Multimedia Đọc Báo in

Dân di cư ngoài kế hoạch – Cần có giải pháp căn cơ

09:32, 25/08/2014

Những năm qua, Dak Lak đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết vấn nạn dân di cư ngoài kế hoạch (DCNKH), nhưng điều đáng nói là dù địa phương đã nỗ lực hết sức thì lượng dân di cư ngoài kế hoạch vẫn không dừng lại...

Chưa bao giờ hết “nóng”

Từ năm 1976 đến nay đã có 59.489 hộ với gần 290.000 khẩu của 60 tỉnh, thành trong cả nước có dân DCNKH đến và cư trú tại 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Trong đó, giai đoạn 1976-2003 có 57.498 hộ, với 281.736 khẩu, bình quân mỗi năm có trên 2.129 hộ, hơn 10 nghìn khẩu đến Dak Lak. Trong khoảng 10 năm trở lại đây toàn tỉnh có gần 2.000 hộ với hơn 8.000 khẩu của 38 tỉnh, thành trong cả nước di cư tự do đến địa bàn, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc phía Bắc, với 1.537 hộ, 7.866 khẩu. Mặc dù từ năm 2004 đến nay, số lượng dân DCNKH đến địa bàn tỉnh không lớn như các giai đoạn trước, nhưng có chiều hướng diễn biến phức tạp như: tập trung tương đối nhiều hộ trong thời gian ngắn vào một địa bàn như huyện Cư M’gar, Ea Súp… Đơn cử, năm 2013 có 8 hộ, 40 khẩu là đồng bào dân tộc Mông của tỉnh Hà Giang và Cao Bằng vào xã Ea Kiết (Cư M’gar); có nhiều hộ đã đi nhiều địa phương khác như Lâm Đồng, Bình Phước, Dak Nông… trước khi đến cư trú tại Dak Lak, hoặc di cư tự do giữa các huyện trong tỉnh! Trước thực trạng trên, tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm ổn định đời sống cho các đối tượng này. Đến thời điểm 31-12-2013 đã sắp xếp, ổn định cho 52.610 hộ với 263.050 khẩu vào vùng quy hoạch của các chương trình; giai đoạn 2004-2013 đã có 15/17 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng để bố trí cho dân DCNKH. Dù công việc này được làm thường xuyên nhưng vẫn chưa đến hồi kết, bởi vấn nạn dân DCNKH đến địa phương chưa có dấu hiệu… dừng.

Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có gần 7.000 hộ với hơn 236.000 khẩu vẫn chưa được bố trí sắp xếp ổn định, đáng chú ý là cứ sau mỗi dự án hoàn thành lại hình thành một đợt DCNKH mới ồ ạt đến. Chẳng hạn, tại xã Cư Kbang (Ea Súp), tháng 4-2007 đã tiếp nhận và quy hoạch 60 hộ với 397 khẩu thành cụm dân cư 13 (nay là thôn 13), nhưng tiếp đó, đầu năm 2008 dân di cư tự do vào địa bàn xã lại tăng đột biến, ngoài tầm kiểm soát của địa phương, chủ yếu sống tá túc tại khu dân cư vừa được sắp xếp. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Kbang - Đàm Văn Thao: Đây không phải là lần đầu tiên mà đã trở thành “điệp khúc” lặp đi lặp lại đối với xã Cư Kbang.

Dân di cư ngoài kế hoạch xã Cư Kbang (Ea Súp).
Dân di cư ngoài kế hoạch xã Cư Kbang (Ea Súp).

Làm sao để người dân không ra đi?

Tình hình dân DCNKH đã gây áp lực rất lớn cho các địa phương có dân đến, đã phá vỡ quy hoạch, mục tiêu ổn định dân cư, mục tiêu phát triển KT-XH… Thế nhưng quan điểm của tỉnh là phải cố gắng chăm lo đời sống cho những người đã đến. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Đức Khiêm cho rằng: “Dân nào cũng là dân của mình, thế nên dù khó khăn tỉnh cũng phải quan tâm, chăm lo ổn định đời sống cho họ. Nhưng vấn đề là phải có giải pháp như thế nào để họ không phải đi mà vẫn có cuộc sống ổn định chứ không thể để tình trạng quy hoạch cứ “chạy theo” dân DCNKH như hiện nay”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dân DCNKH, nhưng nguyên nhân chính là xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của người dân. Theo nhận định của ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Nguyên nhân của việc dân DCNKH, nếu là kinh tế thì muốn giải quyết tận gốc vấn đề phải giải quyết từ yếu tố kinh tế. Thực tế qua khảo sát, hầu hết dân DCNKH đều là những nhóm hộ đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh vùng núi phía Bắc có đời sống sinh hoạt, kinh tế cực kỳ khó khăn nên “buộc phải đi” với hy vọng có cuộc sống khá hơn. Do vậy, tất cả các hộ di cư đến Dak Lak đều là những hộ nghèo, tài sản mang theo hầu như không có gì nên càng trở thành gánh nặng cho địa phương. Chia sẻ vấn đề này, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đinh Văn Cương – một người nhiều năm gắn bó với các tỉnh miền núi phía Bắc - cho hay, mặc dù khi đến Dak Lak cuộc sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với nơi họ ra đi. Thế nên, bên cạnh việc hỗ trợ cho Dak Lak nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, thời gian tới Trung ương cũng cần phải có những chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho các tỉnh phía Bắc, nhất là những địa phương điều kiện kinh tế khó khăn có giải pháp hiệu quả nhằm ổn định cuộc sống cho người dân tại chỗ.

Có thể nói, giải quyết vấn đề dân DCNKH đang đặt ra  những thách thức không nhỏ đối với Dak Lak cũng như các tỉnh có dân di cư đến. Do vậy cùng với sự nỗ lực của Dak Lak, sự phối hợp của các địa phương có dân di cư... việc tìm ra giải pháp mang tính căn cơ đang là đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.