Multimedia Đọc Báo in

Nghề phun thuốc mướn: Mưu sinh cùng chất độc!

09:07, 15/06/2014

Trong nhiều nghề làm thuê kiếm sống, có lẽ công việc phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mướn là một trong những nghề nguy hiểm, bởi hằng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Tuy nguy hiểm là vậy nhưng không ít người vẫn chấp nhận vì “chén cơm manh áo”…

Nghề thu nhập khá

Dak Lak là tỉnh thuần nông, có lợi thế về diện tích cây trồng rộng lớn và đa dạng, đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương. Nhiều hộ gia đình có diện tích cây trồng lớn, thiếu người chăm sóc cây trồng để kịp thời vụ nên nhu cầu thuê người làm là rất lớn. Cũng có nhiều người “ngại” tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV độc hại nên sẵn sàng thuê người khác làm thay. Theo đó, nghề phun thuốc BVTV mướn đang trở nên khá phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh với thu nhập khá cao.

 Suốt mấy năm nay, anh Lê Văn Hoài ở xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) là “mối” phun thuốc mướn của hàng trăm hộ dân nơi đây. Theo anh Hoài, những năm gần đây thời tiết của vùng Tây Nguyên nắng mưa thất thường nên các loại dịch bệnh hại cây trồng phát triển mạnh; những cánh đồng lúa, vườn cà phê, cây ăn trái khi bước vào mùa dưỡng sức cũng cần đến vài liều thuốc kích thích, thuốc phòng trừ sâu bệnh thì cây mới phát triển tốt được. Xoa đôi bàn tay gân guốc sạm đen của mình vào vạt áo, anh Hoài cho biết: Đối với những vườn cà phê, cây ăn trái hay cây rừng trồng có diện tích rộng thì phải dùng máy bơm hỗ trợ và bồn chứa nước cỡ hàng nghìn lít, người lao động chỉ việc kéo vòi bơm đi khắp rẫy. Tiền công phun mỗi héc ta được chủ vườn chi trả từ 500.000-1triệu đồng. Do tiếp xúc với thứ hóa chất độc hại này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên tiền công bao giờ cũng cao hơn những công việc khác.

Nghề phun thuốc BVTV mướn đang khá phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Nghề phun thuốc BVTV mướn đang khá phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Còn những người canh tác ở cánh đồng lúa xã Cư Ni, huyện Ea Kar, ai cũng biết đến anh Trần Đình Mạnh, người có thâm niên gần 10 năm làm nghề phun thuốc trừ sâu mướn. Mới 37 tuổi nhưng trông anh gầy gò, hốc hác, nước da đen sạm và già hơn so với cái tuổi của mình. Kể cho chúng tôi nghe lý do gắn bó lâu với nghề này, anh Mạnh phân trần: “Nghề phun thuốc mướn thường có việc đều quanh năm, mà thu nhập khá. Nếu chịu khó làm khoảng 1 tuần sẽ có tiền triệu trong nhà, hơn hẳn một số công việc làm thuê vất vả khác. Đây lại là nghề tự do nên chẳng phải lo nghĩ nhiều, mệt thì nghỉ, khỏe làm tiếp”. Đối với những người hành nghề phun thuốc mướn như anh Mạnh thì chỉ cần sắm một bình phun loại 20 lít, một cái xô, ca nhựa, bộ quần áo lao động, đôi ủng cao su…, vậy là có thể sử dụng quanh năm. Với giá tiền công phun thuốc hiện nay là 20.000 đồng/bình, mỗi ngày anh Mạnh phun được khoảng 15 bình, cũng kiếm được 300.000 đồng/ngày.

Độc hại khôn lường

Theo thống kê của Chi cục BVTV tỉnh, hiện nay trên địa bàn Dak Lak có khoảng 1.000 loại thuốc BVTV từ các dòng sản phẩm phòng-trừ sâu bệnh, đến thuốc kích thích cây trồng phát triển nhanh. Hầu hết các loại thuốc này đều có hàm lượng độc tố cao đối với con người. Vì vậy, nếu vô tình để thuốc dính vào mắt, vết thương hở trên cơ thể, hay trực tiếp với da... sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng.

Nghề phun thuốc BVTV mướn là công việc thường xuyên phải tiếp xúc với chất độc hại, đòi hỏi người lao động phải trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ cần thiết như quần áo dài, tạp dề bằng nilon hay vải không thấm ướt, mũ, khẩu trang, kính, đồng thời có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tiếp xúc với thuốc không quá 6 giờ/ngày…. Thế nhưng trên thực tế hiện nay, ít ai cẩn thận trang bị cho mình những trang phục bảo hộ lao động an toàn, lại thường xuyên làm việc quá mức nên thường gặp những rủi ro, suy kiệt sức khỏe khi hành nghề. Thực tế, đã có không ít trường hợp do thiếu thận trọng trong việc phun thuốc BVTV mà lãnh hậu quả như anh Lê Vinh ở xã Ea Hu, huyện Cư Kuin. Anh Vinh nhớ lại: Đó là lần phun thuốc thuê cho một hộ dân trong xóm cách đây 2 năm, anh vô tình trượt chân làm bình thuốc sâu mang trên lưng bật nắp đổ vào người. Cũng vì chủ quan không thay quần áo và tắm rửa ngay, anh Vinh lại tiếp tục đổ bình thuốc khác để phun. Liền sau đó anh cảm thấy mặt mày choáng váng và ngất ngay tại rẫy cà phê. May mắn có người phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời. Anh Vinh tâm sự: “Biết rằng tiếp xúc thường xuyên với thuốc độc mỗi ngày là rất nguy hiểm, nhưng vì mưu sinh nên chấp nhận… liều”. Hiện nay anh Vinh vẫn còn tiếp tục hành nghề nhưng cường độ công việc giảm hơn hẳn chứ không “chạy sô” như những năm trước nữa. Hiện các ngón tay, bàn chân của anh bị kích ứng da, xuất hiện các vết đỏ, rất ngứa, điều trị nhiều năm vẫn không khỏi. Hay như trường hợp của anh Nguyễn Văn Công ở xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin). Vào khoảng cuối năm 2013, khi anh đang phun thuốc mướn thì vô tình để thuốc sâu bay vào mắt. Cứ nghĩ là bình thường nên anh chỉ rửa qua loa bằng nước dưới mương gần đó. Hậu quả là chỉ ít lâu sau, một bên mắt của anh bị lòa hẳn. Giờ đây anh Công đã bỏ hẳn nghề phun thuốc mướn mà chuyển sang bán vé số dạo. Anh buồn rầu kể: “Trước đây làm nghề phun thuốc cũng kiếm được khá tiền. Ngày đó cảm thấy sức còn khỏe nên ham “chạy sô” nhiều lắm. Nhưng khi bị bệnh nằm một chỗ thì bao nhiêu tiền kiếm được từ cái nghề này rồi cũng hết, giờ đây phải chịu cảnh tật nguyền, cuộc sống lại càng khó khăn hơn trước”.

Ông Nguyễn Huy Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo: Để hạn chế tình trạng phơi nhiễm thuốc, người phun thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn pha, phun thuốc và trang bị cẩn thận quần áo bảo hộ lao động. Sau khi tiếp xúc với thuốc nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Nếu có các triệu chứng, như: đau đầu, chóng mặt, nôn ói..., người phun thuốc cần đến các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời. Bên cạnh đó, các địa phương cần có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ người lao động nông thôn, đặc biệt là người phun thuốc thuê. Sự quan tâm của cộng đồng gắn liền với công tác nâng cao nhận thức cho nhóm lao động này là rất cần thiết. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng các mô hình sản xuất hữu cơ, hướng tới giảm thiểu và loại trừ thuốc BVTV.           

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc