Multimedia Đọc Báo in

Có một "làng chài" dưới cầu Dak Hil

15:11, 09/06/2014

Xuôi theo Quốc lộ 27 hướng Dak Lak - Lâm Đồng, dừng chân ở Km 83  tại cầu Dak Hil thuộc địa bàn 2 xã Nam Ka và Krông Nô (huyện Lak), ai cũng dễ dàng nhìn thấy những chiếc bè cũ kỹ nằm ngang dọc dưới chân cầu. Ở đó, có những con người đang gắn cuộc sống của mình với con thuyền, bến nước tìm kế mưu sinh hằng ngày...

Theo anh Hỉnh (54 tuổi), một người dân sống lâu năm ở đây cho biết, kể từ khi Thủy điện buôn Tua Srah xây dựng trên địa phận xã Nam Ka, trong quá trình tích nước hồ chứa đã làm nước dâng lên; con suối Dak Hil vì thế mà như rộng thêm, lượng nước dồi dào khiến nơi đây tập trung nguồn cá rất lớn, từ đó xuất hiện “làng chài” này. Bà con tụ cư ở đây từ năm 2009; ban đầu chỉ lác đác vài người, sau thì đông dần lên gần 80 người của khoảng 20 hộ như hiện nay. Đa số họ là những di dân nghèo từ các tỉnh miền Tây đến, một số ít là người dân các xã Buôn Triết, Dak Liêng xuống cất bè, kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá.

Men theo con đường dốc đá gập ghềnh, chúng tôi lên chiếc ghe của một người dân trong vùng để đến các “Nhà nổi”. Gọi là “nhà” cho sang chứ thật ra đó chỉ là những chiếc bè được kết bằng tre, gỗ, phủ mái tôn, bạt ni lông để che mưa nắng được đóng cọc cố định gần mép nước. Mọi sinh hoạt của người dân trên bè đều gói gọn trong 15m2, vậy mà vẫn khá đầy đủ vật dụng như ti vi, dàn máy nghe nhạc chạy bằng bình ắc quy… thậm chí họ còn tận dụng diện tích trên bè đổ đất màu trồng rau, nuôi gia cầm. Phần lớn diện tích mặt nước phía trước mỗi “nhà” đều có lồng nuôi cá, rải rác xung quanh là lồng bẫy cá - những chiếc lồng cá nằm san sát nhau từ xa trong như những thửa ruộng nổi trên mặt nước. Trên chiếc bè của mình, chị Thủy (45 tuổi) sống ở làng chài này từ năm 2009 tâm sự: “Tôi là người Đồng Tháp lên đây, vì biết con sông này nhiều cá, không có nhà nên cất bè vừa làm chỗ ở vừa là phương tiện để làm ăn. Tôi lấy giống cá ở miền Tây về đây thả nuôi và hằng ngày đánh bắt cá tự nhiên đem bán ở chợ Krông Nô cũng đủ sống, vì thế vợ chồng tôi quyết định ở đây luôn.” Chị Thủy có một người con gái, lập gia đình ra riêng, nhưng vì kinh tế không khá giả nên cũng sống ở bè đối diện, hằng ngày xẻ cá, phơi khô, rồi đem bán ngay trên cầu Dak Hil. Kinh tế các hộ dân dựa hẳn vào nghề nuôi và đánh bắt cá; nhà nào không có điều kiện, ít người thì chủ yếu nuôi cá trong lồng, nhà đông người, còn khỏe mạnh thì làm từ 6 - 8 chiếc lồng bẫy cá, mỗi đêm bắt được hàng chục kg cá lóc, bống, rô phi... Số cá đánh bắt được sẽ để dành một ít làm thực phẩm cho cả nhà trong tuần, còn lại thì bỏ mối cho các tiểu thương các chợ Lak, Krông Nô, trung bình mỗi hộ thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. “Mùa nước dâng, cá nhiều, có đêm tôi giăng lưới gần được một tạ, phải tranh thủ chứ đến mùa khô thì không có nhiều cá. Đánh được cá nhỏ tôi thả vào lồng nuôi, đợi gần một năm cá lớn mới mang đi bán, nhờ vậy gia đình cũng đủ ăn và sắm được đồ đạc trong nhà”- anh Linh hồ hởi nói.

Làng chài dưới chân cầu Dak Hil.
Làng chài dưới chân cầu Dak Hil.

Anh Y Krang Buôn Krông – Đội phó đội Quản lý hành chính, Công an huyện Lak cho biết: ban đầu làng chài này sinh sống làm ăn theo dạng tự phát, sau đó đã có 19 hộ với 46 khẩu đăng ký tạm trú, tạm vắng với địa phương, trong đó chủ yếu là dân miền Tây, còn lại là người dân các xã Buôn Triết, xã Dak Liêng. Trao đổi với chúng tôi, ông Y KRang NDu – Chủ tịch UBND xã Krông Nô nói: “Chúng tôi thường cử người xuống để nắm bắt cuộc sống của người dân dưới cầu Dak Hil, vận động họ đăng ký tạm trú để tiện cho việc quản lý nhân, hộ khẩu. Tuy nhiên, vì họ sống trên sông nước nên việc quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn. Phía hộ dân cũng còn thiếu sự chủ động trong việc đăng ký tạm trú; đồng thời do công việc của họ là đánh bắt cá, nên địa phương chưa tìm ra được biện pháp thích hợp để hỗ trợ họ làm ăn, sinh sống.”

Tuy đánh bắt cá mang lại kế sinh nhai cho người dân, nhưng cuộc sống sông nước cũng chỉ mang tính tạm bợ, ẩn chứa nhiều rủi ro. “Có hôm mưa lớn gió mạnh, sợi thừng nối cọc với bè của tôi bị đứt, cả nhà phải chạy vội lên bờ để trú tránh. Năm ngoái ở con sông này còn xảy ra một vụ lật thuyền khi đi đánh cá làm chết một người. Vì vậy chúng tôi ai cũng sợ, nhưng lên bờ thì không biết sống ở đâu, làm gì?” - anh Mười buồn rầu nói.

Quanh năm lênh đênh sông nước, bài toán, con chữ là điều quá xa vời với trẻ em làng chài dưới cầu Dak Hil. Chị Thủy cho biết thêm: trẻ em ở đây đều không được đến trường vì bốn bề là sông nước, lên bờ được cũng không ai đưa các em đi học, nhiều em phải theo cha mẹ đi đánh cá từ năm 9, 10 tuổi. Là người mẹ chị cũng khao khát cho con mình được như bao cháu nhỏ khác là lên bờ đi học. Chia sẻ với chúng tôi, những người dân “vạn chài” nơi đây đều mong muốn một ngày nào đó được lên bờ, được có mảnh đất làm nơi sinh sống và tiếp tục làm nghề đánh bắt cá. Để đạt được ước mơ đó cần có sự hợp tác giữa người dân với chính quyền trong vấn đề đăng ký tạm trú, tạm vắng, đăng ký ngành nghề lao động… để địa phương xin chủ trương xây dựng kế hoạch định cư, định canh cho bà con để đề xuất các cấp phê duyệt.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc