Multimedia Đọc Báo in

"Chợ ngô" Km 47

09:02, 29/06/2014
Trên tuyến Quốc lộ 26, đoạn qua địa phận Km 47 thuộc xã Ea Kly (huyện Krông Pak) có một “khu phố” do một số hộ gia đình sống dọc hai bên đường dựng lên dưới bóng mát của gốc cây đa hàng trăm năm tuổi. Nơi đây quanh năm luôn hiện diện những nồi ngô nóng thơm ngọt nghi ngút khói hấp dẫn bao người.

Chẳng biết “chợ ngô” này hình thành từ khi nào, nhưng nơi đây dường như đã trở thành điểm dừng chân quen thuộc của khách thập phương. Và những trái ngô luộc ở đây như cũng trở thành “thương hiệu” mời gọi những ai có dịp đi dọc con đường này. “Chợ” nằm dọc hai bên đường gần 1 km, nhưng ở đây lúc nào cũng nhộn nhịp, rôm rả bởi tiếng nói cười, chào mời, trò chuyện của người mua kẻ bán. Theo những người già sống trong vùng cho biết thì trước đây nơi này còn hoang vắng lắm, hai bên đường chỉ toàn cây và bụi rậm. Nhờ có cây đa cổ thụ che bóng mát nên mùa nào thức nấy, đồng bào Êđê trong vùng đem vài gùi bơ, mãng cầu, ngô non, sầu riêng ra đây bán. Dần dần nơi đây trở nên đông vui hơn khi một số hộ gia đình đem những trái ngô luộc bày bán. “Chợ ngô” theo đó cũng dần hình thành. Gọi là “chợ” nhưng ở đây chỉ tập trung khoảng 20 hộ gia bán ngô luộc và nước giải khát. Tận dụng bóng mát cây xanh hai bên đường và chỉ cần mắc thêm vài cái võng thế là khách đi đường có thể ngả lưng nghỉ ngơi, vừa thưởng thức vị ngọt của ngô, sự trong lành mát mẻ bình yên của khung cảnh xung quanh. Ngô ở đây chủ yếu được lấy từ vườn của người dân quanh vùng ở các xã Ea Kuăng, Ea Kly (Krông Pak) và Ea Sô (Ea Kar)… Và do được trồng quanh năm nên nguồn ngô ở đây không khi nào khan hiếm. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu khách hàng quanh vùng, khách đi đường, “chợ ngô” Km 47 còn là nơi phân phối ngô đi các tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn, Nha Trang… Sở dĩ ngô ở đây được ưa chuộng là nhờ vào sự đầu tư của những hộ gia đình ngay từ khâu chọn lựa giống ngô, tới việc chăm sóc và thu hoạch. Để có được những nồi ngô luộc ngọt và chất lượng, ngô phải bẻ đúng thời điểm, không để quá già và không quá non, ngô được luộc ngay khi bẻ về.

   Một góc  của
Một góc của "chợ ngô" Km 47.

Cùng với những trái ngô ngon ngọt, mùa nào thức nấy, người dân trong vùng còn mang cả những sản vật của địa phương ra bày bán. Lúc thì những quả bơ, khi thì những quả mãng cầu, sầu riêng… khiến “chợ” ngày càng nhộn nhịp đông vui hơn. “Chợ ngô” Km 47 không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng cho người đi đường, mà còn giúp cho rất nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm cho bà con đồng bào trong vùng nhờ vào việc trồng và cung ứng ngô. Chị Vương Thị Trang, một trong những người khai sinh ra “chợ ngô” vui vẻ kể lại: “Trước khi đến với công việc bán ngô tôi buôn bán thức ăn cho người đồng bào trong vùng nhưng thu nhập không đủ chi tiêu cho cả gia đình. Từ khi bắt đầu với nghề bán ngô luộc và cung ứng ngô cho khách hàng xa thì thu nhập của gia đình đã khá hơn nhiều. Bình quân mỗi hộ gia đình chỉ với nồi ngô luộc thu nhập một ngày cũng được trên dưới 300 ngàn đồng, thi thoảng có ngày có những đoàn khách du lịch đi qua ghé vào nghỉ mát và đặt mua ngô với số lượng nhiều để mang về làm quà cho nên thu nhập cũng khá hơn”. Chị Trang cũng cho biết thêm: Nghề buôn bán ngô này cũng gặp không ít khó khăn và vất vả, phải dậy sớm để đi theo xe cày bẻ ngô. Có khi gặp đường lầy lội phải đến khuya mới về tới nhà. Hàng bị ứ đọng coi như ngày đó bị lỗ. Mặc dù vậy, vì cuộc sống mưu sinh và cũng vì niềm vui khi được đón những khách đường xa ghé đến quê hương mình nên “chợ ngô” vẫn ngày ngày mở cửa. Người dân vẫn ngày ngày cùng nhau xây dựng nơi này sạch sẽ, văn minh với những nồi ngô nóng hổi đón mừng khách đến...

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.