Multimedia Đọc Báo in

Ngày đầu vào nghề báo

20:44, 25/06/2014
Ngày đó cách đây 5 năm, khi ấy tôi mới tốt nghiệp ra trường, nhận tin sẽ được thử việc tại một tòa soạn báo chuyên nghiệp ở ngay chính nơi mình sinh ra và lớn lên, trong bối cảnh bạn bè cùng lứa ra trường, đang mòn gót tìm việc hết nơi này đến nơi khác, thì đây quả là niềm vui không gì kể xiết đối với tôi.
 
“Mình trở thành phóng viên ư? Có tin nổi không vậy?”- tôi cứ tự đặt những câu hỏi trong đầu để… kiểm chứng sự thật, rồi bao nhiêu nhiệt huyết, kỳ vọng được tôi “gom” vào hết trong con tim để hăm hở đến với nghề.  Song, niềm vui chưa dứt thì đi kèm với đó là bao nhiêu nỗi lo phía trước…
 
Đối với một phóng viên trẻ mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm thì chuyện tác nghiệp đã khiến tôi gặp không ít khó khăn. Riêng việc hẹn được cơ sở để người ta đồng ý tiếp và cung cấp tư liệu cho mình cũng không phải là chuyện dễ. Không ít lần cố gắng thuyết phục nhưng tôi đều bị cơ sở từ chối gặp hoặc không cung cấp thông tin. Chưa kể, có những hôm dù đã có lịch hẹn làm việc tại một xã vùng sâu của huyện Ea Kar, song, đến nơi đợi mãi mà không thấy người cần gặp,  hỏi ra mới biết lý do “chị có việc bận không tiếp em được”. Công sức chạy xe máy vượt quãng đường dài hơn 60 cây số giữa những cơn mưa đầu mùa xối xả trở thành “công cốc”, khiến tôi vừa buồn, vừa ấm ức… muốn bật khóc (!).

Những bài giảng, kiến thức được trang bị trên giảng đường hóa ra lại khác rất nhiều so với thực tế công việc tôi làm. Trong lúc thu thập thông tin, tìm hiểu về một vấn đề nào đó, không ít lần tôi bắt gặp những câu trả lời “em nói gì, tôi không hiểu”, hay  như “em nói nhanh quá, hãy chậm lại…”, thì ra, do cách tôi đặt câu hỏi quá dài và nhiều ý, cộng với tốc độ nói nhanh khiến người được phỏng vấn không kịp nghe, hiểu. Chưa hết, gặp những nhân vật khó tính thì họ còn yêu cầu xuất trình Thẻ Nhà báo, giấy  tờ này nọ…, nhưng “dị ứng” nhất vẫn là lúc bắt gặp những câu hỏi “Em vào nghề được mấy năm rồi... làm tôi cảm thấy tự ái. Những ngày đầu tiên đi làm còn quá nhiều bỡ ngỡ, va vấp…, đôi khi khiến tôi nản chí, tự nhủ: “liệu mình có làm nổi công việc này không?”, “Nghề báo có hợp với mình không?”. Thế nhưng, những suy nghĩ ấy dần tan biến khi tôi được các anh chị đồng nghiệp, những lớp người đi trước chỉ bày cho tường tận cách thu thập thông tin hiệu quả, làm thế nào để thuyết phục nhân vật “mở lời”, cũng như được chia sẻ về đạo đức của nghề báo và những cách xử lý tình huống cụ thể…

Phóng viên Báo Dak Lak làm việc tại tòa soạn. Ảnh: Hoàng Gia
Phóng viên Báo Dak Lak làm việc tại tòa soạn. Ảnh: Hoàng Gia

Nhờ học được sự kỹ tính và khắt khe của công việc từ các anh chị đi trước, tôi tự tin hơn với cách tiếp cận thông tin, xử lý tình huống trong quá trình tác nghiệp, dần biết cách triển khai một bài viết chứa đựng vấn đề mà bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên, “tai nạn” nghề nghiệp không phải là không có. Những “sai phạm nhỏ nhưng hậu quả to” như lỗi chính tả, có khi biến một từ thành ý nghĩa khác, hoặc phải “chạy đua” với thời gian để bảo đảm tiến độ bài viết nên dễ dẫn đến sai sót…, dần làm tôi nhận ra phải nghiêm túc và chỉn chu hơn với nghề mình đã chọn, dù chỉ là một dấu chấm câu.

Sau những bài viết được đăng trên mặt báo, những va chạm ở cơ sở cũng dần giúp tôi trưởng thành hơn với nghề, cùng những trải nghiệm thú vị. Khi tác nghiệp, gặp những trường hợp nhân vật không chịu nói cũng khổ, gặp phải người nói nhiều càng… khổ hơn. Song, những chuyện như vậy, giờ đã không còn… “làm khó” tôi nữa. Với nhân vật cứ thao thao bất tuyệt, thích nói nhiều, thậm chí, có khi nói hết cả buổi trong khi lượng thông tin tôi cần chẳng được là bao, gặp trường hợp này, tôi chủ động tìm cách “lái” họ tập trung vào trọng tâm các sự kiện, thông tin tôi cần.

5 năm làm báo, thời gian chưa nhiều, nhưng cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc với nghề cùng không ít buồn, vui. Song, điều mà tôi học được từ những ngày đầu tiên mới vào nghề, đến bây giờ và mãi về sau vẫn luôn trong tôi mỗi khi cầm bút là phải “viết sao cho thật gần gũi, dễ hiểu và có trách nhiệm…”.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc