Multimedia Đọc Báo in

Giữa đại ngàn nghe kể chuyệnTrường Sa

10:02, 31/07/2014

Xưa nay lính đảo xa thường rất “thèm” nghe chuyện trong đất liền, còn người ở trong đất liền lại luôn háo hức, lạ lẫm mỗi lần được nghe kể về biển xanh cát trắng, những chuyện ở nhà giàn và đảo chìm - đảo nổi… Đêm Tây Nguyên, bên ly cà phê đen câu chuyện của chúng tôi bỗng rôm rả hẳn lên khi được nghe 3 “chàng ngự lâm” từng một thời gắn bó với Trường Sa hiện đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Năng kể chuyện.

Nhớ mãi nụ hôn đầu đời trên đảo

Năm 1992, do yêu cầu nhiệm vụ nên đại úy Vũ Văn Phượng từ Sư đoàn Bộ binh 307 (Quân khu 5) được điều động ra quần đảo Trường Sa làm Đảo phó đảo Tốc Tan, rồi Đảo trưởng đảo Cô Lin. Gắn bó với Trường Sa hơn 3 năm, anh bảo: “Tình cảm đồng đội ở Trường Sa đặc biệt lắm, niềm vui nỗi buồn của một người cũng là niềm vui nỗi buồn chung của đảo; bộ đội thương nhau còn hơn cả ruột thịt…”. Ngày ấy, trên đảo Tốc Tan thiếu thốn đủ bề, lương thực, thực phẩm vận chuyển ra theo quý, nên ngoài giờ trực anh em chiến sĩ tranh thủ xuống biển mò cua, bắt ốc về cải thiện. Thương anh em vất vả, Đảo trưởng Vũ Văn Phượng thường xuyên xắn tay vào bếp trổ tài nấu nướng để mọi người có bữa cơm ngon. Cuộc sống gian khổ nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười vui và tinh thần lạc quan của những người lính đang tuổi đôi mươi.

Anh Phượng vẫn nhớ như in lần ca sĩ Bích Việt cùng Đoàn văn công Bộ Tư lệnh Biên phòng đến thăm đảo Tốc Tan. Bích Việt trẻ và xinh lắm. Chứng kiến cuộc sống của bộ đội giữa khơi xa, chị rưng rưng: “Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều là anh em ruột thịt của tôi, tôi sẽ ôm và hôn mỗi đồng chí một cái”. Chẳng riêng chiến sĩ, mà ngay cả Đảo trưởng cũng vỗ tay như pháo, ai cũng háo hức đợi đến lượt mình để được “nhận quà”, bởi đó chính là nụ hôn ngọt ngào đầu đời của đa số các anh. Hôm ấy anh chị em văn công hát cùng lính đảo đến khan cả tiếng, lúc chia tay mắt ai cũng đỏ hoe vì thương, vì nhớ.

Y sĩ Tâm (bìa trái) đang hướng dẫn công dụng của một số cây thuốc  cho hai người bạn từng một thời cùng là lính đảo Trường Sa.
Y sĩ Tâm (bìa trái) đang hướng dẫn công dụng của một số cây thuốc cho hai người bạn từng một thời cùng là lính đảo Trường Sa.

Đã mấy chục năm rồi, nhưng mỗi lần gặp mặt truyền thống, những người lính Tốc Tan năm nào vẫn kể mãi chuyện “món quà” đặc biệt mà không hề thấy chán. Tình cảm của hậu phương chính là động lực lớn lao để các anh vượt qua mọi khó khăn thử thách, bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương. Đồng chí Phượng giờ đã mang quân hàm Thượng tá, là Phó Chỉ huy trưởng – Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Năng.

Bệnh nặng vẫn xung phong ở lại đảo

“Lên rừng” đã hơn 20 năm, nhưng mỗi lần ôn chuyện “xuống biển” là Thiếu tá chuyên nghiệp, y sĩ Trần Văn Tâm (nhân viên quân y – Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Năng) vẫn như được sống lại thời trai trẻ của mình.

Đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, y sĩ Trần Văn Tâm hăng hái xung phong ra đảo Nam Yết làm nhiệm vụ. Anh có phần may mắn, vì khi đó đảo Nam Yết đang trong quá trình xây dựng nên tàu thuyền ra vào rất thường xuyên; báo chí, thư từ, lương thực, thực phẩm luôn dồi dào và tươi ngon. Vậy nhưng những câu chuyện của người thầy thuốc ấy cũng khiến người nghe “mắt tròn, mắt dẹt” ngạc nhiên.

Y sĩ Tâm kể, khi mới đặt chân lên đảo vài ngày, chiến sĩ Nguyễn Văn Cảm (quê Thừa Thiên - Huế) tự nhiên sốt cao trên 42 độ kèm theo xuất huyết và co giật mê sảng, nhưng xét nghiệm lại âm tính với bệnh sốt rét. Bằng kinh nghiệm, anh Tâm tiêm ngay một mũi Vitamin C vào tĩnh mạch rồi lấy khăn ướt lau người cho Cảm, đồng thời cho người lên bệnh xá tìm bác sĩ Vũ (cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai tăng cường ra đảo) nhờ giúp đỡ. Đêm ấy hai thầy thuốc thức trắng bên giường bệnh chăm sóc bệnh nhân, gần sáng thì đồng chí Cảm hạ sốt, người không còn co giật nhưng vẫn còn yếu lắm, chẳng ăn uống được gì.

Ít ngày sau có tàu ra Nam Yết, các anh đề nghị cấp trên cho Cảm về đất liền chữa bệnh. Tàu chuẩn bị nhổ neo, Cảm tìm gặp anh Tâm, nằng nặc xin ở lại đảo công tác chứ không muốn rời xa anh em. Anh Tâm phải động viên, phân tích mãi Cảm mới chịu nghe.

Lần khác, một chiến sĩ ở đơn vị thông tin trên đảo mắc một chứng bệnh rối loạn sinh lý. Biết điều ấy, anh Tâm vừa tích cực điều trị vừa làm công tác tư tưởng để anh này bớt mặc cảm. Khi bệnh khỏi hẳn, cậu chiến sĩ ấy mừng lắm, nhất định mời anh có dịp về nhà mình ở Hà Tĩnh chơi. Vậy mà do điều kiện công tác, hơn hai mươi năm nay hai người lính ấy vẫn chưa gặp lại nhau. Qua đồng đội anh Tâm biết anh này đã lấy vợ và có 2 cậu con trai.

Chuyện trên đảo Sơn Ca

Cuối năm 1993, Thượng úy Lê Văn Nam (nguyên Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 143, Sư đoàn 315, Quân khu 5) xung phong ra đảo Sơn Ca với chức danh Phân đội trưởng Hỏa lực. Bốn năm gắn bó với Trường Sa, anh có hàng trăm câu chuyện vừa hấp dẫn vừa lạ lùng về biển. Còn nhớ tết năm 1994, Trường Sa nhận được rất nhiều quà và nguyên liệu gói bánh chưng từ đất liền gửi ra. Nhưng chỉ qua một đêm, lũ chuột đã “cơ bản giải quyết xong” mấy bao gạo nếp và đậu xanh mà bộ đội cất trong kho. Sáng dậy anh em phải dồn những đống gạo rơi còn sót lại để gói bánh. Mối “thâm thù” với chuột dâng trào, nên sau này trên đảo nuôi hàng chục chú chó. Chó là người bạn gần gũi, vừa giúp bộ đội tuần tra canh gác, vừa là khắc tinh của chuột, nên lũ chuột trên đảo giảm hẳn.

Tháng 4-1996, khi chuyến hàng đặc biệt vừa cập đảo Sơn Ca thì biển động. Lệnh trên đưa ra: “Đơn vị khẩn trương đổi - đảo hàng, bảo đảm an toàn, đúng thời gian”. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều được huy động để chuyển hàng. Bộ đội phải tranh thủ lúc thủy triều lên, dùng thuyền nhỏ chở hàng cũ ra tàu - chuyển hàng mới từ tàu vào, xếp gọn trong kho. Sau 4 ngày đêm làm việc cật lực, các anh đã vận chuyển thành công hơn 200 tấn hàng, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Lần ấy, trung bình mỗi người lính đã “cõng” 2,5 tấn hàng vượt 500m nước trong điều kiện sóng to, gió lớn.

Giữa năm 1996, Đoàn văn công Quân khu 2 ra thăm và biểu diễn trên đảo. Sau đêm diễn, một nữ ca sĩ bất ngờ bị đau ruột thừa phải mổ ngay trên đảo. Lần ấy cô ca sĩ không thể theo đoàn về lại đất liền ngay, nên một nữ ca sĩ trong đoàn tình nguyện ở lại chăm sóc bạn mình. Sáu tháng liền, đảo Sơn Ca có hai vị khách đặc biệt, tối nào các chị cũng nói chuyện, ca hát cùng bộ đội, nên cánh lính trẻ ở mấy đảo láng giềng hình như cũng có phần ganh tị.

Thời gian qua đi, chàng Thượng úy Lê Văn Nam năm nào giờ đã mang quân hàm Trung tá, là Phó Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Năng.

Không hẹn mà gặp, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, ba người lính ấy lần lượt được điều động lên Tây Nguyên công tác. Sống giữa đại ngàn nhưng nỗi nhớ biển xanh vẫn dạt dào trong trái tim các anh bởi họ từng một thời là lính đảo Trường Sa.

Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc