Dọc đường mưu sinh
Bất chấp mưa bụi, hơi nóng từ nền đường phả vào mặt hay những cơn mưa tầm tã, những người bán hàng rong dọc các quốc lộ, tỉnh lộ vẫn bền bỉ bám đường mưu sinh. Hình ảnh những người dân với sạp hàng di động hay quán giải khát dã chiến… không còn xa lạ với người đi đường.
Sản vật bày bán thường là trái cây, hoa quả hay bất cứ thứ gì trồng được trong vườn, ngoài rẫy. Chỉ với chiếc dù, miếng bìa nhỏ để đặt trái cây và chiếc ghế nhựa mà từ đầu hè đến nay, ngày nào Y Sao Mai, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) cũng ra km 15, quốc lộ 26 bán hàng, hôm thì chôm chôm, sầu riêng hái trong vườn, hôm thì quả mít, trái ổi hay bon bon… mua lại của những người đi rừng. Y Sao Mai cho biết, nhà đông anh em nên để có tiền mua sách vở, tiếp tục đến trường em phải ra đường bán trái cây, ngày kiếm được vài chục ngàn đồng. Nhiều khi buồn ngủ quá, định bỏ về nhà ngủ lại sợ không bán được hàng nên em tranh thủ tựa vào gốc cây ven đường chợp mắt một chút. Gặp khách tốt bụng, biết hoàn cảnh khó khăn của em họ mua nhiều, lại cho thêm ít tiền. Chị H’linh - chủ sạp hàng cạnh đó chia sẻ, do bán chưa quen nên khi có khách hỏi mua trái cây của Y Sao Mai là các cô gần đó giúp em cân hàng, thu hoặc thối tiền dùm em. Nghề này chẳng phải đầu tư gì nhiều, chỉ cần bộ bàn ghế nhựa nhỏ, hoặc bày trên gùi là có thể bán cả ngày, nhưng phải chịu nắng mưa; nhiều hôm bán hết hàng từ sớm, cũng có khi ngồi cả ngày mà không ai hỏi mua. Chị H’lan ở Buôn Ky, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, mùa khô chị cùng con gái lớn vào bãi rác xã Cư Êbur nhặt phế liệu, nhưng vào mùa trái cây, mẹ con chị lại “đổi nghề” chuyển sang gùi rau quả, trái cây ra ngã 3 buôn Ky để bán cho người đi đường. Những ngày nắng thì nép mình dưới bóng mát, mưa xuống lại mang dù che, mưa lớn thì vào xin trú ở nhà dân gần đó. Hàng hóa của những người dân nghèo bày bán ven tỉnh lộ, quốc lộ ngoài sản vật thu hái trong vườn, còn có sản vật tự nhiên từ rừng như chôm chôm, măng, rau rừng… hay ốc, lươn, cua, cá... bắt từ suối có ưu điểm là tươi, ngon, không có chất hóa học nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Minh, đường Trần Phú (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, mỗi lần có chuyến công tác xa về các huyện chị lại ghé mua rau quả, trái cây của những người bán rong hai bên quốc lộ, tỉnh lộ, bởi những loại nông sản này vừa an toàn, lại ngon, rẻ so với mua ở các chợ. Nhiều hôm chị mua khá nhiều rau rừng về để dành ăn dần hoặc chia sẻ cho hàng xóm.
Hàng trái cây di động của chị H’lan tại ngã 3 buôn Ky được bày sát lề đường. |
Không chỉ bày bán hoa quả, những người mưu sinh dọc đường còn mở các dịch vụ ăn uống, giải khát phục vụ khách bộ hành. Chị Thu, chủ quán cà phê võng tại xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) cho hay, chị mở quán cà phê võng hơn 10 năm nay, chủ yếu phục vụ cánh tài xế xe tải, xe khách, hay người đi xe máy tranh thủ ghé vào nghỉ nghơi chốc lát sau chuyến hành trình dài…, thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/tháng. Khách vào quán có thể uống cà phê, dừa trái, nước ngọt, hoặc nằm nghỉ trên võng. Anh Trần Văn Thịnh (TP. Hồ Chí Minh), lái xe tuyến Đà Lạt (Lâm Đồng) sang Dak Lak theo Quốc lộ 27 cho biết: chạy xe đường xa dễ buồn ngủ, do vậy trên các chuyến hành trình của mình, anh thường dừng lại các quán cà phê võng dọc đường để nghỉ ngơi 10-15 phút, mệt quá thì ngủ một giấc cho hồi sức rồi chạy tiếp để bảo đảm an toàn giao thông cho bản thân mình và người khác.
Những người bán rong dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nay gặp khó khăn khi cung vượt cầu, đồng thời còn phải đối mặt với nguy hiểm bởi lưu lượng xe cộ đông, phải “căng mắt” nhìn đường, nhìn người và phương tiện qua lại với phản xạ nhanh khi gặp sự cố bất ngờ. Đầu năm nay, khi bày bán ốc tại km số 15, Quốc lộ 26, chị H’linh suýt bị xe đụng, nhờ nhanh chân nên chị né được, nhưng toàn bộ hàng hóa, bàn ghế đều bị hư hỏng. Chuyến đó, chị tính bỏ nghề, nhưng nhà đông người, đất rẫy ít, không biết làm gì có tiền trang trải chi tiêu, nên chị lại tiếp tục chọn quốc lộ để mưu sinh.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc