Multimedia Đọc Báo in

Hạnh phúc trong gia đình người lính

10:49, 28/06/2014

“Em có làm vợ lính không em?/Cả năm đi xa nhà biền biệt/Nhớ mỏi mòn có được dăm ngày phép/Chưa kịp bén hơi đã lại lên đường” (Thơ của Phạm Thanh Khương).

Dù ở thời chiến hay thời bình, trong những gia đình lính, người vợ góp phần công sức rất lớn trong việc duy trì hạnh phúc. Bởi, trong cảnh thường xuyên vắng mặt người đàn ông của mình, các chị phải gồng mình gánh vác công việc trong gia đình, một mình chăm sóc con cái, nhà cửa, cha mẹ già, là hậu phương vững chắc để chồng chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Không ở bên nhau thường xuyên nên thời gian hiếm hoi ở gần nhau được gia đình người lính trân trọng từng phút giây...

Yêu nhau suốt 3 năm rồi mới kết hôn song chị Đặng Thị Thúy Thanh, ở thôn 8, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) cũng chẳng thể lường hết được những khó khăn khi trở thành vợ lính. Chồng chị là Trung úy Bùi Văn Kiên công tác tại Lữ đoàn Đặc công bộ 198 mỗi năm chỉ có được hơn 20 ngày phép, còn lại toàn tranh thủ theo kiểu “chớp nhoáng”: thường thì vào cuối tuần, tối thứ 6 anh ghé qua nhà, sáng thứ 7 lại phải về đơn vị sớm hoặc chỉ tranh thủ về nhà được chừng một tiếng buổi trưa; hay khi vợ sinh con, anh Kiên cũng chỉ về thăm được một ngày. Chồng vắng nhà thường xuyên, mọi việc trong nhà đều do chị Thanh cáng đáng, lo liệu. Gia đình chồng ở tận ngoài Bắc, may mắn là nhà bố mẹ chị Thanh lại ở Ea Kar, thế nên bà ngoại toàn phải đi về giữa Buôn Đôn – Ea Kar để phụ con gái chăm các cháu. Chị Thanh tâm sự: “Cực và tủi nhất là những lúc con đau ốm mà chỉ có một mình. Lúc ấy thèm lắm một bàn tay hay một bờ vai đàn ông vững chắc cùng chia sẻ khó khăn. Thế mà khi con ốm phải nhập viện thì anh ấy cũng chỉ tranh thủ ghé thăm con được một lúc rồi về đơn vị. Nhưng chỉ tủi thân chút thôi, rồi mình sẽ lại cố gắng vượt qua bởi làm vợ người lính thì phải chấp nhận điều ấy, mình phải là hậu phương vững chắc để anh còn yên tâm công tác”. Với suy nghĩ như vậy, người vợ trẻ của anh lính đặc công lúc nào cũng đảm đang, tần tảo, chăm lo chu đáo mọi việc trong nhà. Vừa nuôi hai đứa con gái nhỏ, chị Thanh vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cán bộ văn hóa xã, vừa thu vén việc nhà, chăm sóc 4 sào cà phê ở Ea Kar. Thấm thía cảnh xa nhau thường xuyên nên mỗi khi vợ chồng, con cái có dịp quây quần thường là những giây phút hạnh phúc, trong ngôi nhà nhỏ mới xây luôn rộn vang tiếng cười, “chẳng có thời gian mà giận dỗi”.

Nhiều năm, chị đưa các con lên đơn vị đón Tết cùng với bố. Chị Thanh bảo: “Trong đơn vị của anh, có nhiều cặp vợ chồng xa nhau biền biệt, kẻ Nam người Bắc, lại hiếm muộn nên toàn tranh thủ từng ngày phép một với hy vọng có một đứa con. Ít ra mỗi tháng vợ chồng mình còn gặp nhau vài lần, dù là ít ỏi nhưng vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều người khác”.

Chị Đặng Thị Thúy Thanh (bìa trái) luôn chăm sóc hai cô con gái  chu đáo, lo lắng việc nhà để chồng yên tâm công tác.
Chị Đặng Thị Thúy Thanh (bìa trái) luôn chăm sóc hai cô con gái chu đáo, lo lắng việc nhà để chồng yên tâm công tác.

Với 10 năm làm vợ lính biên phòng, chị Phạm Thị Thúy ở thôn 15, xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) rất thấm thía nỗi vất vả “khi chồng thường xuyên vắng nhà”. Chị và chồng là Thiếu tá Nguyễn Anh Hùng (Đồn Biên phòng 735) gặp và yêu nhau từ năm 2002, đến năm 2005 thì cưới. Chị bảo: khi yêu lính đã thấy thiệt thòi bởi thời gian gặp nhau rất ít, công việc của chị cũng bận rộn nên có thứ bảy anh từ đơn vị ghé thăm người yêu thì chị lại đang bận làm việc. Cũng có không ít lần giận dỗi nhưng rồi tình cảm của anh làm chị cảm động, chấp nhận làm vợ lính dù biết rằng mình sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Lấy nhau rồi, chị tập cho mình nếp sống chủ động, tự xoay sở, xử lý mọi việc, sẵn sàng cho những tình huống khó khăn khi chồng không có nhà. Chị Thúy tâm sự: “Gia đình nội ngoại đều ở xa, chồng thường xuyên vắng nhà nên mình học cách tự xử lý mọi việc. Những việc không tự xoay sở được thì mình nhờ sự trợ giúp của bà con lối xóm hoặc đồng nghiệp trong cơ quan. Có lần con sốt cao, co giật, mình nhờ hàng xóm đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu, đến khi bệnh tình cháu ổn định thì mới báo với chồng. Mình chỉ nghĩ đơn giản: những lúc như thế mà báo với chồng thì anh ấy cũng chẳng thể về được, lại còn thêm lo lắng, phân tâm và sao nhãng công việc trong khi nhiệm vụ của người lính ở biên cương rất khó khăn, gian khổ”. Cứ thế, không biết bao lần con ốm, gặp khó khăn về kinh tế, chị đều âm thầm tự xoay sở. Thế mà việc chăm con, việc cơ quan, việc gia đình hai bên nội, ngoại chị đều chu toàn để anh yên tâm công tác. Hiểu nỗi vất vả của vợ, mỗi khi được nghỉ, anh Hùng đều dành trọn vẹn cho vợ con. Mỗi khi chồng ở nhà, chị Thúy có cảm giác “mình sướng như bà hoàng” bởi như để bù đắp cho vợ, anh Hùng giành làm tất cả mọi việc trong nhà, chị đi làm về là có cơm, canh nóng sốt để ăn. “Chồng mình, và có lẽ nhiều người lính khác cũng vậy, không lãng mạn, không màu mè mà thể hiện tình cảm bằng sự quan tâm, bằng hành động. Ở gia đình nào cũng vậy, nhất là trong gia đình bộ đội, sự chia sẻ luôn là sợi dây gắn kết vợ chồng. Mình luôn cố gắng làm tròn vai trò người vợ, người mẹ để chồng yên tâm công tác; còn anh ấy luôn hiểu, chia sẻ, động viên vợ; vì thế, vợ chồng mình, có nhiều lúc thật sự vất vả, chông gai nhưng những giây phút bên nhau vô cùng vui vẻ, đầm ấm. Còn mình, sau 10 năm kết hôn, vẫn cảm thấy thật hạnh phúc khi làm vợ một người lính”.

Còn nhiều nữa những người vợ lính như chị Thanh, chị Thúy, sẵn sàng chấp nhận sự thiệt thòi, khó khăn, vất vả mà lo chu đáo công việc con cái, gia đình để chồng yên tâm công tác. Nhờ các chị, ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình những người lính, luôn được giữ gìn và cháy mãi...

 Hải Như


Ý kiến bạn đọc