ngược lại người chồng cũng chứng tỏ được mình là chỗ dựa vững chắc cho vợ và con cái và đó cũng chính là ngọn nguồn của hạnh phúc bền lâu.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc