Multimedia Đọc Báo in

Nơi hậu phương vững chắc cho đảo xa...

21:44, 02/08/2014

Để những chiến sĩ yên tâm công tác nơi biển đảo của Tổ quốc, những người vợ, người mẹ ở nhà phải đảm nhận vai trò của người chồng, người cha. Họ luôn là hậu phương giúp các anh vững tay súng nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc.

Chúng tôi tìm về nhà của anh Lê Hữu Vũ và chị Phan Thị Lan, tại thôn 10, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) ngay khi chị vừa đưa người con trai lớn của mình là Lê Anh Tuấn, sinh năm 2000, đi khám ở Viện mắt Trung ương tại Hà Nội về. Cháu bị liệt tuyến hốc mắt khiến con mắt bên phải đã bị mù hoàn toàn, còn mắt trái thị lực cũng còn rất yếu. Chị Lan tâm sự trong nước mắt: “Cháu Tuấn chỉ mới phát hiện bệnh tháng 4 năm nay, trước đó cũng có triệu chứng là hay bị quáng nhưng cả nhà không để ý, đến lúc đưa đi chạy chữa thì mắt phải bị hỏng hoàn toàn rồi…”.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (bên trái) trao quà tặng gia đình chị Phan Thị Lan.
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (bên trái) trao quà tặng gia đình chị Phan Thị Lan.

Hai anh chị quen và lấy nhau năm 1998 và sinh được hai người con là Lê Anh Tuấn và Lê Thị Thanh Tâm (2006). Kết hôn xong anh lên đường làm nhiệm vụ ngoài quần đảo Trường Sa từ 1998 đến năm 2000. Đến tháng 12-2010 anh lại tiếp tục nhận nhiệm vụ ra quần đảo Trường Sa trong 18 tháng. Rồi đến 12-2013 đứng trước yêu cầu mới, anh lại khoác ba lô xuống biển. Ba lần vinh dự được phân công ra Trường Sa anh đều không nề hà, luôn hăng hái lên đường, lại được chị và các con ủng hộ nên anh yên tâm lắm. Chồng ở xa, với mức lương công nhân chỉ từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng/tháng, chị phải tìm việc kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Tháng 4-2014 vừa rồi, ngay khi đứa con trai đầu phát bệnh, chị cũng dặn lòng là chỉ báo cho anh những điều cần thiết, còn lại ở nhà mình chị xoay sở vừa đưa con đi khám lại tất bật lo cho đứa con thứ hai. Hôm chúng tôi đến thăm nhà cũng là ngày mà chị đưa Anh Tuấn đi khám về, lại cũng là ngày sinh nhật của bé Thanh Tâm. Được đơn vị tạo điều kiện, anh Vũ gọi điện thoại về nhà thì chính chị lại động viên anh rằng, anh cứ yên tâm công tác ngoài đảo. Mọi việc ở nhà cứ để chị lo…

Ngoài gia đình chị Lan, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn còn nhiều những cặp vợ chồng trẻ mà chồng thì đóng quân ngoài Trường Sa, như gia đình anh Nguyễn Văn Lợi và chị Nguyễn Thị Thu Hiền, trú phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột). Cùng quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, hai người đến với nhau vào năm 2008 và định cư tại TP. Buôn Ma Thuột. Năm 2011 anh Lợi nhận nhiệm vụ ra quần đảo Trường Sa. Chồng đi biền biệt, ở nhà một mình chị vừa bảo đảm công việc tại Hội Đông y tỉnh, lại vừa lo cho con. Hai bên nội ngoại đều ở ngoài quê nên ở đây, chị vừa là mẹ, vừa là bố của con. Những lúc con bị ốm hay chính bản thân mình bị bệnh, vào bệnh viện bác sĩ đều hỏi thăm bố cháu và chồng đâu, chị tủi thân lắm, nhưng với nghĩa vụ thiêng liêng của chồng, chị đều cố gắng vượt lên tất cả, vừa hoàn thành tốt công việc, vừa chăm con khỏe mạnh để anh yên tâm công tác. Chị Hiền tâm sự: “Trước lúc lấy anh, mình đã xác định là làm vợ một người lính thì phải hy sinh nhiều lắm. Vì nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, mình cố gắng để anh luôn yên lòng hoàn thành nhiệm vụ nơi đảo xa”.

Hay như gia đình anh Bùi Hồng Lâm và chị Phạm Thị Hoa, trú thôn 10, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột). Anh Lâm đã 18 năm đóng quân ngoài quần đảo Trường Sa, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; còn chị Hoa hiện đang là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Hóa tại Trường THCS Trung Hòa (huyện Cư Kuin). Một mình chị ở nhà, vừa lo cho con, vừa lo cho gia đình ông bà ngoại. Cuối tháng 6 vừa rồi, mẹ chồng chị bị tai nạn ngoài quê, chị lại nhanh chóng sắp xếp mọi việc để về lo cho mẹ chồng. Chị tâm sự, để có thể vừa hoàn thành tốt công việc giảng dạy trên trường, lại vừa chăm lo cho gia đình ngoài sự nỗ lực của bản thân, động viên của chồng thì những ủng hộ của gia đình hai bên nội, ngoại đã giúp chị rất nhiều trong cuộc sống, để chị luôn là một hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác.

Thời gian qua, sự quan tâm, thăm hỏi của các ban, ngành, đoàn thể cũng là nguồn động viên cho các chị cũng như gia đình của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ ngoài biển đảo quê hương. Bà Nguyễn Thị Lộc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, Hội đã vận động và đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” số tiền hơn 600 triệu đồng, đồng thời thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên chị em và các gia đình có người thân đang công tác ngoài đảo xa, từ đó tạo nên một hậu phương vững chắc để các chiến sĩ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ biển đảo của Tổ quốc. Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm, hiện UBND tỉnh đã có các chủ trương, kế hoạch cũng như đề xuất các ý tưởng, giải pháp xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế biển, đảo; kế hoạch giao lưu, kết nghĩa với huyện đảo Trường Sa cũng như tuyên truyền, vận động và triển khai đóng góp xây dựng Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” trên địa bàn toàn tỉnh.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc