Để trẻ em được sống an toàn, lành mạnh
Mặc dù công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được chú trọng, nhưng tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm phạm và tai nạn thương tích trên địa bàn tỉnh vẫn có xu hướng gia tăng. Do đó, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em là yêu cầu cấp thiết.
Những câu chuyện đau lòng
Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ án bạo hành trẻ em tại xã Ea M’Droh (huyện Cư M’gar) vừa xảy ra hồi tháng 4-2014. Nạn nhân của vụ bạo hành này là em Nguyễn Duy Hùng Anh (sinh năm 2004), học sinh Trường tiểu học Bùi Thị Xuân thường xuyên bị người mẹ kế là bà Hồ Thị Thảo đánh đập gây thương tích. Sự việc bị phanh phui đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Sau khi có sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng bà Thảo đã phải chịu hình phạt mức án 9 tháng tù giam. Hiện em Hùng Anh đã về sống với mẹ ruột của mình. Hay mới đây, vào đầu tháng 7-2014, vụ án đuối nước thương tâm với 3 anh em ruột gồm Nguyễn Xuân Linh (sinh năm 1998), Nguyễn Viết Phong (2002) và Nguyễn Xuân Long (2004) là con anh Nguyễn Xuân Lương (ngụ xã Cư Kpô, huyện Krông Buk). Trong khi theo bố mẹ đi làm rẫy tại thôn Tân Tiến, xã Ea Tóh (Krông Năng) các em đã ra hồ nước cạnh rẫy để tắm thì bị đuối nước, dẫn đến tử vong. Sự việc này không chỉ để lại nỗi đau cho gia đình anh Lương mà còn là sự nhức nhối của toàn xã hội.
Trẻ em huyện Krông Bông vui chơi dịp hè. |
Một sự việc xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là tình trạng trẻ em tại các huyện Krông Bông, Lak và Cư Kuin… vì sức học yếu và hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên bị kẻ xấu lợi dụng đưa đi làm thuê trái pháp luật. Nghe lời dụ dỗ về viễn cảnh tươi sáng như lương cao, cuộc sống đầy đủ tiện nghi, không phải lo chuyện ăn uống, đi lại… nên đã có 86 em theo các đối tượng môi giới đến TP. Hồ Chí Minh làm thuê tại các cơ sở sản xuất, chủ yếu là gia công may mặc. Tại đây, các em bị bóc lột sức lao động từ 7 giờ sáng đến 22 giờ mỗi ngày mà chỉ hưởng mức lương từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng; thậm chí có chủ lao động chỉ thỏa thuận miệng sẽ trả 18 triệu đồng/em/năm với điều kiện các em không được bỏ về giữa chừng. Mặc dù bị vắt kiệt sức lao động nhưng nhiều em không dám bỏ việc về quê vì sợ chủ không trả lương. Trước thực trạng này, Sở LĐ – TBXH Dak Lak đã phối hợp với Sở LĐ - TBXH TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, thanh tra các cơ sở sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật, tạo điều kiện đưa 34 em trở về địa phương.
Qua những vụ việc nổi cộm trên, có thể nói tình trạng xâm hại, tai nạn thương tích và vấn đề lao động ở trẻ em là một thực trạng báo động, đòi hỏi sự vào cuộc của cộng đồng để các em phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do cha mẹ thiếu quan tâm, thiếu kiến thức, phương pháp giáo dục và hướng dẫn trẻ cách phòng ngừa; bên cạnh đó cuộc sống quá khó khăn và công tác tuyên truyền giáo dục về đạo đức pháp luật trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế... đã khiến nhiều em bị lợi dụng, xâm hại hoặc gặp tai nạn thương tích.
Nỗ lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Bà Từ Thị Khanh, Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em (Sở LĐ - TBXH) cho biết: “Trong những năm gần đây, số vụ bạo hành và đuối nước ở trẻ em ngày càng tăng, một số vụ mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục vẫn xảy ra ở các địa phương ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện các quyền trẻ em”. Để tăng cường công tác bảo vệ, ngăn ngừa và giảm tối đa tình trạng trẻ em bị lạm dụng, xâm hại, bóc lột và bạo lực cần phải tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn cho trẻ. Bên cạnh việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền trong cộng đồng dân cư và tại các hộ gia đình, thời gian qua, các ban, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác này. Cụ thể, để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, những năm qua Sở LĐ - TBXH đã tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí cho các em thiếu nhi, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, thị xã Buôn Hồ… nhằm trang bị kỹ năng bơi lội, khả năng ứng cứu cũng như giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra khi bị đuối nước.
Trẻ em xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) tắm ao hồ không có sự quản lý của người lớn. |
Trong năm 2014, tỉnh ta đã đưa vào hoạt động mạng lưới cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại 2.470 thôn, buôn, tổ dân phố. Theo đó, mỗi thôn, buôn, tổ dân phố được bố trí một cộng tác viên có nhiệm vụ nắm bắt thông tin và đánh giá nguy cơ xâm hại trẻ em trên địa bàn, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Họ chính là cầu nối mọi thông tin, hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước với hộ gia đình, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ; tuyên truyền pháp luật, kiến thức, kỹ năng, vận động gia đình, cộng đồng tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Qua đó, các cấp chính quyền sẽ giải quyết, hỗ trợ kịp thời, không để trẻ em bị thiệt thòi hoặc bị xâm hại. Ngoài ra, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều chương trình, hoạt động như xây dựng các sân chơi và sinh hoạt cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; các chế độ chính sách, tặng quà cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, nhiễm chất độc da cam... Đặc biệt, thông qua các mô hình tư vấn tại xã, phường, trường học và các cơ sở tư nhân, trong 6 tháng đầu năm 2014 đã có 33 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tư vấn chuyên sâu, hầu hết các em đã ổn định tâm lý và hòa nhập cộng đồng. Mới đây, Sở LĐ – TBXH đã thiết lập đường dây nóng cấp tỉnh phục vụ cho công tác tư vấn, can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại…
Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong từng bước nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là thiếu nhi nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ giúp các em có cơ hội phát triển toàn diện.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc