Multimedia Đọc Báo in

Biên giới mùa măng

16:09, 26/08/2014

Mỗi khi mùa mưa đến cũng là lúc những khóm măng non tre trúc dọc các con suối bắt đầu nhú lên khỏi mặt đất, và đây cũng là thời điểm bà con vùng biên giới háo hức đón chờ mùa măng rừng...

Thời điểm này, ai có dịp đi qua các xã Ia Lốp, Ia R’vê, huyện Ea Súp, đâu đâu cũng thấy màu vàng tươi của những mẻ măng rừng luộc chín, màu trắng của các mụt măng sống vừa được bà con đào từ rừng và các bờ suối đem về... Mùa mưa Tây Nguyên thường kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 10, đây cũng là dịp bà con kiếm thêm một khoản thu nhập kha khá từ việc hái măng. Mới 6 giờ sáng, vợ chồng anh Danh, xã Ia Lốp đã tranh thủ lên rừng đào măng. Anh Danh cho biết: mỗi ngày anh có thể đào được từ 15 đến 20 kg, giữa mùa có thể được khoảng 30 kg. Với anh, măng được xem như là lộc của rừng mang lại, góp phần tăng thêm phần thu nhập cho gia đình. Chị Nguyễn Thị Hà, xã Ia R’vê cũng hồ hởi: ngoài thời gian làm nương rẫy, mấy mẹ con chị thường tranh thủ vào rừng hái măng. Nếu năm nào được mùa, chỉ qua một vụ măng, có khi đủ tiền mua quần áo mới và đóng tiền học cho các con. Mấy năm trước, do ít thương lái đến vùng này nên măng hái về ăn không hết, chủ yếu để làm măng khô. Còn bây giờ, nhiều thương lái tìm đến tận nơi nên nên măng thu được đều bán hết, không lo ế; mỗi ngày 3 mẹ con chị cũng kiếm được 200.000 đồng.

Hái măng là việc không khó nên ai cũng làm được, nhiều người dân đi làm rẫy vẫn có thể tranh thủ kiếm ít măng về để chế biến với các món ăn khác cho cả gia đình. Theo kinh nghiệm của những người sành điệu về chế biến món  măng rừng, thì thời điểm có thể lấy được măng ngon nhất là buổi sáng; khi cắt măng phải chọn 2 phần nằm dưới lòng đất và 1 phần bên trên mặt đất. Đến tầm 15 giờ hằng ngày, khắp các con đường vùng biên, từng hàng người, trên lưng đầy ắp những gùi măng còn tưới rói trở về nhà. Trên các ngã ba, ngã tư đường trong xã tấp nập người mua, kẻ bán măng tươi... Trước đây, măng thường được bán sỉ vì ít người biết, có khi cả gùi chỉ được 50.000 đồng; giờ đây măng vùng biên nhờ nổi tiếng thơm ngon, giá cả lại phải chăng nên nhiều người tìm đến mua. Măng được bán theo ký, giá cả thì tùy thuộc từng thời điểm khác nhau.

Người dân xã Ia R'vê sơ chế măng rừng.
Người dân xã Ia R'vê sơ chế măng rừng.

Trong các loại măng vùng biên thì măng le là loại được nhiều người ưa chuộng nhất. Loại măng này chỉ nhỏ bằng ngón chân cái, đặc ruột, có vị ngọt, ăn rất giòn, giá bán thường cao hơn các loại măng khác. Nếu như măng tre, vào thời điểm giữa mùa, giá 1 kg chỉ bán được khoảng 5 nghìn đồng thì măng le giá dao động từ 10 nghìn đến 12 nghìn đồng. Tuy nhiên, việc hái măng le cũng rất kỳ công, mất nhiều thời gian hơn, vì loại măng này có trọng lượng nhẹ. Măng là một thực phẩm ưa thích của người Việt trong mỗi bữa ăn hàng ngày, đó cũng là món đặc sản, luôn hiện diện trong mỗi bữa ăn của người dân vùng biên. Tùy văn hóa ẩm thực của từng vùng miền, mà người ta chế biến măng thành từng món ăn khác nhau. Sau khi hái về, măng được lột vỏ, rửa sạch, luộc kỹ, sau đó có thể xào, kho với thịt, cá… tùy khẩu vị và sở thích từng người. Nếu làm măng chua có thể thái lát mỏng, ngâm với giấm hoặc nước muối kèm theo tỏi, ớt để bảo quản được lâu. Còn chế biến măng khô, nếu gặp trời nắng thì măng được luộc qua khoảng 2 nước, khứa từng lát đem phơi, nếu trời mưa thì hong trên bếp than củi, trở liên tục trong nhiều giờ. Bởi thế, mùa mưa, ai có dịp vào vùng biên, không khó để bắt gặp hình ảnh những chái bếp của người dân hong đầy măng. Măng khô thường được dùng trong chế biến các món ăn như nấu cùng miến ngan, hầm chân giò, xương… hoặc dùng làm quà tặng được nhiều người tìm mua. Anh Thăng, xã Ia R’vê bộc bạch, mỗi lần đi công tác Đà Nẵng, anh không quên mang theo ít ký măng khô để biếu bạn bè, bà con ngoài đó. Măng khô được người dân làm theo kiểu thủ công, không nhuộm phẩm màu, không dùng chất bảo quản, măng lại non nên bạn bè của anh ai cũng ưa thích.

Măng rừng ít nhiều đã góp phần cải thiện thu nhập, đời sống của người dân vùng biên, song công việc mưu sinh bằng nghề hái măng cũng không hề dễ dàng. Bởi măng thường mọc trong rừng sâu, ở các bờ suối nên việc trượt chân, bị thương tích rất dễ xảy ra. Như trường hợp của anh Thêm, xã Ia Lốp, trong mùa măng năm trước, anh bị té gãy chân phải nằm ở nhà cả tháng trời. Và cũng có nhiều trường hợp, khi vào rừng hái măng bị rắn độc cắn, phải đưa đi cấp cứu bệnh viện...

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc