Mạng xã hội - diễn đàn kết nối thanh niên hiệu quả
Với ưu điểm là chia sẻ, trao đổi thông tin trên diện rộng và nhanh chóng, mạng xã hội (MXH) đang là một công cụ hữu hiệu cho các tổ chức Đoàn- Hội thanh niên sử dụng để kết nối tuổi trẻ tham gia vào các công tác xung kích, tình nguyện vì cộng đồng...
Được thành lập ngày 12-10-2012 trên MXH facebook (FB), Group (nhóm) “Thanh niên Cư M’gar” và Fanpage (tạm dịch là Trang cộng đồng (TCĐ)) “Đội CTXH huyện Cư M’gar” là một trong nhiều địa chỉ tập hợp thanh niên tham gia các công tác, phong trào tình nguyện vì xã hội được các bạn trẻ yêu thích. Hằng tuần, tất cả hình ảnh, thông tin về hoạt động của Đội CTXH đều được đăng tải đầy đủ và chi tiết trên TCĐ, các thành viên truy cập FB sẽ biết được và có thể đăng ký tham gia ngay trên mạng. Bạn Đặng Ngô Minh Thành, một đoàn viên trẻ tham gia tích cực vào nhiều chương trình tình nguyện của Đội CTXH Cư M’gar hào hứng kể: “Ngay khi Đội có thông báo về hoạt động gì, thông qua điện thoại là tôi nhận được liền. Thay vì đến văn phòng của Đội viết phiếu đăng ký tham gia như trước, chỉ với một “click” đơn giản, việc đăng ký tham gia trở nên dễ dàng hơn nhiều”. Bên cạnh đó, nhờ MXH nên mọi người muốn trao đổi, góp ý cho hoạt động cũng trở nên thuận tiện. Việc sinh hoạt Đoàn trên FB giúp các chi đoàn tiết kiệm được nhiều chi phí so với tổ chức họp tại hội trường (như tiền điện nước, in tài liệu, xăng xe đi lại...).
Các bạn trẻ huyện Cư M'gar tổ chức sinh hoạt chung với nhiều bạn trẻ khác qua facebook |
Thông tin của Đội không chỉ giới hạn đến các thành viên trên TCĐ mà còn được truyền tải mạnh mẽ đến nhiều bạn trẻ khác. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hoa một thành viên tích cực của TCĐ cho hay: “Bạn tôi là thành viên của đội CTXH, mỗi lần đội có hoạt động gì bạn ấy “like” chia sẻ thông tin, thế là tôi biết để cùng tham gia”. Qua tìm hiểu chị Hoa thấy các hoạt động trên rất ý nghĩa nên cũng không ngần ngại chia sẻ tiếp thông tin này đến tất cả bạn bè mình. Từ đó thông tin hoạt động của Đội CTXH huyện Cư M’gar trên TCĐ tiếp tục truyền đi nhanh chóng theo “hiệu ứng Domino”, tạo hiệu quả tích cực, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều bạn trẻ. Bằng chứng là có rất nhiều người hiện đang sinh sống ngoài địa bàn huyện cũng xin gia nhập nhóm “Thanh niên Cư M’gar” và mong muốn làm thành viên TCĐ của Đội.
Các chương trình chủ yếu trên trang mạng của Đội là tổ chức thảo luận và kêu gọi thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng vì an sinh xã hội, như: xung kích tình nguyện về các xã vùng sâu vùng xa, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, trẻ em tàn tật mồ côi, người già neo đơn... Đội phó Nguyễn Thị Thảo chia sẻ: “Thay vì đến nhà văn hóa thôn ngồi nghe báo cáo, bàn kế hoạch, mọi người chỉ cần trao đổi qua máy tính. Từ chuyện hỗ trợ thôn buôn tổ chức ngày hội, đến giúp đỡ học sinh, người nghèo... đều được chia sẻ thông tin trên FB”. Một lợi thế khác của MXH đó là giúp trao đổi, gắn kết giữa các nhóm khác được tiện lợi. Đội CTXH huyện Cư M’gar thường xuyên giao lưu, chia sẻ công tác với mạng lưới tình nguyện quốc gia VVC; liên kết chặt chẽ với các đội nhóm: Khát vọng xanh – Krông Ana ; Tuổi trẻ Ea Súp, Đội CTXH tỉnh Dak Lak, Hành trình đỏ Dak Lak, Me xanh... nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Cũng từ đây, hình thành các chi nhánh trực thuộc qua MXH như Đội CTXH xã Ea Kuêh, Đội CTXH Cư M’gar tại TP. Hồ Chí Minh...
Vì nhận thấy MXH là môi trường, cơ hội thuận lợi để đưa ra những cải tiến trong phương pháp đoàn kết tập hợp thanh niên, anh Nguyễn Minh Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Hội LHTN Việt Nam, cũng là Đội trưởng Đội CTXH huyện Cư M’gar đã lập ra TCĐ của Đội trên FB. Ban đầu TCĐ chỉ có 150 thành viên chủ chốt của đội và các tình nguyện viên trên địa bàn huyện, sau một thời gian hoạt động, lượng thành viên tăng dần, trung bình mỗi tháng khoảng 60-70 người gia nhập, đến nay TCĐ đã có hơn 16.000 hội viên. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng 500 hội viên và tình nguyện viên trực tiếp tham gia các hoạt động ngoài xã hội, còn lại là các hội viên “ảo” gia nhập vì quan tâm đến những chương trình của đội CTXH. Tuy nhiên, họ cũng đã có những đóng góp đáng kể trong việc tuyên truyền và góp ý nâng cao chất lượng cho các hoạt động, phong trào thêm ý nghĩa. Anh Quý cho biết: “Phương thức tập hợp thanh niên này không đòi hỏi gì về chi phí, vừa đơn giản, vừa hiệu quả, so với phương thức truyền thống trước đây thì có ưu điểm hơn nhiều.”
Hình thức TCĐ của Đội cũng là một diễn đàn để các thanh niên trao đổi và thảo luận sinh hoạt trên FB, nhiều ý tưởng sáng tạo đã được các bạn trẻ đưa ra. Mọi người thảo luận, hiến kế, huy động nguồn lực trên “thế giới ảo” để tổ chức hoạt động ở ngoài đời thật. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích thì việc sinh hoạt qua FB vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, một số người lợi dụng diễn đàn để bình luận thiếu tinh thần xây dựng hoặc đăng những thông tin, hình ảnh phản cảm. Đơn cử như hình ảnh vài thanh niên uống rượu rồi đánh nhau hay có lời lẽ khiếm nhã tung lên FB khá phản cảm nhưng vẫn được không ít người chia sẻ, thậm chí nhấn nút “like” hưởng ứng. Anh Quý nhìn nhận tình trạng đó vô hình chung đã tạo hiệu ứng không tốt trong cộng đồng, do đó Đội luôn sàng lọc thông tin nhằm tránh điều này, đồng thời gửi cảnh cáo đến những thành viên có ý thức chưa nghiêm túc. Thực tế cho thấy khi sinh hoạt trên MXH, những mặt trái của nó là không thể tránh khỏi, do vậy người thủ lĩnh cần phải lường được mọi trường hợp để có biện pháp ngăn chặn, đồng thời phải vận dụng khôn khéo và hiệu quả những ưu điểm của MXH, quan tâm không chỉ ở một mà nhiều MXH, diễn đàn khác nhau để nắm bắt nhu cầu của bạn trẻ và tăng thêm kênh tương tác với thanh niên. Với Đội CTXH huyện Cư M’gar, thông tin hoạt động không chỉ ở trên FB, mà còn ở các kênh khác như Youtube, Twitter...
Qua thực tế hoạt động của Đội CTXH huyện Cư M’gar, có thể thấy những hiệu quả tích cực mà MXH mang lại cho công tác Đoàn, sinh hoạt thanh niên... Hiện có rất nhiều các chi đoàn, thậm chí cơ sở đoàn của một số đơn vị, công ty, cơ quan trên địa bàn tỉnh đã thành lập các trang mạng của riêng mình, chủ yếu trên FB để kết nối những thanh niên có cùng chí hướng, từ đó giúp hình thành một mạng lưới cộng đồng thanh niên vững chắc và mạnh mẽ trong hoạt động xã hội vì lợi ích cộng đồng, không chỉ trên “thế giới ảo” mà còn ở đời sống thực tế.
Đức Văn
Ý kiến bạn đọc