10:56, 28/06/2014
Thấm thoắt tôi đã công tác tại cơ quan báo được hơn 5 năm. Thời gian chưa hẳn là nhiều và đến nay dù chưa phải là người làm báo giỏi, nhưng cũng đủ để nhìn lại và cảm ơn những “người thầy” trong suốt quãng đường đã qua.
Nhớ những ngày đầu mới vào nghề, mắt thấy tai nghe những gì tôi đều cố gắng sắp xếp, chọn lựa để viết, có lẽ tôi chỉ muốn gọi “lao động sáng tác tác phẩm báo chí” một cách đơn giản như thế. Đi nhiều, viết nhiều nhưng không phải đều được đăng, thậm chí là rất khó khăn. Những ngày đầu còn khá non tay, tư duy cũng hạn hẹp, tôi chỉ mải mê viết theo cảm xúc, ra “tác phẩm” dài miên man. Hào hứng gửi đi rồi hồi hộp chờ đợi, nhưng lâu dần chuyển sang chán nản vì không được duyệt đăng. Những cảm xúc như vậy xảy ra khá nhiều lần. Cũng có lúc tôi nản chí, hay là nghề báo không chọn mình? Rồi đọc nhiều, xem nhiều tôi mới hiểu ra, vấn đề là ở năng lực của mình. Báo chí là lĩnh vực khó, đòi hỏi yêu cầu cao mà nếu không tìm tòi, học hỏi thì khó có thể tồn tại được với nghề. Thế là tôi chủ động tìm “thầy”. Bất kỳ lúc nào, bất kỳ ai rủ đi tác nghiệp tôi cũng đi cùng, không ai rủ thì chủ động xin đi làm cùng, và rất may tôi được nhiều người “thương” mà cho đi theo. Còn nhớ trong số rất nhiều đồng nghiệp đi trước có một “lão” để lại ấn tượng không bao giờ quên. Lúc ấy có sự kiện “đi tiếp xúc cử tri”, phóng viên có thể đi cùng xe ô tô của các cơ quan, đơn vị, nhưng “lão” cứ nhất nhất phải đi xe máy. Thế là để bảo đảm công việc, bám sát sự kiện, hai anh em cứ thế phải đi trước đoàn công tác, nhưng lúc về lại rất nhẩn nha. Đi xe máy thì mệt thật, nhưng lúc về mới thấy được giá trị của nó. Đụng đâu làm đó, lúc này “lão” mới chỉ cho tôi cách làm việc và trong đợt tiếp xúc cử tri ấy, “lão” đã giúp tôi thực hiện được ba cái của “Những điều trông thấy”. Hóa ra chỉ đi xe máy mới có đủ không gian, thời gian để quan sát, tìm tòi những điều bất thường trên đường để tác nghiệp. Cứ thế cả tháng trời, rong ruổi khắp nơi cùng những đồng nghiệp đi trước chỉ để xem họ làm việc thế nào. Từ việc tiếp cận thông tin, xử lý thông tin… tôi đều phải học họ.
|
Nghề báo luôn đòi hỏi sự nỗ lực học tập không ngừng để nâng cao trình độ nghề nghiệp. |
Đến khi có thể thực hiện được những tin, bài đầu tiên thì đụng đến khâu biên tập. Còn nhớ có một cái tin thể thao, nhưng tôi viết sao đó mà lãnh đạo phòng “xoay” tôi đến hết buổi chiều. Nản lắm nhưng biết sao được, nhưng cũng may mà nhờ bị “xoay” nên mới rút ra được bài học cho riêng mình. Viết được cái gọi là “sản phẩm” báo chí rồi thì đến chuyện viết sao cho hay, cho thuyết phục. Chuyện này tôi lại phải một lần nữa thầm cảm ơn “người thầy” khác của mình. Một câu nhắc nhở nhỏ nhẹ của người ấy đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn cách sử dụng từ ngữ trong một bài báo. Lúc ấy để truyền đạt một ý kiến của ai đó, tôi chỉ chăm chăm sử dụng mỗi từ “cho biết”. Anh đã gọi tôi ra một quán cà phê cóc và “chửi”: “Chú mày không có từ gì khác ngoài từ “cho biết” à? Sao không sử dụng những từ như: tâm sự, chia sẻ, cho hay… phù hợp với từng ngữ cảnh để thay cho cái từ “cho biết” ấy?”. “Ừ hè” - lúc này tôi mới ngớ người nhận ra sự non kém của mình. Và đến tận hôm nay, nhớ bài học ấy, sau khi hoàn thành mỗi bài viết tôi vẫn phải đọc lại để tìm cái sự “cho biết” ấy hay việc sử dụng ngôn từ có còn tình trạng lặp lại hay không.
Rồi thì khi những tin, bài đầu tiên được đăng báo, nhiều đồng nghiệp cả những người đi trước lẫn những người vào sau lại góp ý về tác phẩm của mình. Mỗi khi trà nước, mọi người lại chỉ ra những cái hay, cái dở (nói thật là dở nhiều hơn hay) trong bài báo của tôi. Và với những góp ý ấy, tôi cũng xem họ như những “người thầy” của mình. Mỗi lần được góp ý lại một lần tôi được học hỏi từ những người xung quanh.
Kể ra thì nhiều lắm những “người thầy” đã giúp tôi trưởng thành hơn trong công việc viết báo, một công việc mà chuyện “học, học nữa, học mãi” luôn có giá trị. Và hy vọng trong chặng đường sắp tới, tôi sẽ tiếp tục được gặp những “người thầy” như vậy…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc