Nhà báo và biển đảo
Biển đảo, Trường Sa, Hoàng Sa là một phần không thể tách rời chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc luôn gợi lên nhiều xúc cảm trong trái tim người Việt Nam. Mỗi chuyến hành trình đến với biển đảo quê hương đã trở thành kỷ niệm đẹp với mỗi người, đặc biệt là những nhà báo.
Chạm vào lòng yêu nước
Mặc dù đã 2 lần đi biển đảo Trường Sa, nhưng chuyến đi Hoàng Sa vừa qua đã để lại cho nhà báo Đặng Trung Kiên (Báo Lao động) bao xúc cảm sâu sắc. Tại văn phòng đại diện miền Trung đóng ở Đà Nẵng, 16 giờ ngày 20-5, anh nhận được thông báo đi Hoàng Sa tác nghiệp và được yêu cầu chậm nhất 16h 30 phải có mặt trên tàu CSB 2016 để xuất phát từ cảng Tiên Sa. Do thời gian gấp gáp, Trung Kiên không kịp chuẩn bị gì ngoài chiếc điện thoại vệ tinh, máy ảnh, máy quay phim và đúng... một bộ quần áo. Sau 1 ngày đêm tàu ra đến vùng biển Hoàng Sa gần khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển nước ta. Khoảng 8 giờ tối ngày 21-5, anh đi xuồng sang tàu kiểm ngư HP 926 tác nghiệp. Ít phút sau khi lên tàu HP 926, vừa chào hỏi, làm quen chỉ huy tàu, chỉ huy biên đội, chưa kịp ăn uống gì thì có báo động do 2 chiếc tàu Trung Quốc lừng lững pha đèn sáng quắc lao tới. Tàu kiểm ngư của lực lượng chấp pháp Việt Nam bật còi báo động; Trung Kiên và nhà báo Công Khanh – Báo Tiền phong lập tức lên cabin tác nghiệp. Tàu Trung Quốc xua đuổi, áp sát nên tàu của ta phải tăng tốc để tránh va chạm, chiếc tàu chao đảo, lắc lư dữ dội. Sau 15 phút rượt đuổi, hai tàu Trung Quốc chuyển hướng. Qua lời thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy, các anh được biết: mỗi lần tàu ra, có người mới thì tàu Trung Quốc đều đến thăm dò và đe dọa. Những ngày sau, tàu kiểm ngư liên tục bị truy đuổi, uy hiếp vì thường xuyên cơ động áp sát giàn khoan để thực thi nhiệm vụ chấp pháp, phát loa tuyên truyền khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển này.
Trong chuyến đi tác nghiệp lần này, nhà báo Đặng Trung Kiên nhớ nhất ngày 23-5. Suốt cả buổi sáng hôm ấy, phía trước tàu kiểm ngư HP 926 là tàu CSB 4032 của ta bị các tàu hải cảnh 44001, 37011 Trung Quốc rượt đuổi nghẹt thở từ phía giàn khoan ra, phía trên có một máy bay cánh bằng do thám, phía sau là tàu Hữu Liên 9 đang phun vòi rồng, đuổi theo tìm cách đâm va. Rồi tàu Hữu Liên 9 đâm vào mạn trái tàu HP 926, gác hẳn phần mũi lên khiến tàu của ta chao đảo, đồ đạc rơi loảng xoảng. Chứng kiến tình hình căng thằng trên biển Đông, nhà báo Kiên hết sức khâm phục, tự hào về những người đang thực thi nhiệm vụ, ngày đêm can trường bám biển không ngại gian khổ, hy sinh, và anh cảm nhận rõ nhất lòng yêu nước qua những việc làm, con người cụ thể. Đặng Trung Kiên tâm sự: “Khâm phục biết bao khi có người chuẩn bị lên tàu ra Hoàng Sa thì được tin bố mất, hoặc người thì vợ sắp sinh, được đơn vị cho phép ở lại đi chuyến sau, nhưng vẫn lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trên chuyến tàu ấy, có những người như anh Đỗ Văn Cành, Nguyễn Văn Chinh… tuổi chỉ 18-20 nhưng hết sức dũng cảm. Khi tàu ta bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng, họ vẫn kiên trì bám trụ để giải vây cho tàu kiểm ngư Việt Nam. Trên sóng gió Hoàng Sa, họ luôn hướng về Tổ quốc, hướng về đất liền…”.
Nhà báo Đặng Trung Kiên trên vùng biển Hoàng Sa. |
Về chuyến đi để đời này, anh Kiên cho biết, những khi tàu Việt Nam bị truy đuổi, anh hết chạy ra trước mũi lại vòng về phía sau, vừa quay phim, vừa chụp ảnh. Tuy nhiên, sóng to gió lớn, tàu chao lắc, nên việc tác nghiệp rất khó khăn, máy quay zoom 50X chỉ cần lắc nhẹ là sai lệch hình ảnh. Trên tàu, hệ thống thông tin liên lạc bị vòi rồng phun sập angten vinasat, không thể gửi mail hình ảnh, thông tin về tòa soạn nên phải đọc qua điện thoại vệ tinh, kịp thời chuyển về đất liền những thông tin nóng hổi về tình hình thời sự trên biển và tinh thần kiên cường của những người đang thực thi nhiệm vụ; đây cũng là niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của anh và đồng nghiệp trước đất nước, nhân dân.
Thêm yêu biển đảo quê hương
Có lẽ, những người làm báo ai cũng mong muốn một lần trong đời được đặt chân đến “nơi đảo xa”, bởi đó là nơi mang những khát vọng thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc, khát vọng ngàn đời và cả máu xương của thế hệ cha ông. Nhà báo Nguyễn Việt Cường (Báo Dak Lak) tự nhận thấy mình được may mắn hơn rất nhiều người khi đã có dịp được đi thăm các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa... Đã nhiều năm trôi qua, nhưng anh vẫn nhớ như in cái cảm giác bị sóng nhồi lắc sau những ngày lênh đênh trên biển và bao cảm xúc không thể nói nên lời. Anh là một trong những người vinh dự cùng đoàn cán bộ tỉnh Dak Lak và một số địa phương khác đi thăm Trường Sa trong thời gian 12 ngày vào tháng 4-2008. Hồi đó, anh và đoàn ghé qua các đảo Trường Sa Lớn, Đá Lát, Núi Le, Trường Sa Đông…, cơ sở vật chất còn chưa khang trang, nước ngọt chưa có, đời sống của người dân và các chiến sĩ hải quân trên đảo còn rất khó khăn. Tuy nhiên, điều anh cảm thấy yêu quý, tự hào là những người lính đảo can trường, vượt qua nỗi nhớ nhà, sự thiếu thốn cùng những khắc nghiệt của thiên nhiên để ngày đêm giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Điều khiến anh xúc động nhất là “một nghĩa trang giữa trùng dương”. Anh nhớ lại: khi vừa đặt chân lên đảo Trường Sa Đông, anh ngỡ ngàng khi nhìn thấy 3 nấm mộ nhỏ trên doi cát giữa bao la biển khơi của những chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Thắp nhang cho các liệt sĩ mà người anh lặng lại vì xúc động. Dưới lòng đất đảo, các liệt sĩ Nguyễn Văn Thi (Thanh Hóa), Vương Viết Mão (Nghệ An) và Quách Hoàng Lâm (TP. Hồ Chí Minh) đang yên nghỉ, được đồng đội khói hương thăm viếng hàng ngày. Trong giây phút ấy, anh trân trọng gửi gắm đến linh hồn các liệt sĩ niềm tri ân thành kính của đồng bào nơi đất liền và cầu mong trời yên biển lặng để các anh được yên giấc nghìn thu, phù hộ cho đồng đội các anh thêm vững tay súng nơi trùng khơi sóng vỗ...
Trong khi đó, nhà báo Trần Công Hoan (Báo Sài Gòn giải phóng) cũng là một trong những nhà báo may mắn được đặt chân đến quần đảo Trường Sa. Chuyến đi của anh bắt đầu từ chiều 15-12-2012, cùng với khoảng 400 chiến sĩ, sĩ quan và phóng viên các báo xuất phát tại Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) do Vùng 4 hải quân và Lữ đoàn 198 tổ chức. Theo lịch trình, đoàn sẽ lên đảo Song Tử Tây sau 3 ngày đêm, nhưng đến ngày thứ 2, tàu HQ 996 gặp bão số 7 nên phải đi lòng vòng trên biển mất 5 ngày mới đến được gần đảo. Từ trên cầu tàu, có hàng trăm người dân chờ đợi vẫy chào. Họ cười nói, hô vang và hớn hở đón chúng tôi như đón những người thân đi biển lâu ngày trở về. Từ cái bắt tay cho đến lời chào của những người chưa quen sao ấm lòng đến thế. Sau những ngày chờ đợi, cuối cùng các anh cũng lên được đảo. Sau đó, tàu HQ 996 tiếp tục đưa đoàn đi một số điểm đảo khác của quần đảo Trường Sa như Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn…, mỗi điểm đến là những kỷ niệm khó quên trong cuộc hành trình này. Nhà báo Trần Công Hoan cho biết: chuyến đi đến 9 điểm đảo phía Bắc quần đảo Trường Sa đã giúp anh cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp của đất nước, càng tự hào với những người lính biển đang ngày đêm vững tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc