Multimedia Đọc Báo in

Nhân lên những giá trị của gia đình

10:49, 28/06/2014

Những giá trị truyền thống của gia đình luôn là một hằng số không đổi ở mọi thời đại. Và trong cuộc sống hiện đại, xã hội ngày càng đặc biệt quan tâm để giữ gìn, phát huy vai trò, giá trị của gia đình thông qua nhiều hình thức…

Nhiều năm nay, dù thu nhập từ đồng lương giáo viên của hai vợ chồng cũng chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt hằng ngày và học hành cho con nhưng anh Thanh, chị Huệ mỗi năm đều thu xếp công việc, cố gắng dành dụm, tiết kiệm một khoản tiền để về Thanh Hóa thăm bố mẹ đôi bên. Dù biết mỗi lần về lại tốn kém nhưng cứ được về quê là cả nhà anh chị ai cũng háo hức. Chị Huệ chia sẻ: “Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn; gia đình là chốn đi về, buồn - vui, sướng - khổ, giàu - nghèo gì không biết nhưng gia đình là tài sản, tiền bạc chưa hẳn đã mua được!”. Còn vợ chồng anh Dũng, chị Mai hiện đều là công chức đang làm việc tại TP. Buôn Ma Thuột thì tâm sự: Công việc của anh chị đều rất bận rộn, mỗi tuần anh Dũng phải làm ca tối đến 4 ngày, ít có điều kiện thường xuyên ăn tối cùng vợ con. Nhưng bù lại, hai ngày nghỉ cuối tuần là khoảng thời gian anh chị cố gắng dành trọn cho gia đình bằng việc vợ chồng, con cái cùng nhau đi siêu thị, uống cà phê, nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa. Thậm chí anh Dũng còn đặt ra một quy tắc sống cho mình là hạn chế tối đa những cuộc hẹn với anh em bạn bè trong ngày thứ bảy, chủ nhật để gia đình có dịp được quây quần. 

Gia đình có ý nghĩa đặc biệt với mỗi người bằng những tình cảm gần gũi, gắn bó, yêu thương và chia sẻ. Còn trong các mối quan hệ xã hội, tế bào quan trọng này đã, đang và sẽ là trung tâm của nhiều hoạt động với ý nghĩa: hiệu quả, giá trị mọi việc làm bắt đầu và cuối cùng đều trở về với mỗi gia đình. Suy nghĩ, tư tưởng ấy thực tế đã trở thành thông điệp khi ngày càng có nhiều hoạt động hướng về việc giữ gìn, phát huy vai trò, giá trị của gia đình. Nhiều chương trình đã được các tổ chức, đoàn thể phối hợp thực hiện để chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Đơn cử như Hội Phụ nữ các cấp chủ động phối hợp với ngành Văn hóa tổ chức các hội thi nuôi dạy con tốt, hội thảo về chủ đề gia đình, kịp thời biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu. Các mô hình như “dịch vụ gia đình”, “địa chỉ tin cậy” với sự tham gia của hàng nghìn hội viên  phụ nữ đã huy động sự vào cuộc của nhiều cấp ngành tham gia giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình. Thay vì suy nghĩ: bạo lực là chuyện riêng của mỗi gia đình, vấn đề này đã trở thành một chương trình lớn, được luật hóa bằng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Tại một số địa phương, các ban, ngành bước đầu đã có sự phối hợp đến từng gia đình tuyên truyền vận động, hoà giải góp phần ngăn chặn những hành vi của đối tượng vi phạm bạo lực tại cộng đồng.

Những phút giây hạnh phúc của gia đình.      Ảnh: Hoàng Gia
Những phút giây hạnh phúc của gia đình. Ảnh: Hoàng Gia

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” (giai đoạn 2010 - 2015) cũng đang được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Mục tiêu chung của đề án được xác định rõ là: thông qua việc cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi, dạy trẻ giúp cho 5 triệu bà mẹ có con dưới 16 tuổi nắm vững kiến thức, kỹ năng nuôi, dạy con tốt nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong ở trẻ em; hạn chế tình trạng trẻ em ở độ tuổi vị thành niên vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội, góp phần cùng toàn xã hội thực hiện đầy đủ hơn quyền trẻ em, thực hiện xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Tại Dak Lak, riêng trong năm 2013, thông qua các lớp tập huấn, hàng trăm nghìn lượt ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi đã được phổ biến, cung cấp kiến thức cơ bản về nuôi con, phương pháp giáo dục trẻ vị thành niên trong gia đình.

Gia đình cũng được các cấp Hội Phụ nữ xác định là hạt nhân của nhiều chương trình như: Xây dựng nông thôn mới, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Với việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng danh hiệu “gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, con số 203.225 hộ gia đình đạt “gia đình 5 không, 3 sạch” qua bình xét tính đến cuối năm 2013, kèm theo đó đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Đó là nhiều tập thể cá nhân đã góp công, góp tiền, góp đất, tự tháo dỡ công trình để xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phục vụ cho sinh hoạt ở cộng đồng thôn, buôn như: Thôn Quảng Hà (xã Cư Kpô, huyện Krông Buk) huy động đóng góp 204 triệu đồng, hiến đất tính thành tiền khoảng 70 triệu đồng, phá bỏ hàng rào xây tính thành tiền khoảng 80 triệu đồng; 10 hộ gia đình tại xã Ea Sar (huyện Ea Kar) hiến 3000 m2 đất để làm đường liên thôn. Người dân xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn) đóng góp 276 công lao động và 21 xe cày vận chuyển 149 m3 đất đá sửa chữa 820 m đường giao thông nông thôn và đường nội đồng…

Khẳng định vai trò, giá trị truyền thống của gia đình, nhiều hoạt động, sinh hoạt những tưởng đơn giản, đời thường trong mỗi gia đình cũng trở thành chủ đề, chủ điểm sinh hoạt của các cấp hội như: hướng dẫn chị em hội viên phụ nữ đặc biệt là chị em người dân tộc thiểu số ăn chín, uống sôi; phòng ngừa bệnh tật, sắp xếp tổ chức cuộc sống gia đình gọn gàng, ngăn nắp; nuôi gia súc gia cầm cách xa nhà ở, xa nguồn nước sạch; tận dụng đất xung quanh nhà trồng rau sạch; phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, bảo vệ rừng và giữ gìn nguồn nước sạch… Những việc làm tưởng nhỏ mà lại không hề nhỏ, bởi gia đình tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc chính là nền tảng cho xã hội phát triển bền vững.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc