Trao đổi xung quanh bài "Về cách gọi các chức danh"
Trước hết, tác giả đã nhầm lẫn khi xác định “Chánh văn phòng”, “Chỉ huy trưởng”, “Trưởng phòng” là cụm từ. Theo Từ điển tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học năm 1992, các chức danh trên đều là từ chứ không phải là cụm từ. Cụ thể: Chỉ huy trưởng: từ loại danh từ, nghĩa: người đứng đầu ban chỉ huy (thường nói về một đơn vị quân đội); Chánh văn phòng: danh từ, chỉ người phụ trách văn phòng một cơ quan lớn; Trưởng phòng: danh từ, chỉ người đứng đầu điều khiển công việc một phòng.
Sau khi xác định các chức danh trên là cụm từ, tác giả viết: “Cụm từ này bao gồm một từ chỉ thứ bậc (chánh, trưởng), và một từ chỉ công việc”. Thực ra, trong ba “cụm từ” trên (theo cách nói của tác giả) thì các “từ”: Chỉ huy và văn phòng là có nội dung chỉ công việc, còn “từ” phòng trong “Trưởng phòng” thì không hề có nội dung chỉ “công việc”. Cụ thể, theo Từ điển đã nêu, “từ” phòng được giải thích như sau: “Phòng1: danh từ, 1.phần không gian của nhà được ngăn riêng bằng tường, vách, có một công dụng riêng nào đó. 2. đơn vị công tác chuyên môn, hành chính, sự nghiệp. Phòng2: động từ; liệu để có biện pháp ngăn ngừa hoặc lâm thời đối phó với điều không hay có thể xảy ra”. Các nghĩa trên không liên quan gì đến nội dung điều khiển công việc một phòng cả.
Từ chỗ xác định là cụm từ, tác giả coi việc thêm chữ “phó” vào các chức danh trên để chỉ chức vụ cấp phó là sai ngữ pháp. Và hệ quả của việc này là gây nhầm lẫn, kiểu như: “Cấp Phó nhưng chỉ huy cấp trưởng nên gọi là Phó chỉ huy trưởng”. Cần phải hiểu đúng trong tình huống này là: Từ Chỉ huy trưởng là từ Hán - Việt. Đã là từ thì không thể tách các từ tố ra hoạt động độc lập; tức là không thể nói “cấp phó chỉ huy cấp trưởng”, vì Chỉ huy trưởng ở đây là danh từ, và yếu tố “chỉ huy” chưa phải là từ, càng không phải động từ làm vị ngữ cho “cấp phó” để xảy ra nhầm lẫn phi thực tế như ví dụ của tác giả.
Cũng cần lưu ý, trong hệ thống các chức danh được pháp luật và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, có những chức danh chỉ người đứng đầu như Thủ tướng, Bí thư, Chủ tịch, Đô đốc, Tư lệnh, Giám đốc… đã bao hàm cả nghĩa “chánh”, “trưởng”, nên chỉ cần thêm thứ bậc “phó” vào trước để chỉ cấp phó là đủ; còn lại những chức danh bắt đầu từ “chánh, trưởng” thì phải thêm “phó” vào trước để chỉ cấp phó là một giải pháp hợp lý. Tác giả viết: “Gọi như thế là đánh đồng một cụm từ thành một từ. Cách gọi này vừa dài dòng, vừa sai ngữ pháp, vừa thừa từ”. Như từ điển đã xác định, tên gọi các chức danh (chánh, trưởng) nêu trên đã là từ chứ không phải là cụm từ. Do đó việc tác giả quy kết sai ngữ pháp chính là hậu quả của việc nhầm lẫn khi phân biệt từ và cụm từ đã nói trên. Ngoài ra, hệ thống các chức danh mang tính chất pháp quy, do đó không được phép tùy tiện chỉnh sửa cho ngắn gọn hay “thuận tai” trong các văn bản chính thức.
Ama Quyên
Ý kiến bạn đọc