Multimedia Đọc Báo in

Làm gì để xuất khẩu lao động trở thành "kênh" phát triển kinh tế hiệu quả? (Kỳ II)

10:57, 16/09/2014

Kỳ 2: Phát triển xuất khẩu lao động chưa tương xứng với tiềm năng

Dak Lak có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động, song hằng năm số người được giải quyết việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động (XKLĐ) chỉ khoảng 26.000 người (trong đó có khoảng 8.000 lao động là người dân tộc thiểu số). Tính ra số lượng người được đưa đi XKLĐ hằng năm chỉ đạt chừng 600-700 người, quá ít so với số lượng người trong độ tuổi lao động trên địa bàn.

Những giai đoạn “thăng trầm” của XKLĐ  ở Dak Lak

Những năm 2006-2008 được xem là giai đoạn “phát triển thịnh” của XKLĐ tại tỉnh ta với số lượng người đi XKLĐ mỗi năm lên đến trên 2.500 người. Nhờ nguồn tiền từ người thân đi XKLĐ gửi về, nhiều gia đình đã “đổi đời”, không chỉ sắm sửa được các máy móc, vật dụng sinh hoạt trong gia đình mà còn có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sau đó phong trào XKLĐ dường như bước vào giai đoạn “thoái trào” bởi đơn vị đưa người đi XKLĐ (Trung tâm XKLĐ và chuyên gia thuộc Inexim Dak Lak) còn thiếu kinh nghiệm tổ chức, số lượng lao động bỏ về nước nhiều, nợ xấu trong cho vay XKLĐ chiếm tỷ lệ cao nhất khiến các ngân hàng ngần ngại với khoản vay này…

(Xem tiếp trang 2)  Cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tư vấn giới thiệu việc làm, XKLĐ cho người đến tìm việc.
Cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tư vấn giới thiệu việc làm, XKLĐ cho người đến tìm việc.

Sau một vài rắc rối xảy ra, Trung tâm XKLĐ và chuyên gia giải thể năm 2010. Hoạt động XKLĐ rơi vào tình trạng “ì ạch” với số lượng người xuất cảnh mỗi năm chỉ ở mức 500 – 600 người. Trên địa bàn tỉnh không còn doanh nghiệp nào đứng ra làm công việc tuyển dụng lao động đi XKLĐ; người lao động không có nguồn thông tin chính thống về XKLĐ, tự đi theo tuyển dụng trực tiếp từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh hoặc kéo nhau đi theo kiểu “người đi trước rước người đi sau”, có những trường hợp bị lừa XKLĐ khiến người lao động bị mất khoản phí cao hơn nhiều so với thực tế, thậm chí là “tiền mất, tật mang”… Nhiều lao động đi nước ngoài theo visa du lịch rồi bỏ trốn ở lại làm việc, trở thành lao động bất hợp pháp và gặp rất nhiều rủi ro, đến khi gặp nạn mới tìm đến cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ. Cuối năm 2013, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phải giải quyết, can thiệp để đưa về nước một lao động bất hợp pháp bị tai nạn lao động và mất ở Nga. Chị Phan Thị Bích Phương, cán bộ Phòng Lao động – Tiền lương và Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) kể: “Đó là trường hợp anh N.V.N ở huyện Cư Kuin. Anh N. đi XKLĐ sang Nga theo một đường dây nào đó, đến nơi thì điều kiện lao động quá tồi tệ, phải sống trong container, việc lúc có lúc không. Theo lời gia đình, anh N. đi XKLĐ 3 năm mà không dư được đồng nào, đến khi chết vì tai nạn thì không có cách nào đưa thi thể về nước nếu không nhờ đến cơ quan chức năng”.

Thêm một bất cập nữa là, do không có nguồn thông tin chính thống trong khi những thông tin về tiêu cực trong XKLĐ lại nhiều nên rất nhiều người lao động có cái nhìn dè dặt, thậm chí “kỳ thị” về XKLĐ. Một số địa phương trước đây từng có đông lao động đi XKLĐ như huyện Krông Pak, Ea Kar… thì nay số lượng giảm hẳn. Xuất hiện tình trạng một số lao động ở các tỉnh phía Bắc lợi dụng sơ hở nhập khẩu vào tỉnh ta trong thời gian rất ngắn rồi sau đó đi XKLĐ và bỏ trốn ra ngoài làm việc. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng không tốt đến việc XKLĐ của tỉnh ta vào các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Từ năm 2012 đến nay, tình hình XKLĐ có chuyển biến đôi chút nhờ sự quan tâm và những giải pháp hiệu quả từ các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Tuy nhiên, khó khăn vẫn bộn bề.

Còn nhiều khó khăn

Tay nghề chuyên môn, trình độ ngoại ngữ của người lao động và chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước đang là những “rào cản” của XKLĐ.

Lao động đi XKLĐ đang chờ làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay.
Lao động đi XKLĐ đang chờ làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay.

Có thể thấy, mặc dù nguồn lao động ở tỉnh ta dồi dào về số lượng nhưng chưa bảo đảm về chất lượng. Người lao động tham gia XKLĐ phần lớn là lao động nông thôn, chủ yếu là lao động phổ thông, yếu kém cả về tay nghề và tính kỷ luật, tác phong làm việc, tiếp thu chậm trong việc học tiếng và học nghề. Phần đông lao động có nhu cầu XKLĐ đều chưa được đào tạo nghề trong khi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào một số nghề đòi hỏi tay nghề như: cơ khí, điện tử, may mặc, hộ lý, điều dưỡng… Tay nghề kém, ý thức và kỷ luật lao động chưa cao, song phần đông lao động lại có nguyện vọng đi XKLĐ ở các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản… - những thị trường đòi hỏi cao về chất lượng lao động, số lượng tuyển dụng hạn chế và chi phí ban đầu rất cao. Hơn nữa, trong những năm qua, nhiều lao động đi làm việc ở Hàn Quốc bỏ trốn nhiều, dẫn đến việc quốc gia này “đóng cửa”, không tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (EPS). Do vậy, thị trường tiếp nhận lao động XKLĐ nhìn chung mới chỉ giới hạn ở một số nước châu Á, trong đó chủ yếu là thị trường Malaysia, Đài Loan, Cô-oét… Đây là những thị trường không đòi hỏi lao động phải có trình độ tay nghề kỹ thuật cao, chi phí hợp lý, có thể tiếp nhận số lượng lao động lớn nhưng do tiền lương thấp nên không thực sự hấp dẫn người lao động.

Bên cạnh đó, nhiều người có nhu cầu đi XKLĐ song lại không đủ tiền để trang trải chi phí ban đầu; trong khi đó, lao động thuộc diện đối tượng được vay vốn XKLĐ từ Ngân hàng Chính sách xã hội còn ít. Một khó khăn nữa là những thông tin chính thống về XKLĐ vẫn chưa đến được với nhiều người dân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không ít người muốn đi XKLĐ song lại không biết đăng ký ở đâu, làm thủ tục như thế nào; việc lập hồ sơ, làm hộ chiếu và các giấy tờ có liên quan khác còn nhiêu khê, rườm rà. Trong tình trạng “mù mờ” thông tin (tốt-xấu lẫn lộn) như thế, dễ xảy ra tình trạng hoặc là người lao động hoài nghi, do dự dẫn đến hủy bỏ hợp đồng (đã xảy ra trường hợp hủy hợp đồng XKLĐ vì nghe hàng xóm “hù dọa” về những nguy cơ xấu khi đi XKLĐ) hoặc là người lao động bị dụ dỗ, lừa đảo bởi những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng… Công tác quản lý hoạt động giới thiệu việc làm, XKLĐ của cơ quan Nhà nước còn bất cập, nhất là trong công tác thanh kiểm tra dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp tổ chức đi XKLĐ thu phí cao quá quy định hoặc chưa được cấp phép mà vẫn tùy tiện hoạt động, lừa đảo. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm sút lòng tin của người lao động đối với những chính sách về XKLĐ.

(Còn nữa)

 Lan Anh – Hồng Thủy

 


Ý kiến bạn đọc