Multimedia Đọc Báo in

Bao giờ hết nỗi lo cầu tạm?

18:10, 15/09/2014

Để thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất, người dân xã Ea Hu, xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) đã phải làm một số cầu tạm bằng gỗ tạp. Vì vậy mà mỗi mùa mưa lũ tràn về, họ lại thấp thỏm lo sợ bởi nguy hiểm rình rập từ những chiếc cầu tạm bợ này.

Cầu Chăn Nuôi (cầu Bằng) nối liền 2 xã Ea Hu và Cư Êwi (Cư Kuin). Cầu dài khoảng 16 mét, rộng 4 mét, mỗi ngày có hàng trăm lượt phương tiện lưu thông. Vì kết cấu của cầu chủ yếu bằng gỗ tạp, lại quá lâu năm nên cầu cứ bong lên từng thớ ván, có chỗ rộng chừng 40 cm, dễ dàng nhìn thấy được lòng sông. Chính nhiều lỗ hỏng này đã tạo hố bẫy ngay giữa cầu khiến nhiều người tham gia giao thông bị tai nạn. Đặc biệt, cầu Chăn Nuôi không có lan can hai bên nên khi trời mưa gió, người dân thường trực nỗi lo mất an toàn khi qua đây.

Ông Nguyễn Đình Hải, ở thôn 5 (xã Ea Hu), hộ dân sống gần cây cầu này đã chứng kiến hàng chục vụ tai nạn, cho biết: Cầu Chăn Nuôi đã làm được trên 15 năm nay và tạo điều kiện cho người dân hai xã lưu thông, giao lưu kinh tế, văn hóa… Tuy vậy, những năm gần đây cầu xuống cấp nghiêm trọng do cầu yếu, xe quá tải lại lưu thông nhiều khiến thành cầu hư hỏng nặng, gây nguy hiểm cho bà con mỗi lần qua cầu. Với khách từ địa phương khác tới, do không hiểu đường đi lối lại nên thường bị tai nạn khi đi qua đây.

Cầu Chăn Nuôi không có lan can khiến người dân lưu thông  qua cầu luôn thấp thỏm lo sợ.
Cầu Chăn Nuôi không có lan can khiến người dân lưu thông qua cầu luôn thấp thỏm lo sợ.

Được biết, mỗi năm có ít nhất 3 – 4 vụ tai nạn ở ngay cây cầu này. Nhiều người dân lao động, đặc biệt phụ nữ khi chở nông sản (lúa, bắp, sắn…) tới đây luôn phải dừng lại, nhờ người đi đường chuyển giúp qua khỏi cầu mới dám đi tiếp…  Mặc dù hai xã đã có nhiều biện pháp tu bổ cầu Chăn Nuôi, nhưng tất cả cũng chỉ là tạm thời; cái mà người dân mong chờ nhất có lẽ vẫn là một cây cầu chắc chắn để không phải nơm nớp lo lắng mỗi khi qua cầu.

Nằm trên địa bàn xã Ea Hu còn có một cây cầu “tử thần” khác, được người dân gọi là cầu Suối Đá (cầu Thác Đá), nơi giao nhau giữa thôn 2 và thôn 3. Cầu dài khoảng 12 mét, rộng 3,3 mét, được kết bằng gỗ tạp mỗi ngày có hàng nghìn lượt người và phương tiện lưu thông, trong đó có hàng chục lượt xe có trọng tải lớn chuyên chở nông sản, phân bón, vật liệu... Cầu chỉ cách mặt nước chừng 3-4 mét nên chỉ cần một trận mưa lũ lớn, lan can cầu đã rơi rụng, thân cầu cũng dễ dàng ngập nước. Con đường đất hai đầu cầu lại lắm ổ voi, ổ gà, vì vậy mà mỗi khi mưa gió, người dân của 2 thôn lại lo ngay ngáy khi đi qua cầu. Họ cho biết, mỗi năm có ít nhất 5 – 7 vụ tai nạn từ chiếc cầu này. Nghiêm trọng là vụ tai nạn đau lòng cách đây ít năm: chị N. có chở 2 con nhỏ đi qua cầu nhưng do không thấy đường nên cả 3 mẹ con bị rơi xuống nước. Nhờ người dân trong xóm giúp đỡ, chị và 1 người con được cứu sống, còn 1 đứa con nhỏ bị nước cuốn trôi, mãi hôm sau mới vớt được thi thể. Cũng tại chiếc cầu này, nhiều học sinh trên đường đi học về, gặp nước to đã bị rơi xuống nước, một số em bị gãy tay, răng… khiến gia đình không khỏi đau lòng, lo lắng.

Mặc dù trọng tải yếu nhưng vì đây là con đường liên thôn quan trọng ở xã nên cầu Suối Đá luôn được các xe có trọng tải lớn nhắm mắt chạy qua. Thấy mặt “hung thần”, nhiều học sinh phải né ngay ở đầu cầu, khi cảm thấy an toàn rồi mới dám qua cầu. Vì vậy mà đi qua cầu để đến Trường THCS Ea Hu trở thành ác mộng của nhiều học sinh ở hai thôn này. Ông Nguyễn Dũng, thôn trưởng thôn 2, xã Ea Hu cho biết: Vào mùa mưa lũ, chiếc cầu trở nên đáng sợ với rất nhiều hộ dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ và các em học sinh. Biết cầu yếu nên mỗi năm đoàn viên, thanh niên địa phương tu sửa ít nhất 2 lần để bảo đảm an toàn cho người đi đường. Vào các đợt mưa to, gió lớn, UBND xã đã cử công an viên canh gác hai bên cầu, hướng dẫn người dân qua lại… Tuy số vụ tai nạn có giảm nhưng sự thấp thỏm, lo lắng của người dân thì vẫn còn đeo đẳng. Về lâu về dài, người dân ở đây vẫn rất mong mỏi có được một cây cầu chắc chắn hơn.

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc