Multimedia Đọc Báo in

Nghề báo và những chuyến đi

09:16, 29/06/2014

Đi thực tế là nhu cầu tự thân của mỗi nhà báo. Đi để khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm và viết điều con tim thôi thúc. Với tôi, dù khi mới vào làm báo,  hay bây giờ, khi đã có nhiều năm trong nghề tôi vẫn hăm hở đi và viết - để được là chính mình…

Bài học đầu tiên...

Ngày đầu mới vào nghề hăm hở đi cơ sở là để tìm hiểu về một vùng đất, con người; thì giờ đây đi cơ sở là để tìm câu trả lời cho những băn khoăn, trăn trở trước những vấn đề cuộc sống đặt ra. Cuối năm 2000, tôi bước chân vào làng báo đúng thời điểm xảy ra “điểm nóng” ở một số buôn làng khu vực Tây Nguyên. Là phóng viên trẻ, tôi được lãnh đạo cơ quan cho tháp tùng Đoàn nhà báo của Đài Truyền hình Việt Nam về các “điểm nóng” trên địa bàn tỉnh để thực hiện những phóng sự nhằm phản bác lại luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu. Gần một tháng ròng rã đi khắp các địa phương trong tỉnh, gặp hàng trăm nhân vật nhưng tôi chẳng thực hiện được bài viết nào liên quan đến đề tài này, ngoài những mẩu chuyện về một số nông dân sản xuất giỏi. Hôm chia tay, một anh trong Đoàn vỗ vai tôi và nói: “Cảm ơn em vì đã đồng hành cùng anh chị em trong suốt thời gian công tác ở Dak Lak. Làm báo cần có thời gian em ạ! Ngoài kiến thức chuyên môn học ở nhà trường, phải có “kiến thức nền”, có kinh nghiệm sống và kỹ năng giao tiếp. Đề tài này quá sức với một phóng viên mới toanh như em!”. Lời động viên ân cần ấy đã xóa tan sự lo âu trong tôi. Công việc của phóng viên “tay ngang” khá vất vả, tôi không để thời gian để chiêm nghiệm về điều mà bậc đàn anh đã chia sẻ, nhưng qua chuyến đi ấy tôi thấy mình trưởng thành hơn trong suy nghĩ, cẩn trọng trong khai thác, xử lý thông tin, đặc biệt là tự tin trong giao tiếp-những điều này không nằm trong giáo án ở giảng đường đại học.

Các nhà báo đi thực tế tại biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam).
Các nhà báo đi thực tế tại biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam).

Có một nhà báo lão thành đã nói: muốn làm báo giỏi phải chịu khó học. Tôi có dịp nhận rõ điều này hơn tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ “Ảnh báo chí” do Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức tại Đà Nẵng. Ngoài lĩnh hội những kiến thức về ảnh báo chí, học viên còn được Nhà báo Khắc Hường, Trưởng phòng Ảnh (Báo Nhân dân) chia sẻ kinh nghiệm 40 năm cầm máy; đặc biệt là truyền lửa yêu nghề. Thời gian tập huấn gói gọn trong 3 ngày với những chuyến đi thực tế, hơn 20 nhà báo đến từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã học hỏi, chia sẻ những khó khăn trong quá trình tác nghiệp qua ống kính máy ảnh, xử lý ảnh. Một đồng nghiệp công tác tại Báo Quảng Nam khi đi thực tế trên sông Thu Bồn kể : “Gần 20 năm đi dọc dòng sông này, bấm hàng nghìn tấm ảnh về đời sống của bà con ngư dân, nhưng mỗi lần đưa máy lên lại có một cảm xúc mới!”. Đồng nghiệp này kể tiếp: “Mình có thói quen rong ruổi bằng xe máy đi khắp các địa phương trong tỉnh, ở lại với bà con vài ba ngày. Chỉ khi thật sự gần gũi, thân tình, bà con mới kể cho mình nghe nhiều câu chuyện mà khi ở diễn đàn hội nghị khó có thể sẻ chia - đó là nguồn tư liệu quý giá cho những tác phẩm báo chí ấn tượng, độc đáo”. Lời trần tình của đồng nghiệp đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi phải “cháy hết mình” hơn nữa cho nghề, đặc biệt là không đi bên lề cuộc sống.

Được là chính mình

So với đồng nghiệp công tác ở các cơ quan báo chí Trung ương, cánh nhà báo địa phương chỉ loanh quanh trong tỉnh - đây là một thiệt thòi, nhưng chúng tôi không lấy làm buồn bởi còn quá nhiều nơi ở Dak Lak vẫn chưa được khám phá hoặc chưa có nhiều thời gian “sống” cùng.  Gần 15 năm gắn bó với nghề báo, tôi không nhớ mình đi bao nhiêu huyện trong một tháng, một năm; chỉ biết rằng mỗi lần đi là một lần khám phá, trải nghiệm, được thỏa sức giải đáp những thắc mắc. Còn nhớ cách đây không lâu, tôi về xã Cư San (cách trung tâm huyện M’Drak hơn 60 km) phản ánh tình hình hạn hán. Trong lúc phỏng vấn một nông dân, anh chép miệng: “Nông dân muôn đời vẫn khổ. Từ lúc gieo hạt xuống đất thấp thỏm nhiều mối lo: thời tiết thất thường, sâu bệnh và đầu ra sản phẩm không ổn định. Nhiều nông dân đắng lòng khi mía khô nổ cả vỏ mà chẳng thấy thương lái nào đến thu mua!” Câu chuyện của anh nông dân cứ luẩn quẩn trong đầu, tôi quyết định ghé vào một cánh đồng mía ở xã Ea Pil (huyện M’Drak) để tìm hiểu. Cả một vùng nông thôn yên ả như bừng dậy khi thấy ánh đèn xe ô tô chạy vào. Bà con đang trông chờ những chuyến xe đến bốc mía vì đã chặt nằm phơi đồng nhiều ngày qua. Niềm hy vọng tắt dần khi biết chúng tôi đi… tìm nhà người quen. Sáng hôm sau tôi lên cơ quan thật sớm kể câu chuyện này với một phóng viên trong Tòa soạn, hai anh em quyết định về tận nơi tìm hiểu sự tình. Trước lúc đi, chúng tôi điện thoại cho Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ea Kar nhưng rất tiếc đơn vị không quản lý diện tích mía và giới thiệu qua Hội Nông dân huyện.

Quá bức xúc trước vất vả của bà con nông dân, lãnh đạo Hội Nông dân đã đưa chúng tôi về vùng chuyên canh mía để phản ánh thực trạng này và tìm hướng tháo gỡ giúp nông dân. Vượt đoạn đường hơn 70 km gồ ghề, giữa cái nắng gay gắt mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi có mặt tại xã Ea Sô - điểm nóng của tình trạng “mía khê” trên đồng. Ngán ngẩm với cây mía, bà con nơi đây đang loay hoay tìm một loại cây trồng khác để thay thế. Chưa thỏa mãn, chúng tôi quyết định đến xã Ea Pil (huyện M’Drak) ngay buổi trưa hôm ấy. “Được gãi đúng chỗ”, Chủ tịch xã đã phân tích “thiệt đơn thiệt kép” của người trồng mía; chỉ ra những bất cập trong quản lý nông nghiệp hiện nay. Bất chấp cái nắng như đổ lửa, bụng đói, hai anh em vội vàng “phóng xe” về Tòa soạn làm một phóng sự ảnh “Dak Lak: mía khê trên đồng” đăng trên Báo Dak Lak online và bắt tay thực hiện bài phản ánh “Mía - không còn ngọt!” cho báo in. Kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc, trăn trở, suy tư nhưng chúng tôi cảm thấy vui vì đã hoàn thành công việc.

Hay cách đây vài tháng, đang đi họp, nhận được tin báo của giáo viên Trường THCS Cư Drăm (huyện Krông Bông) có 5 em học sinh bị sập hầm cát tử vong. Tim tôi thắt lại! Tôi muốn đi về tận nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm thật nhanh, nhưng trời tối, đường xa đành theo dõi diễn biến vụ việc qua thông tin của các đồng nghiệp. Tôi cảm thấy mình thật có lỗi với các em. Bởi đã nhiều lần phản ánh về hành trình nhọc nhằn đi tìm con chữ của những học sinh người Mông ở xã căn cứ Cư Đrăm; kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để các em có một chỗ ở ổn định yên tâm học tập, nhưng rất tiếc những trăn trở của báo chí chưa đủ sức lay động con tim của những người có trách nhiệm. Khi thông tin về vụ tai nạn được đưa dồn dập trên các báo, tôi suốt đêm không thể chợp mắt, bật dậy mở máy tính viết một mạch suy ngẫm “Xung quanh vụ 5 học sinh  chết ở xã Cư Drăm (huyện Krông Bông): Giá như!” (Báo Dak Lak số ra ngày 17-3-2014) như một nén tâm nhang gửi đến những học sinh xấu số. Sự cám cảnh ấy đã được giải tỏa, mới đây Giám đốc Sở GD-ĐT Phan Hồng cho biết, sau vụ tai nạn trên, ngành Giáo dục, các ngành chức năng và UBND huyện Krông Bông đã đồng ý đầu tư kinh phí sửa chữa một số phòng học cũ làm nhà bán trú cho học sinh trong năm học mới.

Có những chuyến đi cơ sở “bội thu” tin, bài, ảnh chất lượng, được bạn đọc đón nhận, đánh giá cao; song cũng không hiếm chuyến đi “trắng tay” bởi nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng có một điều chắc chắn rằng thời gian công sức mà chúng tôi bỏ ra không uổng phí, bởi cuộc sống luôn đặt ra cho nhà báo nhiều điều suy ngẫm, trăn trở…

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc