Chờ đợi một cây cầu treo qua suối Dak Phơi
Mùa mưa đến, việc giao thông đi lại ở các vùng nông thôn luôn gặp nhiều khó khăn… và đối với bà con xã Dak Phơi (huyện Lak) hiểm họa còn khó lường hơn khi ngày ngày phải lội qua suối để đến nương rẫy.
Suối Dak Phơi bắt nguồn từ dãy Chư Yang Sin đi qua địa phận xã Dak Phơi, Dak Liêng, Dak Nuê rồi đổ về sông Krông Ana. Riêng đoạn qua xã Dak Phơi có hàng trăm ha hoa màu các loại, hơn 250 hộ dân, 1.114 nhân khẩu của 3 buôn T’lông, Dur Mah, Ji Yuk sinh sống và sản xuất bên kia suối. Những ngày mùa khô, suối Dak Phơi có khi cạn trơ đáy, nước chỉ ngập hết bàn chân, nhưng mùa mưa về suối cuồn cuộn chảy, có thể cuốn trôi những ai dám mạo hiểm băng qua. Gọi là suối, nhưng khi mưa kéo dài, suối Dak Phơi có khi sâu cả chục mét, chiều rộng ở nơi thuận lợi nhất mà bà con vẫn thường qua lại lên đến 5 mét. Trên thực tế đã có không ít vụ tai nạn xảy ra, nhiều người đã thiệt mạng khi đi qua suối .
Hằng ngày người dân xã Dak Phơi vẫn phải qua lại như thế này trên con suối. |
Có mặt tại suối Dak Phơi tầm 10 giờ trưa vào một ngày đầu tháng 8, chứng kiến hình ảnh nhiều người dân tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đủ thứ từ dụng cụ làm nông, rau củ quả hái lượm bên rẫy và cầm dây thừng dẫn đàn bò lội bì bõm qua dòng chảy của suối, tôi thật sự bồn chồn, lo lắng, bởi trượt chân, té ngã và bị dòng suối cuốn trôi là khó tránh khỏi! Chị H’Jin, buôn Bu Juk tâm sự: thường ngày chị đi làm rẫy qua con suối này như bao người dân khác, còn những ngày hè chị phải đưa con theo, đứa nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi. Vẫn biết là nguy hiểm, nhưng vì không biết gửi con cho ai nên chị địu con băng suối; theo mẹ đi làm rẫy. Còn em H’hiêng mới 7 tuổi qua suối, nước ngập đến nửa người, ở những đoạn sâu có khi nước lên đến vai em. Qua khỏi đoạn suối rộng khoảng 4 mét, chân tay em run lẩy bẩy vì lạnh, quần áo ướt sũng, mặt lấm lem bùn đất. Chị H’lan - một người cùng buôn, nhà ở cạnh bờ suối từ nhiều năm nay, nhưng hầu hết rẫy trồng hoa màu đều nằm trọn bên kia suối nên ngày nào cũng có ít nhất 2 lần phải qua đây. Vào mùa thu hoạch, chị phải qua lại con suối này từ 4 lần trở lên. Chị H’lan cho hay: “Bữa nay nước chưa lớn đâu, mưa nhiều nước lớn, chảy mạnh hơn, nguy hiểm lắm nhưng cũng phải đi làm thôi; không đi thì lúa, bắp, đậu làm sao mà thu hoạch được!”
Không có cầu, xe chở nông dân cũng phải đi qua suối |
Vẫn biết nguy hiểm luôn rình rập, nhưng vì không còn đường nào khác nên bà con trong khu vực này vẫn phải liều mình lội suối. Đã có trường hợp bị nước cuốn trôi, cả mấy tuần mới tìm được xác. Thế nhưng đi mãi thành quen, đôi khi làm rẫy về gặp cơn mưa lớn, hầu hết bà con không ai dám qua suối, phải chờ cả mấy giờ đồng hồ, hoặc nhờ dây thừng của những hộ dân bên bờ suối, từng người bám chặt vào sợi dây mong manh để qua. Bà Đặng Thị Kim Khanh, một hộ dân ở đầu bờ suối Dak Phơi cho biết: vào cuối tháng 7 vừa rồi, hàng chục người không qua suối được do trời mưa, lúc đó bà phải nhờ mấy thanh niên trai tráng ném dây thừng qua bên kia bờ để từng người một bám dây qua suối; còn gia súc hoặc nông sản thì đành phải để lại bên bờ suối, chờ nước rút mới đưa về được.
Tuyến đường từ trung tâm huyện Lak về xã Dak Phơi đã được nhựa hóa từ nhiều năm nay, tuy nhiên do chưa có cầu nên mọi hoạt động đi lại của người dân vẫn gặp nhiều trở ngại, nguy hiểm. Về việc có nên xây một cây cầu tại đây, Sở GTVT cho biết: đơn vị đã phối hợp với địa phương và Công ty Cổ phần ATH tư vấn - đầu tư xây dựng tiến hành khảo sát, chọn suối Dak Phơi là một trong 9 địa điểm xây cầu treo theo Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh, bảo đảm an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hy vọng Dự án sớm được triển khai, và cây cầu mới sẽ là điểm kết nối thông thương giữa 2 bờ suối Dak Phơi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương đi lại và sản xuất.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc